Dự chương trình có Nhà báo Trần Công Hùng, Tổng Thư ký toà soạn báo Tiền Phong điện tử; Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì Phạm Văn Ngát, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Cường cùng khoảng 200 giáo viên, học sinh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc, Nhà báo Trần Công Hùng nhấn mạnh: "Ô nhiễm môi trường là vấn đề nhức nhối ở rất nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Ngay trên các đường phố, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những bãi rác tập kết, gây mất mỹ quan và bốc mùi hôi thối. Chúng ta cũng có thể dễ dàng nhìn thấy những dòng sông đen kịt hay bầu trời mù mịt khói bụi trong những ngày mùa đông. Ô nhiễm môi trường đang tác động trực tiếp đến sức khoẻ của mỗi người, trong đó có tất cả chúng ta ngồi đây".
“Việc dồn tất các loại rác vào một nơi dẫn đến sự lãng phí khổng lồ nguồn tài nguyên rác cũng như gây ra những hệ quả môi trường hết sức nghiêm trọng. Không phân loại rác sẽ làm thất thoát lượng rác thải nhựa khổng lồ ra môi trường, thay vì được tái chế, xử lý, làm trầm trọng hơn nữa vấn nạn ô nhiễm nhựa đại dương, vốn là vấn đề môi trường nghiêm trọng chỉ sau biến đổi khí hậu”, ông Hùng nói.
Nhà báo Trần Công Hùng, Tổng Thư ký toà soạn báo Tiền Phong điện tử phát biểu khai mạc Hội nghị.
Cũng theo ông Hùng, các loại chất thải nguy hại không được phân loại, xử lý riêng, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn với môi trường. Có thể lấy ví dụ như một quả pin vứt bừa bãi ra môi trường có thể gây ô nhiễm 500 lít nước hay một mét khối đất trong 50 năm.
Năm 2020, Luật Bảo vệ Môi trường đã ban hành một chính sách đột phá, yêu cầu các địa phương phải thực hiện phân loại rác tại nguồn, chậm nhất vào ngày 31/12/2024.
Việc phân loại rác tại nguồn mang lại những lợi ích hết sức to lớn. Thống kê cho thấy, nếu thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn sẽ giúp giảm 60-75% lượng rác là rác thực phẩm, giảm 15-20% lượng rác là rác tái chế, chỉ còn khoảng 25-30% rác thải phải mang đi chôn lấp hoặc xử lý tại các nhà máy, mang lại hiệu quả rất lớn với môi trường và sức khoẻ con người.
Ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cho biết, nhiều năm nay, Phòng GD&ĐT đã kiên trì thực hiện giáo dục và tuyên truyền bảo vệ môi trường một cách sâu rộng, thường xuyên và hiệu quả tại tất cả các cấp học. Đặc biệt, nội dung xây dựng trường học “Sáng, xanh, sạch, đẹp” cũng được đưa vào tiêu chí thi đua của các nhà trường, thúc đẩy sự chú trọng và cam kết của thầy cô giáo và các em học sinh nhà trường về vấn đề bảo vệ môi trường.
Các em học sinh tại huyện Thanh Trì cũng xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, có nhiều ý tưởng, dự án sáng tạo, góp phần giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách.
Ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì yêu cầu các trường học triển khai các nội dung giáo dục học sinh bảo vệ môi trường, trong đó các em hành động vì một môi trường xanh từ những cử chỉ, việc làm nhỏ nhất.
"Phòng GD&ĐT đã và đang yêu cầu các trường học triển khai các nội dung cụ thể, trong đó học sinh hành động vì một môi trường xanh từ những cử chỉ, việc làm nhỏ nhất.
Đó là việc không xả rác bừa bãi; bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; tích cực phân loại rác thải tại nguồn bảo vệ môi trường, nguồn nước, hệ thống thoát nước, bảo vệ không gian xanh, hưởng ứng thực hiện các mô hình xử lý rác thải tại nguồn như mô hình “Thùng rác thông minh, người dùng thông thái”; Tham gia thực hiện chương trình đến năm 2025 trồng thêm một tỷ cây xanh vì một Việt Nam “Xanh” do Thủ tướng chính phủ phát động góp sức xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị, các trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, trường học hạnh phúc", Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì ông Phạm Văn Ngát nói.
