Sau cú ngã phải đi cấp cứu, sức khỏe của nhạc sĩ Phạm Tuyên ra sao?
(Dân trí) - Con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, sau cú ngã cách đây 1 tháng, nhạc sĩ 94 tuổi đã dần bình phục. Hàng ngày ông vẫn "làm bạn" với máy cung cấp oxy, kết hợp khí dung để điều hòa nhịp thở.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Phạm Hồng Tuyến - con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên - cho biết, cách đây 1 tháng, do chân bị yếu nên bố chị bị ngã ở nhà.
Chị đã đưa bố đến cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức. Bác sĩ kết luận ông bị thương ở phần mềm và phải khâu một số mũi ở trán.
Hình ảnh mới nhất của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ở tuổi 94, ông vẫn chăm chỉ đọc sách (Ảnh: Gia đình cung cấp).
"Hiện, bố tôi đã bình phục nhưng vẫn còn yếu. Bố bị bệnh phổi tắc nghẽn (COPD), nên hàng ngày vẫn phải dùng máy khí dung và máy cung cấp ô xy.
Cứ sáng dậy là bố ngồi máy khí dung, ông điều trị như vậy gần 10 năm nay rồi. Tôi thấy bố cũng kiểm soát được bệnh tốt hơn...", chị Hồng Tuyến kể lại.
Con gái nhạc sĩ Phạm Tuyến chia sẻ thêm, hàng ngày, chị cho bố ăn cháo hoặc đồ xay để dễ hấp thụ hơn. Được con cháu chăm sóc chu đáo nên nam nhạc sĩ có tinh thần tốt, thi thoảng vẫn đọc sách, chơi đàn được.
Chị Phạm Hồng Tuyến cho hay, bố chị và mẹ ( PGS.TS. Nguyễn Ánh Tuyết - người đặt nền móng thành lập Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã sưu tầm được 41 bài đồng dao cổ sau đó phổ nhạc với mong muốn giúp trẻ em Việt Nam giữ được hồn Việt và thêm yêu quê hương mình.
Nhưng chỉ có một số bài như: Bà còng đi chợ, Gánh gánh gồng gồng... được phổ biến và còn rất nhiều bài trên giấy.
Vì thế, chị Tuyến đã nghĩ đến việc làm sách. Vào tháng 9/2024, tập sách Khúc đồng dao của bé - Về quê ra đời. Chị Tuyến đã chia sách ra làm 5 tập, được xuất bản dần.
Tập 1 mang tên Về quê kể về chuyến về thăm quê nội của cô bé Na vào dịp nghỉ hè. Na là một cô bé hồn nhiên, lí lắc, hay tò mò, ham tìm hiểu các sự vật xung quanh. Gắn với mỗi câu chuyện về bé Nam là các bài hát đồng dao.
Bên cạnh đó, trong sách cũng có các mã QR để khi độc giả quyét vào đó sẽ nghe được các nghệ sĩ đọc thơ và hát cho các em nhỏ.
Chị Hồng Tuyến và nhạc sĩ Phạm Tuyên (Ảnh: Gia đình cung cấp).
"Khi cuốn sách Khúc đồng dao của bé - Về quê ra đời, bố tôi rất vui. Thấy các bạn ở Nhà xuất bản Đại học Sư phạm mang sách đến dù còn yếu nhưng ông ngồi rất lâu, khen vẽ đẹp và hỏi họa sĩ là ai.
Khi được nghe bài hát bằng cách quét mã QR bố gật gù: "Ơ, hay nhỉ". Cuốn sách như một liều doping (một hỗn hợp thuốc tăng sức khỏe một cách đột biến) làm cụ cười tươi, lắng nghe mọi người nói chuyện ríu rít", chị Hồng Tuyến tâm sự.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930 tại Hà Nội, là con của học giả Phạm Quỳnh. Cả cuộc đời dành trọn tình yêu cho âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác gần 700 tác phẩm, trong đó có hơn 200 bài hát dành cho thiếu nhi. Ông được ví như người kể lịch sử bằng âm nhạc.
Là một nhạc sĩ tài năng, nhạc sĩ Phạm Tuyên có khả năng lay động người nghe và ghi dấu ấn ở bất cứ đề tài nào ông sáng tác, từ ca khúc thiếu nhi, ca khúc trữ tình, ca khúc chính trị, ca khúc viết về các ngành nghề...
Từ Chú voi con ở bản Ðôn, Cô và mẹ, Trường chúng cháu là trường mầm non, Ðêm pháo hoa, Chiếc đèn ông sao… đến Tiến lên đoàn viên, Hành khúc Ðội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Hát dưới cờ Hà Nội, Cánh én tuổi thơ, Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội hay Bài ca người thợ rừng, Bài ca người thợ mỏ, Bám biển quê hương, Yêu biết mấy những con đường, Chiếc gậy Trường Sơn… đều được nhiều khán giả thuộc lòng.
Đặc biệt, ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên được coi như mốc son trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại giành độc lập, thống nhất non sông (năm 1975).
Nhạc sĩ Phạm Tuyên được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 2001) cho 5 tác phẩm: Đảng đã cho ta một mùa xuân, Bám biển quê hương, Chiếc gậy Trường Sơn, Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Như có Bác trong ngày đại thắng.
Năm 2012, ông nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 4 về Văn học nghệ thuật dành cho 5 tác phẩm: Những ngôi sao ca đêm, Từ Làng Sen, Đêm trên Cha Lo, Tiến lên đoàn viên, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng.
Đăng thảo luận