Tạp chí Scientometrics thuộc Nhà xuất bản Springer Nature, mới đây đăng tải nghiên cứu về danh sách các tác giả siêu năng suất (công bố hơn 60 bài/năm).
GS.TS Trần Hậu Khang - chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam (phải) và PGS.TS Nguyễn Văn Thường - giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương - trao chứng nhận hội viên danh dự Hội Da liễu Việt Nam cho ông Michael Tirant và ông Torello Lotti - Ảnh: Dr Michaels Psoriasis & Skin Clinic
Công trình nghiên cứu này của nhóm tác giả John PA Ioannidis (ĐH Stanford, Mỹ), Thomas A. Collins (Elsevier, Mỹ) và Jeroen Bass (Elsevier, Hà Lan). Theo Nature, sự gia tăng nhanh chóng số lượng tác giả siêu năng suất gây lo ngại cho cộng đồng khoa học thế giới.
Nhiều bài báo bị gỡ
Đáng chú ý, trong số năm tác giả siêu năng suất người nước ngoài ghi địa chỉ các trường ĐH Việt Nam có một người ghi địa chỉ Trường ĐH Y Hà Nội là Michael Tirant.
Theo nghiên cứu về các tác giả siêu năng suất của GS Ioannidis và cộng sự, giai đoạn 2000 - 2022, Michael Tirant đăng 103 bài, riêng trong năm 2019 với 63 bài, thuộc nhóm tác giả gần siêu năng suất.
Mấy năm qua, Michael Tirant được truyền thông Việt Nam giới thiệu là một GS người Ý, nhà nghiên cứu y học và ứng dụng công nghệ sinh học trong y tế, chuyên gia điều trị bệnh da liễu. Tháng 6-2019, ông từng báo cáo tại hội nghị chuyên đề về bạch biến tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Tác giả bài báo quốc tế bị gỡ bỏ: 'Thầy tự ghi tên tôi vào'
Bị gỡ 3 bài báo vẫn làm diễn giả khóa dạy kỹ năng viết báo quốc tế
Theo thông tin trên website Trường ĐH Y Hà Nội, trong khuôn khổ hợp tác chuyên môn, trường phối hợp cùng Bệnh viện Da liễu Trung ương đã mời GS Michael Tirant giảng về chủ đề "Cách viết và đăng bài báo nghiên cứu khoa học trên tạp chí quốc tế" vào tháng 10-2019.
Website Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng đưa tin chiều 24-6-2019, GS Michael Tirant và GS Torello Lotti được Trường ĐH Y Hà Nội trao chức danh GS danh dự vì "những cống hiến của hai GS trong nhiều năm qua cho ngành da liễu Việt Nam nói riêng và nền y học Việt Nam nói chung".
Tại thời điểm đó, Torello Lotti được giới thiệu là hiệu trưởng ĐH G. Marconi, Ý, còn Michael Tirant là giảng viên trường này. Cũng trong năm 2019, Michael Tirant và Torello Lotti được trao chứng nhận hội viên danh dự Hội Da liễu Việt Nam.
Trong khi đó, qua tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Michael Tirant có nhiều bài bị các tạp chí quốc tế gỡ bỏ và nghi vấn do kết quả không đáng tin cậy. Tác giả Việt Nam thường xuyên đứng tên chung nhất với Michael Tirant và Torello Lotti trong rất nhiều bài báo là PGS.TS Nguyễn Văn Thường, nguyên giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, nguyên trưởng bộ môn da liễu Trường ĐH Y Hà Nội.
Số 2 của tập 7 với chủ đề "Vietnamese Dermatology" có tổng cộng 37 bài báo. Michael Tirant và Torello Lotti đứng tên tác giả toàn bộ 37 bài này, còn ông Nguyễn Văn Thường là tác giả của 35/37 bài.
Số 18 của tập 7 với chủ đề "Global Dermatology" có tổng cộng 39 bài báo thì Torello Lotti đứng tên 37 bài, Michael Tirant là tác giả 23 bài, còn ông Thường đứng tên 18 bài.
