YênBái - Những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến một xu hướng đáng lo ngại trong lựa chọn tổ hợp thi của học sinh THPT - sự gia tăng đáng kể của các thí sinh chọn thi tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH). Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của nền giáo dục và sự chuẩn bị của thế hệ trẻ cho tương lai trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chỉ có 10% số thí sinh lựa chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Vài năm gần đây, số lượng thí sinh thi tổ hợp KHXH đã tăng đáng kể, chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng số thí sinh dự thi. Nhiều trường đại học cũng ghi nhận xu hướng này khi tỷ lệ nhập học vào các ngành KHXH và nhân văn tăng mạnh so với các ngành kỹ thuật, công nghệ.
Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại Yên Bái, 90% số thí sinh đăng ký dự thi lựa chọn bài thi tổ hợp KHXH, chỉ có 10% số thí sinh lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN).
Trong một buổi làm việc với tỉnh Yên Bái trước Kỳ thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi đã lưu ý về vấn đề này và Yên Bái cũng chỉ là một trong nhiều địa phương của cả nước gặp vấn đề này. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do nhiều yếu tố. Một số học sinh có thể nhận thấy các môn KHXH dễ học và có điểm số tốt hơn các môn KHTN. Một phần là do sự thay đổi về xu hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh và phụ huynh trong những năm gần đây.
Nhiều người có xu hướng chọn các ngành "an toàn” như kinh tế, luật, quản trị kinh doanh... thay vì những ngành kỹ thuật đòi hỏi nỗ lực học tập lớn hơn. Nhiều phụ huynh và thí sinh vẫn còn hiểu nhầm rằng, các ngành khoa học kỹ thuật khó học, thu nhập sau khi ra trường không cao bằng các ngành kinh doanh, luật... Đây là một số nhận định chưa hoàn toàn chính xác.
Thực tế, các ngành kỹ thuật vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều nhà tuyển dụng và mức lương khá cạnh tranh so với các ngành khác. Tuy nhiên, những thông tin này chưa được truyền tải đầy đủ tới phụ huynh và học sinh.
Bên cạnh đó, việc thiếu hụt giáo viên, trang thiết bị hiện đại tại nhiều trường THPT cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự hứng thú của học sinh đối với các môn KHTN. Nhiều trường còn thiếu phòng thí nghiệm, hệ thống máy móc thiết bị đảm bảo chất lượng dạy và học… Đây là một vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng, bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự chuẩn bị của thế hệ trẻ trước vận động nhanh chóng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cuộc cách mạng 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng về công nghệ, khoa học kỹ thuật và khả năng sáng tạo. Nhưng nếu xu hướng học sinh chọn thi tổ hợp KHXH tiếp tục tăng thì điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước, khi không có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, cần có những giải pháp kịp thời để khuyến khích và hướng dẫn học sinh lựa chọn các tổ hợp thi phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.
Đồng thời, cần có những chính sách hỗ trợ và động viên để thu hút học sinh tham gia các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật. Chỉ như vậy, mới có thể đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng 4.0 sắp tới.
Thời gian qua, các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh cũng đã đẩy mạnh giáo dục STEM, có nhiều đổi mới trong phương pháp dạy và học, xây dựng nhiều chương trình khuyến khích sáng tạo khoa học kỹ thuật… Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa đạt được kết quả cao khi tỷ lệ học sinh thi tốt nghiệp THPT ở Yên Bái lựa chọn tổ hợp KHXH vẫn ở mức 90%...
Do đó, ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái cần phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các chương trình truyền thông, tư vấn và giáo dục nhằm tạo sự hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng của các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) đối với sự phát triển của đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Tổ chức các cuộc thi, hội thảo, triển lãm khoa học, công nghệ để truyền cảm hứng và khơi gợi sự hứng thú của học sinh. Mời các chuyên gia, doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực STEM chia sẻ câu chuyện thành công, tạo ảnh hưởng tích cực đến học sinh.
Đặc biệt, nhà trường cần cải thiện chương trình và phương pháp giảng dạy. Trong đó, tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy các môn khoa học tự nhiên và công nghệ, theo hướng tăng cường tính thực hành, ứng dụng và tính sáng tạo. Cập nhật chương trình giảng dạy, bổ sung các kiến thức và kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0. Trang bị phòng thí nghiệm, phòng máy tính hiện đại để tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận và trải nghiệm công nghệ…
Việc kết hợp các biện pháp trên sẽ tạo ra được một hệ sinh thái hỗ trợ và khuyến khích học sinh lựa chọn tổ hợp thi KHTN và công nghệ, góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thanh Ba
Tags Cách mạng 4.0 học sinh khối xã hội
Đăng thảo luận