Họa sĩ Chu Nhật Quang không bị "Tây hóa" dù đi du học, vẫn mê vẽ sơn mài
(Dân trí) - Không giống các họa sĩ trẻ khác là tìm cho mình con đường đến với hội họa dễ nhất, Chu Nhật Quang tự làm khó mình với nghệ thuật sơn mài.
Họa sĩ Chu Nhật Quang sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, ông nội là NSND Chu Mạnh Chấn - họa sĩ tài ba có niềm đam mê sâu sắc khôi phục và bảo tồn di sản văn hóa làng quê Bắc Bộ qua nghệ thuật sơn mài; bố là NSƯT Chu Lượng - nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long.
Họa sĩ Chu Nhật Quang bên những bức tranh sơn mài của mình (Ảnh: Hữu Thắng).
Chu Nhật Quang có 5 năm học hội họa tại trường Santa Ana, California (Mỹ), tốt nghiệp cử nhân ngành Thiết kế ứng dụng tại Đại học RMIT, Melbourne (Úc). Anh nói, chính những tháng ngày đi du học đã cho anh nhiều trải nghiệm, vì vậy tư duy hội họa của anh giao thoa giữa văn hóa truyền thống và hiện đại.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Chu Nhật Quang cho biết, từ nhỏ, anh đã được tiếp xúc gần với hội họa khi thường xuyên được bố và ông nội đưa xuống xưởng vẽ của gia đình. Ông nội anh là nghệ nhân làng sơn mài nên từ khi 7-8 tuổi, anh đã được ông hướng dẫn những bước cơ bản của vẽ sơn mài.
Chu Nhật Quang cho biết, sơn mài được biết đến là một chất liệu đặc biệt và làm rất kỳ công. Riêng công đoạn làm vóc (gỗ) đã mất thời gian khoảng 1 tháng. Trải qua 8 -11 lớp, người thợ vừa phải mài, toát sơn, chờ sơn khô và lặp lại quy trình.
Chất liệu để làm tranh sơn mài cũng độc đáo và đắt đỏ bậc nhất. Họa sĩ vẽ sơn mài cũng vất vả hơn hẳn các chất liệu khác bởi thời gian hoàn thiện mỗi tác phẩm kéo dài.
"Vì sao nghệ thuật sơn mài lại cần có nhiều lớp như vậy? Vì khi họa sĩ chồng màu lên, sau khoảng 2- 3 tháng màu mới hòa quyện để tạo nên một bức tranh đẹp và đúng ý với họ. Đây là quy trình chỉnh sửa rất thú vị và hồi hộp cho bất cứ họa sĩ nào làm sơn mài...", Chu Nhật Quang chia sẻ.
Con trai NSƯT Chu Lượng cho biết thêm, vẽ tranh sơn mài cần rất nhiều thời gian, anh đang vẽ một bức tranh sang năm thứ 3, đang đi đến tuần cuối cùng để hoàn thiện với kích thước là 1m8 và 1m2.
Chu Nhật Quang nói: "Bức tranh đó đặc biệt ở chỗ là tranh khổ lớn nhưng không theo phương pháp truyền thống ngày xưa hay làm là chia những khổ đó thành các tấm nhỏ khác nhau và ghép lại.
Bức tranh này của tôi là một tấm lớn liền, không bị chia ra, nó sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển nhưng bức tranh thỏa mãn được tư duy về tầm nhìn thế giới nghệ thuật của tôi. Tôi muốn thể hiện nó một cách liền mạch và trọn vẹn".
Nam họa sĩ nói, màu sắc trong tranh của anh đã được "lập trình" sẵn từ khi quyết định theo đuổi sơn mài, đó là sắc màu truyền thống sơn son thiếp vàng. Nhưng khi sáng tạo được nửa chặng đường, những thôi thúc phải tạo ra bản sắc riêng khiến anh chọn màu sắc theo sở thích, vẫn giữ truyền thống song đã có những mảng màu, độ sáng khác nhau mang hơi thở thời đại.
Đề tài trong các bức tranh của Chu Nhật Quang cũng rất phong phú, anh thích vẽ khung cảnh yên bình của làng quê Bắc Bộ, cảnh chùa chiền, sông nước, những chú rối và các linh vật như long, ly, quy, phượng.
Tác phẩm sơn mài "Mùa nước nổi" của họa sĩ Chu Nhật Quang (Ảnh chụp: Hữu Thắng).
Đặc biệt, ở một vài bức tranh, anh lồng ghép văn hóa vùng miền vào các tác phẩm, như bức Mùa nước nổi, anh đã tái hiện cảnh săn hoa ở chợ nổi ở miền Tây, cộng thêm hình ảnh rùa thần như một người bảo hộ mang lại những điều may mắn và mùa màng bội thu cho người dân.
Các bức họa của Nhật Quang luôn có sự giao thoa về văn hóa, không gian tạo nên xúc cảm đặc biệt khi xem tranh.
Khi được hỏi: "Vì sao anh có 7 năm đi du học nước ngoài mà vẫn giữ vững được tình yêu với nghệ thuật truyền thống là vẽ sơn mài?". Chu Nhật Quang chia sẻ: "Đó là sở thích, hơn nữa nền tảng gia đình tôi luôn hướng về cội nguồn dân tộc cùng định hướng và những gửi gắm tâm tư, tình cảm của ông và bố nên tôi đã quyết tâm theo đuổi nghệ thuật sơn mài".
Chu Nhật Quang cho biết, từ khi làm tranh sơn mài anh đã thấy bị cuốn hút, từ việc ngồi tỉ mẩn gắn vỏ trứng cho tới khi các lớp màu chồng lên nhau tạo ra kết quả ngoài mong đợi.
Nam họa sĩ nói, sơn mài không đơn thuần là vẽ mà các công đoạn đằng sau mới quan trọng như việc mảng này pha màu nào, hay gắn trứng...
Theo anh, cách tạo chất cũng rất công phu. Tức là họa sĩ sẽ kết hợp các chất liệu của sơn với các chất liệu khác như dầu hỏa, lòng trắng trứng, hoặc nước... thế nào. Một bức tranh có nhiều công đoạn, vì thế sự đồng hành của các cộng sự để thực hiện những công việc hoàn thiện tranh cũng rất cần thiết.
Tháng 10 này, Chu Nhật Quang có triển lãm đầu tay tại Hà Nội. Theo đó, sẽ có 50 tác phẩm sẽ trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long đúng ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 tới.
Các tác phẩm này đều được vẽ từ ký ức của Chu Nhật Quang về quang cảnh đồng quê ngày xưa, chiếc cổng làng cổ kính, chùa Thầy nép mình dưới chân núi…
Những nét vẽ tỉ mẩn của họa sĩ Chu Nhật Quang (Ảnh: Hữu Thắng).
"Ở triển lãm đầu tiên, tôi muốn tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc khi vẽ về cảnh quan làng quê, kiến trúc, có những bức tranh về Hoàng Thành Thăng Long - nơi ghi dấu tích liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của Thủ đô.
Tôi cũng mong sẽ truyền được cảm hứng cho các họa sĩ trẻ để họ có sự tự hào về nền văn hóa truyền thống phong phú, lâu đời của Việt Nam", Nhật Quang tâm sự.
Chu Nhật Quang bộc bạch, anh không vẽ tranh vì kinh tế. Anh không bán tranh mà sáng tác chỉ để tặng người thân và đối tác của gia đình hoặc làm thiện nguyện.
Đăng thảo luận