Nghiên cứu "vừa phản khoa học vừa hài hước"
Theo phân tích của TS Elisabeth Bik, chuyên gia nổi tiếng thế giới về liêm chính khoa học, số báo với chủ đề "Global Dermatology" gồm nhiều bài đăng ảnh bệnh nhân mà không có thông tin về sự chấp thuận của họ; thử nghiệm trên động vật nhưng không có thông tin về phê duyệt của hội đồng đạo đức, chứa các hình ảnh trùng lặp hoặc không công bố mâu thuẫn lợi ích.
Ngoài ra, một số bài không liên quan đến chủ đề da liễu và đưa ra những tuyên bố khác thường, không có dữ liệu chứng minh.
Tháng 9-2020, 5 bài trong số báo "Global Dermatology" bị gỡ bỏ đồng loạt với lý do nội dung không liên quan trực tiếp đến chủ đề của số báo và chứa nhiều kết quả mâu thuẫn.
"Cụ thể, trong 5 bài báo bị gỡ đăng trên số báo về da liễu này, các tác giả trình bày những "kết quả nghiên cứu" vừa phản khoa học vừa hài hước, như phân tử ADN gửi ra các tín hiệu gọi là "sóng", ADN của nam giới và nữ giới gửi ra các sóng triệt tiêu lẫn nhau, có thể tạo ra các bộ não người mới từ phôi gà hoặc bằng cách cấy một số tế bào vào tử cung phụ nữ, chim mất đầu vẫn có thể suy nghĩ và quan sát, lõi Trái đất có một lỗ đen bao gồm hệ thống ADN khổng lồ góp phần tạo ra sự sống...", một học giả cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thường:
"Tôi không quen hai ông này"
Đứng tên chung với hai ông Torello Lotti và Michael Tirant trong hàng chục nghiên cứu/bài báo, thậm chí đồng biên soạn ba cuốn sách về da liễu, nhưng ông Nguyễn Văn Thường, nguyên giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết ông "không biết và không quan tâm" những vấn đề liên quan đến Lotti và Tirant.
"Tôi có tên trong nhiều nghiên cứu một phần là nhóm nghiên cứu gửi báo cáo cho tôi phản biện, tôi có thể góp ý "tý ty" và họ đưa tên vào, hay họ thấy tôi ở châu Á, có nghiên cứu tương tự nên họ cho tên. Nhiều khi tôi cũng không biết có bài, nghiên cứu đó, có người kể lại mới biết. Tôi không háo danh và không quan tâm", ông Thường nói.
Khi chúng tôi đề nghị giải thích về những bài báo bị gỡ bỏ, ông Thường bảo: "Tôi không quen biết hai ông này kỹ mà chỉ gặp ở hội nghị hàng ngàn người".
Từng bị án tù
Hiện tại, Michael Tirant không còn tên trong danh sách giảng viên của ĐH G. Marconi.
Trong khi đó, tháng 10-2010, Torello Lotti từng bị cảnh sát Ý bắt giữ vì cầm đầu một hệ thống "bán" hàng trăm bệnh nhân nhiều lần cho các công ty dược, bắt họ phải dùng những thuốc rất đắt đỏ, bất kể có hiệu quả hay không. Đổi lại, các công ty dược trả tiền cho Torello Lotti mua sắm trang thiết bị phòng khám, dự hội thảo...
Tháng 12-2016, Torello Lotti bị tòa kết án tù vì tội tham ô.
Trường ĐH Y Hà Nội nói gì?
GS.TS Tạ Thành Văn - hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội trao tặng danh hiệu giáo sư danh dự cho Michael Tirant - Ảnh: Dr Michaels Psoriasis & Skin Clinic
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Kim Bảo Giang, phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho hay:
Thời điểm hai ông Michael Tirant và Torello Lotti đến làm việc với trường trước năm 2020. Ngay khi nhận được câu hỏi của Tuổi Trẻ, tôi đã rà soát lại việc trao chứng nhận giáo sư danh dự là bộ môn da liễu đề xuất do hai ông có nhiều hoạt động với bộ môn.
