Bài 1: Nghệ nhân sửa kính ở Hà thành
Trong thời đại nhan nhản các hãng kính, cửa hàng kinh doanh kính mới ra đời. Việc sửa chữa kính tưởng chừng là lỗi thời, nhưng không, ở Hà Nội vẫn còn những người kiên định với nghề này. Họ “sống khỏe”, có khách hàng khắp mọi miền Tổ quốc, thậm chí là nước ngoài…
Ông Đặng Tùng Ngọc, người cả đời dành tình yêu cho nghề sửa kính.
Nối nghiệp gia đình
Vào một chiều thu Hà Nội, tôi tìm đến cửa hàng sửa kính có tên “Kính mắt Tùng Ngọc” nằm khiêm tốn trên đường Lê Duẩn. Đây vẫn còn dấu tích của một phố nghề chuyên sửa kính với dãy dài cửa hàng bán kính, sửa kính san sát nhau.
Bước chân vào cửa hàng vỏn vẹn 20 mét vuông, tôi như lạc vào một “bảo tàng” thu nhỏ với rất nhiều tủ bày kính mới và nhiều nhất là tủ đựng những chiếc kính đã bạc màu, gọng cong, trầy xước nhưng đều được sắp xếp gọn gàng.
Một chiếc bàn gỗ nhỏ, cũ kỹ với chi chít những vết xước được đặt ngay giữa cửa hàng. Trên đó là bộ đồ nghề sửa kính, đếm qua cũng phải hơn 20 món; gồm 14 chiếc kìm, dao cắt, mũi khoan, giấy nhám, kéo và cơ man những ốc vít nằm lẫn lộn trong một chiếc hộp cũ...
Từ trong ngách nhỏ phía cuối cửa hàng, một người đàn ông trung niên với mái tóc đen nhạt, điểm những sợi bạc trắng bước ra tươi cười với chiếc kính đang sửa dở trên tay. Đó là ông Đặng Tùng Ngọc chủ cửa hàng, năm nay đã 57 tuổi. Chúng tôi biết đến ông từ trước trong một dịp tình cờ đi sửa cái kính bằng titan mua ở Nhật về. Kính bị cong ở chỗ dễ bị gãy, một thợ sửa kính không dám nắn đã chỉ đến ông.
Qua những ngần ngại ban đầu, ông cẩn trọng, chân thành khi chia sẻ về “nghiệp” sửa kính của mình. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống sửa kính. Trước khi theo nghề của bố mẹ, ông cũng đã “lạc” sang rất nhiều nghề như làm mộc, cơ khí... Nhưng công việc đó vất vả, sương gió nên ông quyết định quay về nối nghiệp gia đình từ những năm 1990 cho đến bây giờ.
Hơn 30 năm gắn bó với công việc này, ông đã sửa chữa hàng ngàn chiếc kính khác nhau, từ những chiếc kính cao cấp từ các hãng nổi tiếng như RayBan, Solex, Amor... cho đến những chiếc kính cổ giá trị. Bên cạnh đó, ông cũng sửa những chiếc kính có giá vài trăm nghìn đồng nhưng mang trong nó biết bao kỷ niệm, câu chuyện của chủ nhân.
Rất nhiều dụng cụ làm việc được ông để trên chiếc bàn cũ.
Qua bàn tay của ông, mỗi chiếc kính khôi phục được 95 - 100% như ban đầu. Giá thành cũng tùy thuộc vào thời gian sửa chữa, dao động từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng thậm chí là hơn. Có những chiếc kính có thể được ông hoàn thành trong ngày, cũng có những chiếc kính phải mất 3-5 ngày mới hoàn thiện.
Khách hàng của ông không chỉ ở Hà Nội mà còn ở khắp các tỉnh thành từ Bắc đến Nam. Khách nước ngoài tìm đến ông để sửa kính cũng nhiều vô kể. Họ biết đến ông qua những lời kể, người quen giới thiệu. Ông Ngọc chia sẻ: “Tôi không quảng cáo hay đánh bóng tên tuổi gì. Trước giờ, khách đều tự tìm đến tôi và sau đó họ lại giới thiệu đến gia đình bạn bè của họ, nhờ thế mà tôi được nhiều người biết đến hơn. Mãi đến thời gian gần đây, con trai tôi mới lập cho tôi một trang fanpage trên facebook, nhằm phục vụ, giải đáp thắc mắc của khách hàng ở xa muốn hỏi thêm thông tin về kính”.
Mỗi chiếc kính - một mảnh ghép cuộc đời
Đối với ông Ngọc, việc sửa những chiếc kính mạ vàng đắt tiền, kính cổ còn dễ dàng hơn những chiếc kính bình thường. Bởi, chiếc kính càng đắt thì chất liệu để làm ra nó càng rõ ràng; còn những chiếc kính rẻ tiền thường pha trộn với nhiều chất liệu, nên khi sửa cũng rất khó.
