YênBái - Thực hiện mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, những năm gần đây, huyện Văn Chấn đã và đang đưa vào thử nghiệm một số loại cây trồng mới; trong đó, tre măng Bát độ được coi là một trong những loại cây chủ lực.
Người dân xã Suối Bu tích cực tham gia trồng và phát triển tre măng Bát độ.
Thị trấn Nông trường Trần Phú từng là thủ phủ của cây cam, nhưng sau dịch bệnh vàng lá, thối rễ, hầu hết diện tích cam, quýt của thị trấn đã bị xóa sổ. Sau khi lựa chọn nhiều loại cây trồng thay thế, chính quyền địa phương nhận thấy cây tre măng Bát độ có nhiều ưu điểm và cho hiệu quả kinh tế cao nên đã tập trung chỉ đạo trồng thử nghiệm. Từ những diện tích trồng ban đầu, đến nay, diện tích tre măng Bát độ đã phát triển lên trên 35 ha.
Gia đình anh Phạm Hải Đường ở tổ dân phố 8 là một trong những hộ điển hình trồng tre măng Bát độ ở thị trấn Nông trường Trần Phú. Sau khi diện tích cam của gia đình bị chết, anh đã chuyển sang trồng bí đao, nhưng do giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định, anh đã mạnh dạn sang huyện Trấn Yên tìm hiểu và học hỏi cách trồng cây tre măng Bát độ. Đến nay, gia đình anh có trên 5 ha tre măng Bát độ, trong đó 3 ha đang cho thu hoạch.
Anh Đường cho biết: "Quá trình trồng và chăm sóc tre măng Bát độ khá thuận lợi, cây trồng từ năm thứ 2 là cho thu hoạch và được Công ty cổ phần Yên Thành về tận nơi thu mua, bao tiêu sản phẩm với giá trung bình từ 5.000 - 6.000 đồng/kg”. Năm 2023, gia đình anh Đường thu nhập được 400 triệu đồng từ bán lá và bán măng. Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, gia đình anh đã bán được hơn 200 triệu đồng tiền măng tre Bát độ, dự kiến năm nay sẽ thu được trên 500 triệu đồng”.
>> Kiên Thành lại được mùa măng
>> Tre Bát Độ - "cây hạnh phúc" của người dân Trấn Yên
Các loại tre măng nói chung và tre măng Bát độ nói riêng được huyện Văn Chấn đưa vào trồng từ rất sớm. Tuy nhiên, do chưa có sự liên kết bao tiêu sản phẩm và diện tích trồng manh mún nên hiệu quả còn hạn chế. Hai năm trở lại đây, thực hiện Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã phối hợp, tạo điều kiện để các đơn vị doang nghiệp thực hiện các dự án phát triển tre măng Bát độ. Bên cạnh việc liên kết với các doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm, các tổ chức hội và nhân dân đã liên kết thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để giúp nhau phát triển măng tre hiệu quả.
Ông Nguyễn Trung Thậm - Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú cho biết: "Thị trấn đã thử nghiệm nhiều cây trồng để thay thế cây cam, nhận thấy tre măng Bát độ là cây trồng khá phù hợp. Hiện nay, phong trào trồng tre măng Bát độ trên địa bàn thị trấn đang phát triển mạnh. Thị trấn đã vận động các hội viên các tổ chức hội và người dân thành lập các tổ hợp tác, tiến tới thành lập hợp tác xã để giúp nhau phát triển, mở rộng diện tích cây trồng này”.
Tuy mới phát triển trên quy mô lớn được vài năm, nhưng theo đánh giá của người dân, tre măng Bát độ có ưu thế vượt trội với tốc độ sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh và chi phí đầu tư thấp. Cây tre măng Bát độ yêu cầu ít phân bón và công chăm sóc, nhưng lại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với mức giá bình quân từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, mỗi héc-ta tre măng Bát độ có thể đem lại thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Không chỉ có lợi ích kinh tế, tre măng Bát độ còn mang giá trị lớn trong việc chống xói mòn đất, bảo vệ cảnh quan và môi trường sinh thái. Đến nay, toàn huyện Văn Chấn có trên 500 ha tre măng Bát độ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân với doanh thu hàng năm đạt trên 100 tỷ đồng.
Từ hiệu quả và triển vọng cây tre măng Bát độ mang lại, thời gian tới, huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện rà soát và quy hoạch thêm các diện tích trồng tre măng. Mục tiêu là không chỉ gia tăng sản lượng măng mà còn tạo thêm nhiều việc làm, ổn định thu nhập cho người dân, góp phần đưa nền nông nghiệp của huyện phát triển bền vững.
Năm 2024, huyện Văn Chấn phối hợp với Công ty cổ phần Yên Thành thực hiện dự án liên kết sản xuất tre măng Bát độ. Dự án đã quy hoạch và mở rộng thêm 100 ha tại một số xã vùng ngoài. Đến hết tháng 8, chính quyền địa phương đã cấp 46.500 cây giống cho người dân các xã Thượng Bằng La, Tân Thịnh và thị trấn Nông trường Trần Phú, nhân dân đã trồng 85,9 ha, với tỷ lệ cây sống cao.
Trần Ngọc
Tags Văn Chấn mở rộng diện tích tre măng Bát độ
Đăng thảo luận