Khi bão Yagi tấn công Hà Nội, chiếc xe cấp cứu của êkíp bác sĩ Huyền Linh vẫn chạy trong gió mưa chở cụ ông bị khó thở ngừng tim đến bệnh viện.

Bác sĩ Nguyễn Huyền Linh, 28 tuổi, Trung tâm cấp cứu 115 khu vực Từ Liêm, nhận điện thoại cấp cứu lúc 9h ngày 7/9, khi bão hoành hành tại Hải Phòng - Quảng Ninh, mưa cũng bao trùm Hà Nội. Cụ ông 94 tuổi, ở Láng Hạ, bị khó thở, tăng huyết áp, người nhà gọi 115.

"Tình huống vô cùng nguy cấp", bác sĩ Linh, nhớ lại khung cảnh lúc đó. Mưa to, gió lớn, xe đổ, tôn bay. Nhiều tuyến đường ngập sâu, hàng chục cây cổ thụ bật gốc, đổ ngổn ngang ra đường, xe cứu thương di chuyển rất khó khăn. Kíp trực vắt óc tính toán, vừa đi vừa dò đường để tiếp cận bệnh nhân nhanh nhất.

Quãng đường từ Trung tâm 115 đến nhà người bệnh chỉ mất 5-7 phút, nay kéo dài gấp đôi. Lúc này, người bệnh lơ mơ, không đo được mạch. Kíp khẩn cấp truyền dịch, bóp bóng rồi đưa cụ đến bệnh viện gần nhất. Trên đường đi, ông đột ngột ngừng tim, tiên lượng nguy kịch. Bác sĩ Linh vội vàng ép tim, hô hấp nhân tạo. Sau 5 phút, kíp có thêm sự hỗ trợ của các bác sĩ cấp cứu Bệnh viện Giao thông vận tải.

"Hai cánh tay tôi mỏi nhừ do ép tim liên tục nhưng nếu buông ra thì bệnh nhân không giữ được tính mạng", bác sĩ Linh cho biết. Sau 20 phút, người bệnh lấy lại nhịp tim, tạm qua giai đoạn nguy kịch, đến viện thành công.

Chưa kịp nghỉ ngơi, bác sĩ Linh lại nhận được cuộc gọi từ tổng đài. Nam thanh niên, 30 tuổi, đi xe máy bị ngã, cây đổ đè người, mặt đập xuống lề đường. "Nửa lớp da mặt bên phải bệnh nhân bị lóc hoàn toàn", bác sĩ trực thông báo.

Giữa cơn mưa mù trời, xe cấp cứu tiếp tục lao đi, băng qua mọi vật cản. Khoảng 20 phút sau, mọi người mới tiếp cận được hiện trường. Nhìn chàng trai nằm thoi thóp, kíp cấp cứu gồm ba người khi đó đều cảm thấy "thực sự bất lực" vì không thể đến sớm như dự kiến. Sau khi quan sát, bác sĩ Linh đề nghị chuyển anh về Bệnh viện 198 sơ cứu, sau đó tiếp tục chuyển sang Bệnh viện E để phẫu thuật.

Bác sĩ cấp cứu gian nan tìm đường di chuyển trong mưa bão Yagi  第1张

Các bác sĩ chạy đua với thời tiết để ứng cứu bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Chỉ trong vài giờ, kíp trực tiếp nhận hơn 100 cuộc điện thoại, gấp nhiều lần so với ngày thường. Tại văn phòng trung tâm, điện thoại liên tục reo. Để không bỏ sót, bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, phân công ba người trực thay vì một người như ngày bình thường. Đơn vị huy động 16 xe cấp cứu, hoạt động 24/24 để ứng cứu. Trường hợp nặng như khó thở, nhồi máu cơ tim, sốt cao, tăng huyết áp, tai nạn... được ưu tiên vận chuyển trước.

Trong ngày hôm qua, hơn 150 lượt xe nối tiếp luân phiên di chuyển trong mưa bão, đạt mức tối đa phục vụ của đơn vị. Hơn 50 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế... trắng đêm làm việc. Ngoài ra, đơn vị hỗ trợ vận chuyển cho xe cấp cứu từ các tỉnh khác đến bị mưa bão nước ngập chặn đường.

"Ảnh hưởng của bão quá khủng khiếp, cản trở rất lớn đến công tác cứu trợ nhưng không ai nề hà", bác sĩ Thắng nói, thêm rằng các kíp cấp cứu ngoại viện tập trung làm việc nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho bản thân, "đi đủ, về đủ".

Bác sĩ Phạm Thị Hải Yến, 50 tuổi, chưa hết bàng hoàng khi hoàn thành ca trực đáng nhớ. Chị cho biết về đêm cuộc gọi càng nhiều, cũng là lúc thời tiết diễn biến xấu nhất. Lúc này, trên đường chỉ còn xe cấp cứu và lực lượng chức năng hoạt động nhưng vẫn không thể di chuyển thuận lợi.

Mỗi chuyến xe phải đi mất 2-3 tiếng, cố luồn lách qua chướng ngại vật trên phố, chuyển 7-8 cung đường khác nhau mới đón được người bệnh. Gió lớn táp vào cửa kính như muốn vỡ, hàng trăm cây bị quật đổ. "Cảm giác chúng tôi đang đi bằng niềm tin vì mưa trắng xóa không thấy đường", chị kể. Chưa kể, nhiều ngõ nhỏ ngập sâu, kéo theo mái tôn trôi, nếu không cẩn thận rất dễ bị tôn cắt trúng người hoặc va vào rất nhiều vật cản trên đường. Mưa kèm gió bão mạnh cũng khiến cửa kính nhiều căn hộ chung cư vỡ, nổ, nhiều người bị thương.

Đến khoảng 0h ngày 8/9, mưa ngớt, các cuộc gọi vãn dần song nhân viên y tế vẫn tiếp tục làm việc. Khoảng 8h, chiếc xe cấp cứu cuối cùng trở về Trung tâm 115 sau hơn một ngày đêm làm việc. Có người vội về nhà ngay vì lo lắng cho gia đình, có người ngồi thẫn thờ vì quá mệt. Còn chị Yến theo dõi các báo cáo thống kê thiệt hại do bão.

"Hơn 10 năm làm nghề, đây thực sự là cơn ác mộng thảm khốc và sẽ ám ảnh tôi trong thời gian dài", bác sĩ Yến nói.

Bác sĩ cấp cứu gian nan tìm đường di chuyển trong mưa bão Yagi  第2张

Kíp cấp cứu đang sơ cứu cho bệnh nhân tại hiện trường. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Yagi là cơn bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam năm nay và là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông 30 năm qua.

Thống kê của các địa phương đến sáng nay ghi nhận 5 người chết (chưa bao gồm 3 người ở Hà Nội), 186 người bị thương; 25 tàu xi măng và gỗ nhỏ bị chìm. Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình bị mất điện, mất liên lạc diện rộng. Gió bão làm 3.270 nhà hư hỏng, 400 cột điện gãy đổ.

Thùy An