Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), tuần 42 (14/10 - 20/10/2024), toàn TP đã ghi nhận thêm 131 ca bệnh sởi, tăng 23,3% so với trung bình 4 tuần trước. Từ đó nâng tổng số ca bệnh sởi tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 42 là 1.192 ca.

Các quận huyện có số ca mắc cao bao gồm huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và TP Thủ Đức.

TP Hồ Chí Minh: Trong tuần phát hiện thêm 131 ca bệnh sởi  第1张 Bệnh sởi dễ bị mắc ở trẻ em nếu chưa được tiêm phòng. Ảnh minh họa

Trước tình hình trên, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, sở dĩ vẫn xuất hiện các ca bệnh là do vẫn còn nhiều trẻ chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng bệnh sởi. Do đó những ca bệnh sởi trong nhóm tuổi này vẫn có thể xuất hiện rải rác nhưng không gây thành dịch lớn.

Theo thống kê từ HCDC trong đợt dịch này, có khoảng 23% bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi, độ tuổi chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine sởi theo lịch tiêm chủng mở rộng.

Bên cạnh đó 18% bệnh nhân trên 10 tuổi, độ tuổi ngoài đối tượng tiêm chủng trong chiến dịch.

Để giảm ca mắc, hướng tới chấm dứt dịch sởi, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện rà soát, cập nhật thông tin trẻ em trên địa bàn và tổ chức mời tiêm chủng.

TP Hồ Chí Minh: Trong tuần phát hiện thêm 131 ca bệnh sởi  第2张 Virus thuộc giống Morbillivirus của họ Paramyxoviridae là nguyên nhân gây ra bệnh sởi

Cùng với đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền về việc mở rộng đối tượng tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi và sẽ triển khai ngay khi được chấp thuận.

Theo y học, bệnh sởi là bệnh lây truyền cấp tính qua đường hô hấp, do virus thuộc giống Morbillivirus của họ Paramyxoviridae gây nên. Đặc điểm để nhận biết bệnh sởi ở trẻ em là sốt, viêm long đường hô hấp và tiêu hóa,viêm kết mạc mắt, nổi các vết phát ban dát đỏ lan theo thứ tự từ mặt đến tay chân và cả cơ thể.

Bệnh có các triệu chứng khởi đầu như: Sốt, viêm màng kết mạc mắt, viêm sổ mũi, ho và có nốt koplik ở niêm mạc miệng. Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Ban đầu từ mặt, sau lan ra toàn thân và kéo dài từ 4 - 7 ngày. Đôi khi bệnh kết thúc trong quá trình tróc vảy; giảm bạch cầu là triệu chứng phổ biến của bệnh.

Bệnh có diễn biến nặng hơn ở trẻ nhỏ và người lớn. Các biến chứng của bệnh sởi có thể do sự nhân lên của virus hoặc do bội nhiễm vi khuẩn bao gồm: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm thanh khí phế quản (croup) và viêm não.

Bệnh sởi có tỷ lệ tử vong cao chủ yếu ở trẻ dưới năm tuổi với nguyên nhân chủ yếu là viêm phổi, đôi khi do viêm não.

Về hình thức lây truyền, bệnh sởi thường lây truyền bởi không khí bị nhiễm các hạt nước miếng có chứa virus, thường lây do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Cũng có đôi khi, bệnh có thể lây bởi những đồ vật mới bị nhiễm bẩn, các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.

Sởi là bệnh truyền nhiễm có tính lây truyền cao nhất và tính miễn dịch quần thể trong nhân dân cần phải đạt tới trên 94% mới có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng.

Về thời gian ủ bệnh thông thường trong khoảng 10 ngày, nhưng cũng có thể giao động từ 7 đến 18 ngày kể từ khi tiếp xúc đến khi bắt đầu sốt, thường là 14 ngày cho đến khi phát ban, rất hiếm có thời gian ủ bệnh kéo dài hơn hoặc ngắn hơn.

Bệnh sẽ lây truyền khi bắt đầu thời kỳ tiền triệu cho đến sau phát ban 4 ngày, ít nhất là sau phát ban 2 ngày. Virus vaccine đã chứng minh là không lây truyền được.

Theo các chuyên gia y tế, bất kỳ người, đặc biệt là trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đều có khả năng mắc bệnh sởi. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ đề cảm nhiễm.

Trẻ sinh ra từ người mẹ từng bị mắc bệnh sởi trước đây sẽ được miễn dịch thụ động do mẹ truyền cho trong khoảng 6 đến 9 tháng tuổi, hoặc lâu hơn tùy thuộc và số lượng kháng thể mẹ tồn dư trong thời gian có thai, và tỉ lệ giảm kháng thể trong máu mẹ.

Nếu gây miễn dịch cho trẻ lúc 9 tháng tuổi, thì sẽ đạt được tỉ lệ miễn dịch từ 95-98%, việc gây miễn dịch lại bằng một liều bổ sung có thể giúp tăng mức độ miễn dịch lên tới 99%.

Trẻ sinh ra từ người mẹ đã được gây miễn dịch bằng vaccine thì có kháng thể thụ động ít hơn. Những trẻ này vẫn có thể cảm nhiễm với bệnh sởi và cần được gây miễn dịch sớm hơn.

Về cách phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả bao gồm: Tiêm vaccine đầy đủ theo hướng dẫn của bộ y tế; Cách ly người mắc bệnh sởi, tránh tập trung đông người khi có dịch; Bệnh nhân và những người tiếp xúc với bệnh nhân cần đeo khẩu trang y tế; Rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân; Vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân thường xuyên; Nâng cao thể trạng, dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng.