Quy định đấu thầu khiến nhiều đơn vị sát hạch lái xe thiếu nguồn vật tư in giấy phép, hàng chục nghìn tài xế miền Tây đến hạn không được cấp bằng lái, ảnh hưởng công việc.
Trong phòng trọ ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, anh Võ Hoàng Hiếu, 29 tuổi, kể đã bỏ ra 24 triệu đồng học bằng lái ôtô hạng C tại một trung tâm đào tạo lái xe tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Sau 7 tháng học, ngày 19/7, anh cùng hàng trăm học viên chung khóa thi đậu nhưng đến nay chưa có giấy phép lái xe trong khi quy định quá 10 ngày làm việc sẽ được cấp.
"Ngay sau khi thi đậu, tôi nộp hồ sơ xin việc giao hàng tại trung tâm phân phối hàng hóa ở Cần Thơ nhưng chờ lâu quá không có bằng lái chạy xe tải giao hàng nên chủ đã nhận người khác", anh Hiếu nói, cho biết hiện không có việc làm, hàng ngày phải ra chợ huyện chạy xe ôm kiếm tiền nuôi vợ và con nhỏ hơn 3 tháng tuổi, trả chi phí thuê phòng trọ với giá 1,2 triệu đồng mỗi tháng.
Một học viên thi giấy phép lái xe hạng C ở một trung tâm tại Cần Thơ, ngày 26/9. Ảnh: An Bình
Còn anh Nguyễn Thanh Nguyên, 30 tuổi, chủ cơ sở kinh doanh vật tư, phụ kiện nuôi cá cảnh ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, cho biết thi đậu bằng lái ôtô hạng C tại một trung tâm sát hạch ở TP Cần Thơ vào ngày 6/8, đến nay chưa có bằng. Anh được đơn vị sát hạch trả lời do Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ thiếu vật tư để in bằng lái nên chậm, khi nào sẽ cho hay.
"Tôi thi bằng lái để chạy xe tải của gia đình nhận hàng tại TP HCM đưa về địa phương giao các cửa hàng. Không có bằng lái tôi phải thuê tài xế, rất tốn kém và bất tiện", anh Nguyên nói.
Anh Hiếu và anh Nguyên là hai trong hàng nghìn trường hợp tốn thời gian chờ đợi cấp bằng lái ở TP Cần Thơ. Theo Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ, hiện mỗi ngày địa phương có 200-300 hồ sơ cấp lại giấy phép lái xe các loại. Ngoài ra, với 12 cơ sở dạy lái xe ở địa bàn, trung bình mỗi tháng thành phố có hơn 2.000 trường hợp vượt qua kỳ thi sát hạch, cần cấp mới bằng lái.
Trước đây, vật liệu phục vụ in bằng lái xe được cấp phát từ Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên theo quy định mới của Luật Đấu thầu 2023 (hiệu lực từ đầu năm 2024), việc mua sắm hàng hóa phục vụ công việc chuyên môn giá trị trên 100 triệu đồng các địa phương phải tổ chức đấu thầu. Từ tháng 6, Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ hoàn tất thủ tục đấu thầu nhưng phải chờ thành phố phân cấp thẩm quyền duyệt dự toán, kế hoạch đấu thầu, chọn lọc nhà thầu đủ năng lực (vì nguồn mực chuyên dụng nhập từ nước ngoài) mất nhiều thời gian...
Một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ cho biết đơn vị vừa ký được hợp đồng với nhà thầu cung ứng vật tư phục vụ in bằng lái xe. Trong 15 ngày tới, nguồn vật tư sẽ về, các đơn vị liên quan làm ngày, đêm để phục vụ nhu cầu đổi bằng lái của người dân.
Tương tự, tỉnh Vĩnh Long hiện tồn đọng khoảng 10.000 hồ sơ đổi, cấp lại giấy phép lái xe. Ngoài ra, còn có hàng nghìn hồ sơ chờ cấp mới (trung bình 2 tuần sẽ có 200-300 người thi đậu sát hạch).
Giống như TP Cần Thơ, Sở Giao thông Vận tải Vĩnh Long cho biết từ đầu năm nay Luật Đấu thầu năm 2023 hiệu lực, địa phương gặp khó khăn khi đấu thầu mua sắm hàng hóa trên 100 triệu đồng. Trong khi đó số người đến làm giấy phép mới tăng cao, từ đầu tháng 7 đến nay ngành giao thông hết nguồn nguyên vật liệu in giấy phép lái xe gồm mực in và màng phủ.
Ông Đinh Quang Huy, Phó giám đốc phụ trách Sở Giao thông Vận tải Vĩnh Long, nói đơn vị đã chủ động thực hiện các thủ tục đấu thầu qua mạng rộng rãi trên toàn quốc. Từ đầu tháng 6 đơn vị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của gói mua sắm nguyên vật liệu in giấy phép lái xe, ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu.
"Tuy nhiên quá trình thực, nhà thầu chậm trễ và không cung cấp hàng hóa đúng cam kết nên sở chấm dứt hợp đồng, tổ chức đấu thầu lại", ông Huy nói. Đến nay sở đã hoàn tất thủ tục và ký được hợp đồng với nhà thầu mới đảm bảo năng lực. Trong 30 ngày tới, địa phương sẽ có vật tư in giấy phép lái xe.
Theo ông Huy, trước mắt sở tập trung giải quyết các hồ sơ cấp đổi bằng lái cho người dân sắp hết hạn, sau đó giải quyết cho các trường hợp thi đậu sát hạch (từ cuối tháng 6 đến nay). "Sở Giao thông Vận tải xin nhận trách nhiệm vì sự chậm trễ việc trả giấy phép lái xe cho người dân thời gian qua", ông Huy nói.
Học viên tham gia kỳ thi sát hạch giấy phép lái xe tại một trung tâm ờ Cần Thơ, ngày 26/9. Ảnh: An Bình
Còn tại tỉnh Long An, ông Trần Thiện Trúc, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết đơn vị đang nợ hơn 10.000 giấy phép lái xe các loại trong 4 tháng qua. Trước đó, trong lúc chờ hoàn thiện thủ tục đấu thầu, sở phải mượn 26 cuộn mực và 37 cuộn phim từ các tỉnh khác để làm bằng lái nhưng không đủ.
Hồi đầu tháng 7, Sở Giao thông Vận tải Long An ký hợp đồng với một công ty trúng thầu đóng tại Tiền Giang, với tổng thời gian thực hiện hợp đồng là 230 ngày. Hiện nhà thầu cung ứng vật tư từng đợt theo hợp đồng nhưng lượng vật tư vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.
"Sở đang cần gấp số lượng phụ kiện in gồm 20 cuộn ribbon và 30 cuộn phim trung gian", ông Trúc nói và cho biết đơn vị này có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam nhờ hướng dẫn, giới thiệu đơn vị hỗ trợ mượn phụ kiện in giấy phép lái xe.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang, cho biết trước đó đơn vị cũng gặp tình trạng thiếu phôi dẫn đến nợ khoảng 15.000 giấy phép lái xe. Tuy nhiên, sau đó tỉnh đã tìm được đơn vị cung ứng, đến tháng 9 đã giải quyết số hồ sơ giấy phép lái xe tồn đọng.
Trong khi đó một số địa phương như Bến Tre, An Giang, Hậu Giang... không xảy ra tình trạng ùn ứ trong cấp, đổi giấy phép lái xe. Một phần do số lượng người học bằng lái không tăng đột biến, các địa phương chủ động đấu thầu vật tư từ trước.
An Bình – Hoàng Nam
Đăng thảo luận