"Nhìn danh sách ủng hộ của xóm nghèo nhất xã, tôi giật mình dụi mắt"
(Dân trí) - Trận lũ năm 2020, xóm Sơn Trình ở Hà Tĩnh chịu hậu quả lớn nhưng sớm vực dậy nhờ cả nước hỗ trợ. Nhớ mãi ân tình đó, người dân xóm nghèo tự nguyện ủng hộ hơn 50 triệu đồng cho miền Bắc.
"Họ không phải chơi trội mà từng chịu cảnh ngộ như miền Bắc"
Hai ngày qua, mạng xã hội lan truyền dòng trạng thái chia sẻ về việc ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Bắc của xóm Sơn Trình, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Kèm theo đó là hình ảnh chụp danh sách ủng hộ và cảnh lụt lội lịch sử từng xảy ra tại địa phương này vào năm 2020.
Danh sách ủng hộ cho thấy xóm này có hơn 90 hộ và hầu hết đều ủng hộ 500.000 đồng trở lên, không ít người ủng hộ 1 triệu đồng.
Một phần danh sách ủng hộ đồng bào miền Bắc của xóm Sơn Trình (Ảnh: Hương Như).
Khi nhìn thấy danh sách ủng hộ này, tài khoản có tên "Hương Như" chia sẻ trên tài khoản Facebook cá nhân rằng: "Sơn Trình, tôi biết đến là xóm nghèo nằm ven sông Ngàn Mọ, thuộc xã Thạch Lâm cũ, nay là xã Tân Lâm Hương. Nơi đây, bà con nghèo đói lam lũ nhất xã, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.
Đặc biệt, đây là địa bàn độc đạo, lại thấp trũng nên chưa mưa đã ngập, mà mỗi khi ngập lụt rất khó tiếp cận cứu trợ.
Trận lũ tháng 10/2020, Sơn Trình là xóm chịu hậu quả nặng nề nhất. Sau lũ, bà con gồng mình khắc phục hậu quả. Có lẽ, cũng chính vì điều đó mà họ thấm được nỗi đau mất mát. Trận lũ năm ấy, họ cũng đã được cả nước hướng về "nắm tay", bước qua hoạn nạn nên họ thấu cảm được nỗi đau, hiểu sâu sắc đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Nên hôm nay, khi hay tin miền Bắc đang oằn mình trong lũ lụt kinh hoàng, người dân Sơn Trình không ai bảo ai đều tự nguyện ủng hộ.
Nhìn danh sách ủng hộ, tôi giật mình dụi mắt, tưởng đọc nhầm con số… Họ không phải chơi trội, thích thể hiện, cũng không phải giàu có thừa thãi, mà chính họ từng ở trong cảnh ngộ như đồng bào miền Bắc nên thấm được nỗi đau".
Trận lũ năm 2020 nhấn chìm xóm Sơn Trình (Ảnh: Hương Như).
Dòng trạng thái sau đó nhận được bày tỏ cảm xúc, bình luận, chia sẻ. Mọi người đều cảm thấy ấm lòng trước tấm lòng của bà con xóm Sơn Trình.
Cảm kích vì tình đồng bào
Sáng 14/9, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Ninh, Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương, xác nhận thông tin trên là hoàn toàn đúng sự thật.
Theo ông Ninh, Sơn Trình là xóm nghèo nhất xã, chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Do vị trí địa lý thấp trũng, nằm ven sông Ngàn Mọ nên thường hứng chịu thiên tai, lũ lụt. Đặc biệt, năm 2020, thôn này hứng chịu thiệt hại do lũ lụt gây ra nặng nề nhất.
Thời điểm đó, bà con nhận được nhiều tình cảm, sự hỗ trợ của cả nước. Trong ngày bão lũ, họ được nhận cứu trợ xuồng, thuyền để đi lại và thức ăn sống qua ngày. Sau ngày lũ lụt, mỗi hộ nhận bình quân 4-5 triệu đồng. Tiếp đó, thôn này được tài trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, có thể trú ẩn mùa mưa lũ.
Nhờ sự cứu trợ kịp thời đó, người dân từng bước vực dậy, khôi phục đời sống và sản xuất. Tình cảm ấp áp của cả nước, người dân Sơn Trình mãi không quên.
Người dân xóm Sơn Trình tự nguyện ủng hộ đồng bào hứng chịu lũ lụt ở miền Bắc (Ảnh: Hoa Hạ).
"Khi xã phát động ủng hộ các tỉnh, thành chịu lũ lụt ở miền Bắc, thôn Sơn Trình về họp lại để vận động. Nhiều người dân ý kiến rằng, ta có được ngày hôm nay là nhờ đồng bào cả nước, trong đó có miền Bắc. Dù còn nhiều khó khăn, từng chịu thiệt hại lũ lụt nhưng không lớn bằng miền Bắc hiện nay.
Vì thế, họ đã tự nguyện đóng góp và hầu như đều ủng hộ 500.000 đồng trở lên. Thậm chí có những cụ già ở một mình nhưng đem 200.000 đồng để đóng góp. Điều đó khiến chúng tôi rất cảm kích về tình đồng bào, sự tương thân, tương ái.
Chỉ trong một thời gian ngắn, thôn hoàn thành việc đóng góp. Thôn Sơn Trình có 92 hộ nhưng tổng số tiền đóng góp lên đến gần 52 triệu đồng. Số tiền này, xã đã chuyển về cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thạch Hà", ông Ninh thông tin.
Cũng theo lãnh đạo xã, nếu như tiếp tục kêu gọi đợt 2, người dân xóm Sơn Trình bày tỏ sẵn sàng ủng hộ tiếp. Người dân thôn này cũng sẵn sàng cử nhân lực ra miền Bắc đóng góp sức người, giúp đồng bào vùng lũ sửa sang, xây dựng lại nhà cửa, tái thiết cuộc sống.
Đăng thảo luận