Con gái tự kỷ - mắc kẹt và chạy trốn (kỳ 1)

(Dân trí) - Hình ảnh người cha đau khổ trong “Trái tim người cha” khi biết cô con gái đáng yêu Hoàng Yến bị tự kỉ là một câu chuyện thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và đầy những băn khoăn bất lực lo âu.

Lời giới thiệu: Là cha mẹ ai chẳng mong con mình được sinh ra và lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng sẽ là một định mệnh vô cùng khó khăn và đau khổ khi chứng “tự kỷ” lại rơi vào đứa con tội nghiệp nhỏ bé của mình.

Hình ảnh người cha đau khổ trong “Trái tim người cha” khi biết cô con gái đáng yêu Hoàng Yến bị tự kỉ là một câu chuyện thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và đầy những băn khoăn bất lực lo âu. Đồng hành cùng con vượt qua căn bệnh “tự kỷ” là một câu chuyện cổ tích về tình yêu thương của người cha dành cho con. Cha của Hoàng Yến đã chia sẻ rằng “Muốn đi, ắt có đường để đi. Cho dù trước mắt là rừng sâu hay vực thẳm”.

Bìa sách "Trái tim người cha"

Mời bạn đón đọc những kỳ trích đăng dưới đây:

Khi tôi kể lại câu chuyện này, con gái tôi đã mười một tuổi.

Hoàng Yến, đứa con ngoan ngoãn, học giỏi, lễ phép, xinh đẹp,… mà tôi, cha của nó, đã từng bất lực nghĩ rằng sẽ để con lại với thế giới của con - một thế giới kỳ dị, đơn độc, hỗn loạn chứa đầy hiểm nguy. Khi ấy, tôi như mắc kẹt trong một cái hang, không thể phân biệt được đâu là cửa hang, đâu là lối thoát, cảm giác thăm thẳm, càng đi càng mờ mịt…

Tôi bắt đầu chạy trốn tình thế mắc kẹt ấy bằng công việc và công việc. Công việc thật bận rộn, thật chồng chất sẽ làm tôi dễ chịu hơn việc phải đối mặt với đứa con mà chính bản thân không tài nào hiểu và tiếp xúc được, kể cả việc chăm sóc cũng quá khó khăn. Tôi không thể hiểu vì sao một đứa trẻ được sinh ra bình thường, lành lặn, đẹp xinh, mười hai tháng biết gọi cha gọi mẹ, biết mừng cha đi làm về, biết theo mẹ đi chơi,… rồi bỗng dưng bị một “thế lực đen tối” nào đó âm thầm ăn mòn dần lời nói, ánh mắt linh hoạt cùng sự vui vẻ đón cha chào mẹ và những kết nối với thế giới rộng lớn ngoài kia.

Tôi gần như không chịu nổi tiếng khóc của Hoàng Yến. Rối loạn giấc ngủ khiến con không thể ngủ theo giờ giấc bình thường. Nhiều đêm, vợ tôi bế con ngồi sau xe để tôi chở lòng vòng các con phố cho con ngủ say rồi mới về nhà đặt con xuống giường. Cách ru ngủ kỳ cục ấy của chúng tôi nhiều lần bị cảnh sát khu vực hỏi thăm sao nửa đêm nửa hôm còn làm gì mà để đứa trẻ khóc quá lâu như vậy. Cơn bực dọc kìm nén lâu ngày cứ dồn tụ, dồn tụ rồi căng phình đến mức muốn nổ tung ra. Tôi cảm thấy kiệt sức, những giấc ngủ không tròn, những giờ làm việc căng thẳng, không khí gia đình u ám. Thậm chí, nước mắt của vợ cũng làm tôi cảm thấy ức chế.

Khi Hoàng Yến được hai mươi bảy tháng, bác sĩ khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 kết luận con tôi bị tự kỷ. Hai từ ấy dội vào tôi như một quả tạ bởi trước đó, tôi từng biết đến đứa con bị tự kỷ của một đồng nghiệp. Cô bé ở trong trường chuyên biệt cả ngày và nếu ở nhà, chỉ có người giúp việc làm bạn và gần như không bao giờ được theo cha mẹ đến các cuộc gặp gỡ bạn bè hay các cuộc vui chơi tập thể. Tự kỷ - nghĩa là mãi mãi ở trong trường chuyên biệt, chẳng thể nào sống một cuộc sống bình thường và chẳng có nổi một tương lai dù đơn giản nhất.

