Cách chủ nhà hàng, khách sạn chi hàng chục đến hàng trăm triệu đồng xây dựng trạm sạc, để thu hút những khách hàng đi xe điện.
Phạm Trường Giang (Cần Thơ) đã sử dụng xe điện được 8 tháng. Thành phố này không có đại lý bảo dưỡng chính hãng, nên anh cùng gia đình di chuyển đến Rạch Giá (Kiên Giang) để bảo dưỡng xe, kết hợp du lịch. Gia đình Giang ở tại một khách sạn có sẵn trạm sạc 22 kW cho xe điện tại bãi đỗ.
"Tôi thấy khách sạn này có sẵn trạm sạc, cho nên quyết định đặt phòng ở đây luôn. Từ Cần Thơ đến rạch giá là hơn 100 km, hết 50% pin của xe. Đến nơi tôi mang xe đi bảo dưỡng, rồi di chuyển đến khách sạn, sạc khoảng 4 tiếng là đầy pin, hết khoảng 50.000 đồng phí sạc. Sau đó chơi một ngày rồi về lại Cần Thơ, mọi việc rất thuận tiện cho tôi và gia đình", Giang chia sẻ.
Trụ sạc xe điện lắp trong khuôn viên khách sạn tại Rạch Giá, Kiên Giang. Ảnh: Trần Chí Niệm
Cùng với sự phát triển ngày càng nhanh của xe điện tại Việt Nam, các trạm sạc chính hãng lẫn bên thứ ba dần mọc lên nhiều hơn. Ngoài các bãi đỗ xe, trạm sạc dành riêng cho xe điện, các chủ doanh nghiệp nhà hàng, khách sạn giờ đây cũng bắt đầu trang bị thêm trạm sạc xe điện, nhằm đem lại thêm tiện ích cho khách hàng.
Trần Quốc Khánh, Tổng giám đốc khách sạn Sài Gòn Rạch Giá, cho biết khách sạn lắp trạm sạc xe điện đã nửa năm, chi phí đầu tư 160 triệu đồng cho hai trụ sạc AC. Kể từ khi lắp trạm sạc, bình quân mỗi ngày có khoảng 10-15 lượt xe đến sạc tại trụ, hầu hết là xe cá nhân.
Khánh cho biết lắp trạm sạc không phải vì khách có nhu cầu, hay là vì doanh thu từ việc sạc, mà mục đích chính là tạo thêm tiện ích, tăng sự tiện lợi cho khách lưu trú. Trước khi có trụ sạc này, khách sạn ít khách xe điện đến ở, nhưng từ khi mở ra có nhiều khách chạy xe điện đến hơn.
"Một số khách nói vì biết được thông tin chúng tôi có trạm sạc, nên họ mới đặt phòng ở đây", Khánh chia sẻ.
Ở TP HCM, nhiều nhà hàng cũng đã bắt nhịp với hoạt động này. Nhà hàng Quán Chuối tại Bình Chánh lắp trụ sạc AC để tăng thêm tiện ích cho khách hàng dùng bữa. Đại diện nhà hàng cho biết cơ sở đã lắp đặt trụ sạc gần một năm để chủ nhà hàng sử dụng. Khách đến đây sạc xe không nhiều, nhưng thỉnh thoảng vẫn có. "Việc lắp đặt trụ sạc sẽ giúp những khách hàng có xe điện thuận tiện hơn khi đến nhà hàng của chúng tôi", người đại diện cho biết.
Trụ sạc lắp trong khuôn viên nhà hàng tại Bình Chánh, TP HCM. Ảnh: Ever EV
Đầu tư trạm sạc: Bài toán cho tương lai
Trong những năm gần đây, bên cạnh VinFast, số lượng thương hiệu xe điện bước vào thị trường Việt Nam dần một nhiều. Trạm sạc của VinFast vẫn chiếm đa số, với những lợi thế như sân bãi rộng, phục vụ được số lượng lớn khách hàng, trang thiết bị tiêu chuẩn, chất lượng đồng bộ, giá cả đồng đều, có mạng lưới hỗ trợ khách hàng khi có sự cố. Hiện tại VinFast chỉ cho phép xe của riêng thương hiệu có thể sạc tại các trạm công cộng. Chính vì thế, các xe điện thương hiệu khác phải sạc tại nhà, hoặc sử dụng trạm sạc của bên thứ ba.
Các nhà cung cấp trạm sạc tập trung vào thị trường ngách, khai thác những lợi thế mà trạm sạc chính hãng chưa có là ở các địa điểm xa các showroom xe và phục vụ mọi loại xe điện khác nhau. Nhờ đó, các chủ cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng thêm lợi thế để khách tìm tới.
