Các bệnh viện của 28 tỉnh, thành đã gấp rút chuẩn bị nhân lực, vật lực, sẵn sàng ứng phó với bão số 3. Nhiều bệnh viện đã thông báo dừng khám chữa bệnh theo yêu cầu để tập trung tối đa nguồn lực phục vụ cấp cứu.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình sẵn sàng thuốc, vật tư phòng chống bão số 3 - Ảnh: Sở Y tế Thái Bình
Đảm bảo nguồn lực, nhu yếu phẩm
Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, 28 sở y tế các tỉnh thành chịu ảnh hưởng của bão đã gấp rút chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị, sẵn sàng nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.
Đồng thời tăng cường công tác thường trực chuyên môn 24/24 giờ tại đơn vị, đảm bảo duy trì tốt hoạt động khám, chữa bệnh, sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu cho người bệnh và nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa.
Hà Nội bắt đầu mưa lớn và gió mạnhĐỌC NGAY
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, các y bác sĩ kiểm tra toàn diện cơ sở vật chất, từ hệ thống cửa sổ, cửa ra vào đến hệ thống dây điện, cáp truyền và các phòng bệnh, phòng làm việc.
Bệnh viện đã dự trữ đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, cùng với các phương tiện thiết yếu phục vụ công tác phòng chống thiên tai.
Cùng với đó khoa dinh dưỡng phối hợp với nhà ăn đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống… cho người bệnh trước, trong và sau bão.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, mọi công tác ứng phó với bão số 3 cũng đã sẵn sàng. Bệnh viện đã thành lập 10 đội thường trực cấp cứu; chuẩn bị 20 cơ số thuốc, 10 cơ số vật tư y tế; dự trù trên 3.000 lít dầu diesel phục vụ 5 máy phát điện, đảm bảo có thể phát điện 16h liên tục.
Các tỉnh Nam Định, Yên Bái, Phú Thọ,… cũng đã chuẩn bị nhân lực, vật tư, thuốc, hóa chất, tổ chức trực ban, kịp thời cử các đội cơ động sẵn sàng tiếp nhận khám, chữa bệnh, cấp cứu ngoại viện.
Dừng khám chữa bệnh theo yêu cầu, sẵn sàng ứng phó thảm họa
Tại Bệnh viện Bạch Mai, lãnh đạo bệnh viện đã họp chỉ đạo các khoa phòng tập trung toàn bộ mọi nguồn lực để chủ động ứng phó với siêu bão Yagi, đảm bảo an toàn cao nhất cho người bệnh và nhân viên y tế.
Bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận, xử trí các trường hợp cấp cứu hàng loạt do thảm họa, thiên tai. Thành lập các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ chuyên môn khi có yêu cầu từ các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão.
Đồng thời Bệnh viện Bạch Mai cũng thông báo sẽ tạm dừng công tác khám bệnh tại khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật, để tập trung nguồn lực phòng chống bão, cấp cứu và điều trị người bệnh, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân và người nhà.
Một đội cấp cứu lưu động miễn phí túc trực tại phường Văn Quán, Hà Đông sẵn sàng đưa đón bệnh nhân đến viện an toàn - Ảnh: 911 Hà Nội
Do ảnh hưởng của bão, nhiều bệnh viện như Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh... đã thông báo dừng khám, chữa bệnh theo yêu cầu trong hai ngày cuối tuần.
Bên cạnh đó để đảm bảo an toàn, các tỉnh thành phố cũng đã thông báo người dân hạn chế ra đường khi bão đổ bộ. Vì vậy, việc thăm khám sức khỏe chưa cấp thiết, người dân nên chờ bão đi qua mới đến bệnh viện thăm khám.
Trong trường hợp cấp cứu, người dân cần gọi xe cấp cứu để được di chuyển đến bệnh viện an toàn. Các tỉnh, thành phố đã huy động các lực lượng cấp cứu túc trực, sẵn sàng di chuyển đưa bệnh nhân an toàn đến bệnh viện trong mưa bão.
Ngoài đội cấp cứu lưu động của các bệnh viện, nhiều đội cấp cứu miễn phí cũng đã sẵn sàng hỗ trợ đưa đón bệnh nhân đến viện an toàn.
Đăng thảo luận