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến thời gian hoàn thành một chiếc kính đó là thời tiết. Khi đun nấu hóa chất, người sửa kính cũng cần chọn lựa thời tiết phù hợp. Trong trường hợp thời tiết không thuận lợi, tính chất hóa học của dung dịch sẽ bị ảnh hưởng, làm giảm hiệu quả sửa kính hoặc thậm chí gây ra những phản ứng không mong muốn. Vì thế, có những chiếc kính chỉ hỏng những chi tiết rất nhỏ nhưng mất rất nhiều thời gian để hoàn thành.
Theo ông Ngọc, trước đây, nghề sửa kính đa phần làm thủ công nên rất vất vả, độ hoàn thiện chưa cao. Trong đó, có những chiếc kính được làm từ những nguyên liệu đặc biệt nên việc sửa thủ công chưa thể nào hoàn hảo được, chỉ có thể khôi phục được 70 - 80%. Nhưng ngày nay, khoa học hỗ trợ cho người thợ rất nhiều. Nhiều công cụ phục vụ cho công việc có sẵn nên những ca khó vẫn có thể khôi phục được với tỷ lệ cao hơn nhiều so với trước.
Khi được hỏi về những câu chuyện ấn tượng trong suốt hành trình làm nghề, ông ngồi suy nghĩ một lúc rồi cười, vì có quá nhiều câu chuyện. “Khó nhất đối với tôi không phải sửa những chiếc kính đắt tiền mà là những chiếc kính rẻ tiền nhưng lại “nặng” tình với người ta. Có chiếc kính đã đồng hành cùng họ suốt mấy chục năm, từ thời trẻ trung đến khi mái tóc đã bạc màu. Có những chiếc kính là kỷ vật của ông bà, cha mẹ để lại, họ tìm đến tôi với mong muốn sửa chữa để tiếp tục sử dụng và cũng có nhiều trường hợp sửa chỉ để cất giữ lại những kỷ niệm”, ông bộc bạch.
Vì vậy, khi sửa kính, ông Ngọc không chỉ chăm chú vào từng chi tiết, mà còn lắng nghe những câu chuyện sau mỗi đôi kính, để hiểu được tình cảm và ký ức mà người ta đã gửi gắm vào đó.
Công việc sửa kính đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn.
Ở cửa hàng của ông, có một ô tủ đựng những chiếc kính đã được sửa xong nhưng chưa được giao đi. Ông giải thích: “Đây là những chiếc kính của khách đến sửa nhưng không thấy họ quay lại nữa. Khách không để lại số điện thoại nên tôi không có cách nào liên lạc được. Không biết họ đã đi đâu về đâu nhưng tôi vẫn giữ gìn cẩn thận chờ họ quay lại lấy”.
Về việc truyền nghề, ông Ngọc kể: “Trước đây, tôi cũng có nhận hỗ trợ cho một số người; trẻ có, người lớn tuổi hơn tôi cũng có. Để học được những cái cơ bản ít nhất cũng phải mất 3 tháng, còn để nói là chuyên nghiệp thì cũng không biết đến bao giờ, có khi 10 năm thậm chí là 20 năm vẫn không thể thành thạo hết được. Vì vậy, không phải ai cũng theo được nên bây giờ tôi rất hạn chế nhận người để truyền nghề”, ông Ngọc chia sẻ.
Trong không gian nhỏ hẹp của tiệm kính, cậu con trai của ông Ngọc đang tỉ mỉ chuẩn bị dụng cụ đun hóa chất. Con trai ông năm nay đã ngoài 30 tuổi, anh từng tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Trung. Cũng giống như ông Ngọc, sau những năm tháng làm việc cho các công ty lớn, nhỏ, anh quyết định về nối nghề sửa kính của gia đình. “Không chỉ tôi mà gia đình ai cũng vui khi con trai quay về làm công việc sửa kính. Đến nay, con trai tôi cũng đã có thể hỗ trợ tôi về công việc sửa kính, vừa giúp cho bạn ấy có một công việc làm ra tiền, vừa có thể giúp tôi nối tiếp nghề truyền thống”, ông Ngọc nói.
Với ông Ngọc, nghề sửa kính không chỉ là công việc kiếm tiền, mà vì đam mê và niềm tự hào về truyền thống gia đình mà ông may mắn được kế thừa. Đối với người già và học sinh, ông thường sẽ hỗ trợ với mức giá thấp nhất, thậm chí là không lấy tiền như một cách làm từ thiện ý nghĩa mà ông có thể làm được.
(Còn nữa)
Trần Trang Xem nhiềuNgười lính
Đại tướng Phan Văn Giang dự, chỉ đạo Hội nghị bàn giao nhiệm vụ Tổng cục trưởng Tổng cục 2
Xã hội
Ngư dân Quảng Ngãi phát hiện 'tàu ma' trên biển
Pháp luật
[CLIP]: Kinh hoàng đoàn xe phóng bạt mạng trên phố, tông tử vong người đi đường ở Hà Nội
Nhịp sống phương Nam
Triều cường đạt đỉnh, người dân TPHCM chật vật di chuyển giữa mênh mông nước
Xã hội
Đăng thảo luận