Hoạt động của bộ môn và trường là đan xen bởi trưởng bộ môn, thường đồng thời là giám đốc bệnh viện chuyên khoa đầu ngành. Chúng tôi đang xem lại thêm các hoạt động nghiên cứu của hai ông này thông qua Trường ĐH Y Hà Nội hay bệnh viện hoặc đơn vị khác, nhưng khả năng dự án nghiên cứu thông qua trường rất ít.
Tôi sẽ rà soát thêm về các hoạt động (của trường) đã hợp tác ở giai đoạn trước với hai ông một cách cẩn thận, còn giai đoạn gần đây thì không có.
* Việc xét trao giáo sư danh dự được nhà trường thực hiện ra sao, thưa bà?
- Trường có quy trình công nhận giáo sư danh dự, cụ thể là các bộ môn sẽ đề xuất và gửi hồ sơ như lý lịch của người được đề xuất, các thành tựu, các hoạt động phối hợp với bộ môn về giảng dạy và nghiên cứu khoa học như đã hướng dẫn bao nhiêu sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ, nghiên cứu những gì...
Qua đó trường sẽ thành lập hội đồng xét, nếu đủ điều kiện và được thông qua thì ra quyết định và trao chứng nhận, thông thường là trao ở thời điểm người đó đến làm việc tại Việt Nam, một số trường hợp có thể trao tại nơi giáo sư danh dự làm việc.
* Trong tình huống giáo sư danh dự có vi phạm hoặc có vấn đề về đạo đức, trường có thu hồi chức danh này?
- Cho đến nay chưa có văn bản nào của cơ quan chức năng về vi phạm của hai ông này. Thực tế trường cũng chưa từng thu hồi chứng nhận giáo sư danh dự lần nào.
Trường đã có chiến lược các quy định về nghiên cứu khoa học, trong đó có quy định liên quan đến liêm chính học thuật, nhưng năm 2025 là hết một chu kỳ quản lý chiến lược này sẽ được rà soát bổ sung thêm, trong đó sẽ có quy định rõ hơn về liêm chính học thuật. Chúng tôi cũng rà soát kỹ hơn về hai ông này.
Hiện nay chứng nhận giáo sư danh dự nhà trường trao là không thời hạn. Hằng năm trường sẽ gửi thiệp chúc mừng năm mới và khi có sự kiện liên quan thì mời họ đến tham dự nếu họ có điều kiện và thời gian, nhưng tương lai sẽ có rà soát lại, có chế tài cụ thể...
* Hiện đang có nhiều phản ánh về đạo đức và liêm chính khoa học liên quan hai giáo sư danh dự của trường. Nhà trường có cấp kinh phí nghiên cứu khoa học cho các đề tài liên quan hai người này?
- Tại Trường ĐH Y Hà Nội, hoạt động nghiên cứu khoa học thường giao về bộ môn, khi xem xét các đề tài thấy đạt các tiêu chí, trường sẽ cho phép triển khai. Việc nghiên cứu của hai ông này có ghi tên Trường ĐH Y Hà Nội cũng như đã nói ở trên là các thầy chủ nhiệm bộ môn đứng hai vai (ở trường và ở bệnh viện) và nhiều nghiên cứu là kết hợp với bệnh viện, do đó bệnh viện phê duyệt nghiên cứu.
Với Torello Lotti và Michael Tirant, những năm gần đây không tham gia nghiên cứu nào với trường. Còn các năm trước chúng tôi không cấp kinh phí từ nhà trường cho đề tài nào của hai ông, bởi tại trường kinh phí hạn hẹp. Nhà trường không cấp kinh phí cho người nước ngoài,
(còn tiếp)
Đăng thảo luận