Nhiều người dùng từng trải nghiệm 5G cho rằng tốc độ nhiều lúc, nhiều nơi vẫn chỉ ngang ngửa 4G.
Tốc độ mạng 5G tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM đo được lên đến hơn 400 Mbps - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Nhiều người dân tại TP.HCM cho biết đang sử dụng smartphone 5G và đã nhiều lần “bắt” được sóng 5G, nhưng tốc độ trên điện thoại nhiều lúc chỉ như 4G.
Vì sao có sóng 5G nhưng tốc độ chỉ 4G?
Anh Trung Thông (quận 7) cho biết đã sử dụng nhiều smartphone 5G trong vài năm qua và đã nhiều lần kết nối 5G thử nghiệm của các nhà mạng.
“Nếu ở ngay phố đi bộ Nguyễn Huệ, tốc độ tải về có thời điểm đạt đến 700-800 Mbps, nhưng đi xa phố đi bộ một chút thì tốc độ lại giảm rất nhanh, nhiều khi chỉ còn vài chục Mbps dù vẫn đang kết nối 5G", anh Thông nói.
Tương tự, chị Hạo Anh (quận Bình Tân) chia sẻ đã dùng điện thoại 5G từ lâu và còn đăng ký gói cước "xịn" của nhà mạng, nhưng cơ hội trải nghiệm sóng 5G chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Mang tiếng dùng điện thoại 5G nhưng hiếm khi điện thoại tôi bắt được sóng, còn lại hầu hết là 4G, 3G", chị Anh phản ánh.
Trung Quốc xây dựng 3 triệu trạm phát, bỏ xa Mỹ trong cuộc đua 5G
Thiết bị 5G Việt Nam sản xuất vào danh sách sản phẩm uy tín quốc tế
Vì sao châu Âu cho phép điện thoại bật 5G trên máy bay?
Tuổi Trẻ Online đã thử đo tốc độ sóng 5G tại một số khu vực trung tâm ở TP.HCM. Chẳng hạn ngay tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, tốc độ đo được nhiều thời điểm khoảng 300-400 Mbps, nhưng cũng có thời điểm xuống chỉ còn chừng 100 Mbps. Trong khi đó, khu vực chợ Bến Thành chỉ có tốc độ chừng 45 Mbps - ngang ngửa với tốc độ 4G.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, trưởng phòng kỹ thuật một nhà mạng di động cho biết do vẫn đang trong thời gian thử nghiệm, các nhà mạng chỉ dựng một hoặc vài trạm phát sóng 5G ở một số ít khu vực nên sẽ không có nhiều người dân được tiếp cận sóng 5G thường xuyên.
Hơn nữa, ở các khu vực có sóng 5G, do nhà mạng có thể chỉ dựng một trạm phát nên những ai ở càng gần trạm thì nhận được tốc độ càng cao, và giảm dần khi ra xa. Bên cạnh đó, cũng vì có rất ít trạm 5G nên nếu nhiều người dùng cùng kết nối đến một trạm cùng lúc cũng sẽ làm giảm tốc độ kết nối.
Mạng 5G gần chợ Bến Thành chỉ ngang 4G tại nhiều thời điểm - Ảnh: Đ.THIỆN
Chậm triển khai 5G là lãng phí
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thế Kha, giám đốc thương mại hệ thống bán lẻ FPT Shop, cho biết trên thị trường hiện nay, thiết bị đầu cuối được trang bị 5G đã là tiêu chuẩn với các dòng sản phẩm smartphone mới ra mắt.
Đặc biệt, dòng smartphone tầm trung cao từ 7 triệu đồng trở lên rất phong phú và gần như đều được trang bị sẵn 5G, chỉ trừ một số mẫu đặc biệt giá rẻ và thúc đẩy bán hàng trong thời gian ngắn mới trang bị chỉ 4G.
Tuy nhiên theo bà Phùng Phương - đại diện hệ thống bán lẻ Di Động Việt, hiện nay đa phần khách hàng khi mua smartphone 5G đều chưa khai thác sử dụng kết nối này nhiều, bởi khu vực có 5G còn hạn chế.
Với thực trạng này, việc sử dụng được 5G phụ thuộc hoàn toàn vào nhà mạng, không phải từ điện thoại nên dù người dùng có muốn trải nghiệm cũng gặp khó khăn (vì khi có khi không, hoặc chỉ có tại các điểm thử nghiệm).
“Đây có thể coi là một sự lãng phí công nghệ khi rất nhiều sản phẩm dù đi hết vòng đời của mình (có sản phẩm mới ra mắt thay thế) vẫn chưa được dùng tính năng 5G được trang bị sẵn”, ông Kha nói.
Do đó, nhiều người dùng lẫn các doanh nghiệp bán lẻ đều kỳ vọng, mong muốn 5G được triển khai mạnh mẽ từ năm 2024 để người dùng có thể trải nghiệm sự khác biệt trên các thiết bị được trang bị 5G.
“Đây có thể là tiền đề để tạo ra một xu hướng, động lực nâng cấp điện thoại với người tiêu dùng, giúp thúc đẩy hoạt động bán lẻ thiết bị công nghệ có thêm các giai đoạn phát triển mới.
Đồng thời giúp người dùng sớm tiếp cận với kết nối thông minh (IoT), trải nghiệm các tính năng AI, đồ họa, thực tế ảo một cách mượt mà khi không có WiFi", ông Kha nhận định.
Đăng thảo luận