Bất ngờ vì nhiều thông tin hữu ích
Tại Hội thảo, thầy cô giáo và học sinh đã được chuyên gia là bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng; bà Trần Thị Thuỳ Linh, chuyên viên Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cung cấp những thông tin hữu ích liên quan đến thực trạng quản lý, xử lý, phân loại rác thải ở Việt Nam; quy định pháp lý, hướng dẫn phân loại rác ở trường học, trong gia đình cũng như ngoài cộng đồng…
Học sinh các trường học ở huyện Thanh Trì hào hứng tại Hội thảo phân loại rác tại nguồn sáng 30/10.
Thông qua các trò chơi, bộ câu hỏi được chuyên gia thiết kế sáng tạo, gần gũi, học sinh, giáo viên hào hứng tham gia trò chơi. Nhiều học sinh bất ngờ trước những thông tin về rác thải hàng ngày người dân xả thải.
Ví dụ như, lượng rác thải sinh hoạt của người dân ở thành phố Hà Nội mỗi ngày chiếm 55,7% so với cả nước. Hay trong thùng rác gia đình, lượng rác chiếm chiếm nhất là rác thực phẩm (60-70%). Đây cũng là loại rác bốc mùi nhiều nhất. Trong khi đó, lượng rác có thể tái chế chỉ chiếm khoảng 15-20%. Thực tế, lượng rác được tái chế chỉ chiếm khoảng 9%.
Thầy cô giáo cùng tham gia trò chơi, trả lời các câu hỏi trắc nghiệm của chuyên gia.
Cân nhắc sử dụng sản phẩm nhựa một lần
Ở phần tương tác trả lời câu hỏi trắc nghiệm, nhiều học sinh cũng cho biết, khá bất ngờ khi biết được những thông tin như: một ống hút nhựa mất đến 200 trăm mới có thể phân huỷ.
“Chúng ta dễ dàng vứt bỏ một ống nhựa, túi ni lông ra ngoài trong khi phải mất 200 năm những sản phẩm này mới có thể phân huỷ. Hằng ngày, chúng ta cần cân nhắc việc sử dụng túi ni lông cũng như các loại cốc giấy, đồ nhựa một lần vì điều đó gây ô nhiễm môi trường sống. Ngay cả cốc giấy cũng được tráng một lớp nhựa khó có thể tái chế”, bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng chia sẻ.
Học sinh nhận các phần thưởng sau khi trả lời đúng câu hỏi.
Từ kiến thức được tập huấn, chuyên gia đặt ra vấn đề, giáo viên, các trường học cần hướng dẫn học sinh thực hiện phân loại rác tại nguồn, có các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường sống.
Đối với học sinh, thế hệ trẻ, tương lai của đất nước cần suy nghĩ ở góc độ công dân toàn cầu để thấy, ô nhiễm môi trường không phải là vấn đề của riêng quốc gia nào. Từ đó, có ý tưởng, hành động thiết thực bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.
Cũng tại Hội nghị, thay mặt Ban tổ chức, Nhà báo Trần Công Hùng đã trao tặng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì 48 thùng rác. Sau chương trình, số lượng thùng rác sẽ được đơn vị gửi tặng 4 trường học để góp phần thực hiện phân loại rác tại trường.
Nhà báo Trần Công Hùng đại diện Ban tổ chức trao tặng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì 48 thùng rác.
Ban Tổ chức kỳ vọng, sau Hội nghị sẽ giúp các thầy cô và học sinh được trang bị kỹ năng phân loại rác tại nguồn, từ đó chia sẻ, lan toả hành động hữu ích này trong nhà trường, gia đình và cộng đồng dân cư, góp sức chung vào lộ trình triển khai phân loại rác tại nguồn của thành phố Hà Nội, góp phần bảo vệ môi trường và cảnh quan của Thủ đô.
Xem nhiềuNhịp sống Thủ đô
Thấy gì về tiếng lóng trên Tik Tok của giới trẻ Hà Nội?
Giáo dục
Bộ GD&ĐT ra 'tối hậu thư' sau những lùm xùm tại Trường Đại học Kinh Bắc
Giáo dục
Nhà trường lên tiếng vụ đề Văn bàn về lối sống 'phông bạt' của giới trẻ
Giáo dục
Tuyển sinh đại học năm 2025: Nhiều trường phải điều chỉnh chương trình đào tạo
Giáo dục
Đăng thảo luận