Vợ tôi hoang mang tột độ. Cô ấy không ngừng khóc lóc và tự trách mình. Cô ấy lục lọi mọi ký ức từ lúc mang bầu đến khi sinh con, từ lúc con sơ sinh đến khi con chập chững biết đi,… Thậm chí, cô ấy còn nhớ mình đã sốt bao nhiêu lần, buồn bao nhiêu ngày, vì những chuyện gì. Cô ấy không thể ăn uống được, không đi dạy, cố gắng giằng co để được ôm ấp con, gọi tên con đến khản cổ và liên tục hỏi tại sao đến mức khiến lòng tôi bỏng rát.

Tôi cố gắng an ủi vợ tôi rằng mọi sự không phải tại em, là số phận của con, con phải chịu, rằng thay vì đau khổ, mình làm gì đó cho con thì tốt hơn. Vợ nhìn tôi tuyệt vọng, cô ấy co rúm người lại như đang chịu đựng một vết thương rất đau đớn, gương mặt tái nhợt. Cô ấy dang tay bế con, còn Hoàng Yến thì cố ngả người ra phía sau và ngước mặt nhìn lên trần nhà nhìn cánh quạt đang quay tít. Cô ấy bất lực đặt con xuống, con lập tức xoay tròn một cái ly bằng inox, tiếng long cong chạm vào nền gạch khiến nó thích thú và say đắm nhìn những vòng xoay. Đột nhiên cô ấy đổ gục xuống nền nhà kêu lên:

- Trời ơi tại sao? Tại sao?

Tại sao? Tại sao? Tôi không biết tại sao.

Cô ấy đã gào lên như thế cả ngàn lần và câu hỏi đó cũng vọng lên trong tôi nhiều lần tương tự. Sự thực là con tôi đã mắc phải hội chứng y học không can thiệp được nhưng tại sao điều đó lại xảy ra thì tôi không thể biết. Tình cảnh đó bức bối đến mức tôi muốn ra khỏi nhà ngay tức khắc để mặc vợ tự xoay xở với sự tổn thương của riêng mình và đứa con gái dường như vô tri với mọi nỗi đau khổ của cha mẹ. Chút ít trách nhiệm và lương tri trong con người đã giữ chân tôi ở lại.

Tôi ôm ghì lấy con gái, siết mạnh đến mức con không thể cựa quậy để được ôm nó trọn vẹn. Thấy con bé khó chịu, cố giãy khóc, tôi gọi vợ: - Em ơi, con mình còn biết khó chịu mà… Con nhận biết được anh đang ôm siết con.

Tôi cố nói to và cười với vợ nhưng ngay cả chính tôi cũng nghi ngờ nụ cười của mình lúc đó. Vợ tôi, gương mặt đẫm nước mắt ngước lên, giơ tay đón con. Khi tôi ôm con trao cho vợ, Hoàng Yến bật ra khỏi vòng tay chúng tôi, nhoài người về phía cái ly và lại xoay tròn. Vòng tay vợ tôi trống rỗng đến đau đớn.

“Trái tim người cha” được Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà thai ghén trong hơn ba năm với câu chuyện có thật kể về hành trình đi tìm cuộc sống bình thường của một người cha cho cô con gái mắc chứng bệnh “tự kỷ”. Khi biết con bị tự kỷ - người cha đã không tin đó là sự thật, anh trốn tránh trách nhiệm làm cha để quên đi tất cả. Chỉ đến khi vợ anh đòi ly hôn anh mới sực tỉnh, chấp nhận sự thật và đồng hành cùng con trong hơn 7 năm trời ròng rã với bao mồ hôi, nước mắt, đau khổ và cả hạnh phúc khi con học nói bập bẹ được chữ “cờ”.

Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà tâm sự: “Ca ngợi anh, tôi chẳng còn năng lực nữa rồi. Bởi vốn từ của tôi không đủ cho những gì anh đã làm cho con gái mình. Vậy thì cho tôi được kể lại câu chuyện này bằng những gì trung thực, vẹn nguyên nhất mà mọi kỹ năng, kỹ xảo về ngôn ngữ không được vận dụng ở đây.”

Sách do First News thực hiện

 

 

Trích sách "Trái tim người cha"