(NLĐO) - Vành đai của Trái Đất đã tồn tại giữa "kỷ nguyên thảm họa" Ordovic trước khi rơi dần xuống trong hàng triệu năm.
Theo Sci-News, một nghiên cứu mới dẫn đầu bởi GS Andy Tomkins từ Đại học Monash (Úc) đã giúp tái hiện lại một Trái Đất có vành đai y hệt như Sao Thổ.
"Chân dung" kỳ lạ này của địa cầu tồn tại khoảng 466 triệu năm trước, vào giữa kỷ Ordovic, khi các đại dương đã tràn ngập sinh vật sống.
Trái Đất từng sở hữu một vành đai nhưng đã biến mất vài trăm triệu năm trước - Minh họa AI: Anh Thư
Để đi đến kết luận này, các nhà khoa học đã kiểm tra vị trí của 21 "vết sẹo" cổ đại, là những hố va chạm xuất hiện trong một thời kỳ gọi là "đỉnh va chạm kỷ Ordovic", kéo dài khoảng 40 triệu năm.
Tất cả các hố va chạm này đều nằm trong phạm vi 30 độ tính từ đường xích đạo, mặc dù hơn 70% lớp vỏ lục địa của Trái Đất nằm ngoài khu vực này, một hiện tượng bất thường mà các lý thuyết thông thường không thể giải thích được.
Theo các tác giả, mô hình tác động cục bộ này chỉ có thể được giải thích bằng một tiểu hành tinh lớn từng lao mình vào Trái Đất.
Khi đi qua giới hạn Roche, nó bị vỡ ra thành vô số mảnh. Giới hạn Roche là một khoảng cách gần nhất mà hai thiên thể có được để bảo đảm sự toàn vẹn. Nếu vượt qua khoảng cách đó, thiên thể nhỏ hơn sẽ bị vỡ vụn.
Các mảnh vỡ tử tiểu hành tinh này đã tạo thành một vành đai đá bụi lớn xung quanh Trái Đất. Nhưng nó không ổn định, mà rơi dần về phía mặt đất.
Điều này đã tạo nên một giai đoạn mà các vụ va chạm thiên thạch gia tăng đột biến. Điều này đã được ghi dấu lại trong các lớp đá trầm tích giữa kỷ Ordovic, vốn lẫn đầy các mảnh vỡ.
Đăng thảo luận