Lạc Hoa, trưởng phòng kinh doanh và truyền thông của thương hiệu trạm sạc Ever EV, cho biết trong những năm qua nhu cầu về trạm sạc của bên thứ ba ngày càng tăng, cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp. Hoa cho biết cho đến thời điểm hiện tại, Ever EV đã lắp đặt khoảng 4.000 điểm sạc AC tại nhà, và 100 điểm sạc DC trên toàn quốc. Trong đó các điểm sạc AC chủ yếu là khách hàng cá nhân, hoặc cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, điểm sạc DC đa phần là các doanh nghiệp vận tải, taxi.
Người đầu tư trạm sạc có thể thu hồi vốn nhanh, chỉ khoảng 2-3 năm. Ngoài ra, các trạm sạc còn có thể tích hợp điện mặt trời, qua đó giảm chi phí sạc cho khách hàng. Tuy nhiên, Hoa cũng cho biết thêm đa số các doanh nghiệp trang bị trạm sạc cho cơ sở của mình không đặt nặng vấn đề về tốc độ thu hồi vốn, mà cái chính là tạo nên tiện ích cho khách hàng.
Trên thực tế, chi phí để đầu tư một trạm sạc cho cơ sở kinh doanh có thể chỉ vài chục triệu đồng cho khách hàng cá nhân, sạc tại nhà, nhưng có thể lên đến hàng tỷ đồng cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào trạm sạc, tùy vào số lượng trụ sạc, tốc độ sạc, cơ sở hạ tầng.
Trạm sạc của bên thứ 3 tại trạm xăng. Ảnh: EV One
Theo Huỳnh Tiến Đạt, giám đốc điều hành thương hiệu trạm sạc EV One, một trong những mục tốn kém nhất khi đầu tư các trạm sạc cho mục đích kinh doanh là mạng lưới điện và cơ sở hạ tầng. Chi phí này có thể lên đến hàng trăm triệu đồng để "hạ trạm" nếu tại cơ sở kinh doanh không đáp ứng đủ yêu cầu về mạng lưới điện, khi doanh nghiệp muốn lắp trạm sạc nhanh DC. Ngoài ra, thời gian để xin giấy phép và thi công có thể lên đến vài tháng, tùy vào địa phương.
"Có những địa điểm rất đẹp, thuận tiện cho giao thông để đặt trạm xe điện, tuy nhiên chủ đầu tư đã sử dụng hết công suất điện ở đó, nên đôi khi không thể đặt trạm sạc nhanh", Đạt cho biết. Hệ thống mạng lưới điện, hạ tầng là thứ các hãng kinh doanh trạm sạc không thể kiểm soát.
Bên cạnh đó, đầu tư cho trạm sạc xe điện là một ngành mới mẻ, do đó việc tiếp cận với nguồn vốn hiện đang gặp khó khăn, khi các doanh nghiệp khó có thể thuyết phục các ngân hàng, hoặc các bên đầu tư khác đồng ý cung cấp vốn để mở trạm sạc công cộng. Anh hy vọng xe điện ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn, từ đó khiến nhu cầu về trạm sạc công cộng tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành này phát triển.
Câu chuyện trạm sạc và xe điện được các chuyên gia trong ngành ví như "con gà và quả trứng". Khách hàng sử dụng xe điện sẽ ái ngại nếu có quá ít trạm sạc công cộng. Mặt khác, nếu có ít khách hàng sử dụng xe điện, việc bỏ nhiều tiền xây dựng các trạm sạc xe điện sẽ mang nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. Do đó, thị trường xe điện Việt Nam cần nhiều hơn sự hỗ trợ lẫn các chính sách đặc biệt để thúc đẩy sự phát triển của giao thông xanh trong tương lai.
Trong tháng 8, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu các bộ ngành nghiên cứu chính sách hỗ trợ về đất đai, quy hoạch, thuế phí cho nhà đầu tư trạm, trụ sạc ôtô điện.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cả nước có gần 150.000 cổng sạc xe điện, tuy nhiên, các trạm này bố trí chủ yếu tại chung cư, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe, cửa hàng xăng dầu. Trong khi đó các trạm sạc trên các tuyến cao tốc rất hạn chế. Chính vì thế, việc có thêm các trạm sạc tại các khu vực này sẽ giúp thúc đẩy tốc độ phát triển của xe điện tại Việt Nam.
Hồ Tân
Đăng thảo luận