Cú hích táo bạo
Bỏ lại cái nắng rang nơi con đường mòn, vườn tre bốn mùa xanh rì như một chiếc máy điều hoà khí hậu, mang đến không khí mát dịu. Những đọt măng tròn căng, mạnh mẽ đội đất vươn lên.
Đứng dưới rừng tre trải dài ngút ngàn tầm mắt, câu chuyện của bà Nguyễn Thị Sang (73 tuổi, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) hoà cùng tiếng rì rào của lá. Bắt tay vào lập nghiệp ở vùng đất mới, sau nhiều năm thất bại với đủ loại cây trồng trên vùng đất cằn, vợ chồng bà Sang quyết tìm hiểu, mua giống tre bốn mùa ở nước ngoài về trồng.
Bà Nguyễn Thị Sang và những sản phẩm được chế biến từ măng tre tại cuộc thi khởi nghiệp xanh.
Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, không ít lần ông bà phải nếm mùi thất bại. Với 1.000 gốc tre trồng trên diện tích 1ha, sau một thời gian chăm sóc, chỉ sống khoảng 200 gốc. Không nản chí, hai vợ chồng mày mò tìm hiểu cách chăm sóc, chữa bệnh cho cây. Khoảng 5 tháng sau khi trồng, những búp măng tươi bắt đầu cho thu hoạch.
Trên diện tích 40ha, gia đình bà Sang trồng khoảng 40.000 cây tre bốn mùa. Trong đó, có 21ha đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cấp giấy xác nhận mã vùng trồng vào cuối tháng 8/2023. Diện tích tre bốn mùa của gia đình bà trở thành địa chỉ đến “độc nhất vô nhị” ở tỉnh Đắk Nông. Cuối năm 2023, Cục Sở hữu Trí Tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 471229 “Măng tre bốn mùa” cho bà Sang.
Có măng rồi, nhưng sống ở xã vùng sâu để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng, vợ chồng bà Sang lặn lội mang sản phẩm măng tre đến các tỉnh để giới thiệu. Ban đầu, nhiều nơi còn hoài nghi với mặt hàng mới này, nhưng rồi sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn, măng tre của gia đình bà chinh phục được thực khách. Nhiều đơn vị, thương lái bắt đầu đặt hàng. “Khác với măng tre thông thường, măng tre bốn mùa không đắng mà giòn và ngọt nên người tiêu dùng ưa chuộng”, bà Sang nói.
Sau chuỗi ngày dài thấm đẫm những giọt mồ hôi trên ngọn đồi trọc, tìm cách ươm giống để nhân rộng mô hình, hàng nghìn bụi tre đã phát triển xanh tốt. Sau hơn 7 năm, từ vườn tre nhỏ đã tạo nên cánh rừng tre xanh tốt phủ xanh một vùng đất. Hiện diện tích tre bốn mùa của gia đình bà Sang trở thành “độc nhất vô nhị” ở tỉnh Đắk Nông.
Kể về cơ duyên, bà Sang tâm sự, vào năm 1997, vợ chồng bà từ tỉnh Gia Lai chuyển đến xã Đắk Som lập nghiệp. Chứng kiến mùa mưa, dân bản địa thường xuyên vào rừng hái măng về sơ chế, bán cho thương lái. Quá trình thu hoạch măng cũng đầy gian nan, vất vả bởi cây tre mọc ở những vùng núi cao, trong rừng, trên rẫy.
Gia đình bà Sang đã thu mua măng của người dân để chế biến và bán ra thị trường. Mặc dù, mặt hàng này được nhiều người săn lùng đã góp thêm vào nguồn thu nhập thời vụ của bà con nơi đây, nhưng mưa nhiều thì măng nhiều, mùa nắng hàng khan hiếm. Người dân quanh năm vẫn quẩn quanh với cái nghèo.
Bà Sang chia sẻ về quá trình phát triển tre bốn mùa.
Sau khi gia đình bà mang giống tre bốn mùa về đây trồng đã mở ra một hướng đi mới. Theo bà Sang, trồng tre bốn mùa lấy măng không đòi hỏi kỹ thuật cao. Mỗi năm bà bón các loại phân chuồng cho 1ha tre, chi phí hết khoảng 15 triệu đồng. Vào mùa khô, gia đình bà sử dụng máy móc tưới nước cho các vườn tre để măng mọc đều quanh năm.
Vườn tre bốn mùa của gia đình bà Sang tạo công ăn việc làm cho 10 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, với mức lương từ 7,5-9 triệu đồng/tháng. So với công việc nương rẫy hằng ngày, việc chăm sóc, thu hoạch măng nhàn và thu nhập cao, giúp nhiều hộ ổn định cuộc sống.
Thu tiền tỷ từ tre bốn mùa
Người đàn bà 73 tuổi đứng bên gian hàng tỉ mẩn sắp xếp những búp măng xanh to tròn cùng nhiều sản phẩm được chế biến từ măng tre. Bà Sang xởi lởi, đây là những sản phẩm bà mang đến cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp xanh phát triển bền vững” năm 2024. Dự án có tên “Măng tre bốn mùa Ba Sang Đắk Som”.
Vườn tre bốn mùa của gia đình bà Sang.
Bà Sang tâm sự, mang sản phẩm lên tỉnh Đắk Lắk tham gia cuộc thi, bà muốn lan tỏa dự án trồng tre bốn mùa đến mọi miền đất nước, với thông điệp phủ màu xanh cho đất, góp phần chống sạt lở, xói mòn. Dự án “Măng tre bốn mùa Ba Sang Đắk Som” đã lọt vào vòng chung kết, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 11/2024.
Mân mê hũ măng kim chi có màu ớt đỏ bắt mắt, chị Lê Thị Hường (du khách TP Buôn Ma Thuột) cho biết, chị ghiền các món được chế biến từ măng. Chị thường đặt măng rừng tươi được bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Lắk, Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) thu hái. Những ký măng rừng gửi về trở thành món đặc sản trong bữa cơm của nhiều người. Măng rừng mỗi năm chỉ rộ vào những tháng mùa mưa. Gian hàng của bà Sang, ngoài những búp măng tươi, còn có nhiều sản phẩm mới lạ như: măng kim chi, măng chua ngọt, măng hấp, măng sấy khô, măng nấu canh chua... rất hấp dẫn.
Bà Sang mang các sản phẩm măng tre bốn mùa đến trưng bày tại một số sân bay. Những sản phẩm từ măng đã trở thành món quà theo tay của du khách đến các nước Ấn Độ, Úc, Nhật Bản...
Tận dụng những diện tích đất xấu và các khu vực canh tác nông nghiệp kém hiệu quả, sau 7 năm dày công chăm sóc, học hỏi kỹ thuật nhân giống, đến nay diện tích trồng tre bốn mùa của gia đình bà Sang mở rộng khoảng 40ha. Hàng năm, vườn tre này của gia đình bà cho thu hoạch khoảng 250 tấn măng tươi. Bà chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau phục vụ thị hiếu khách hàng. Sau khi đã trừ các chi phí, gia đình bà thu lãi khoảng 2 tỷ đồng/năm.
Mỗi năm bước vào vụ thu hoạch, giữa mùi nồng của măng, người ta lại thấy bà Sang tận tình hướng dẫn bà con cách chế biến, bảo quản sản phẩm. Người đàn bà ấy lại tất bật thu mua măng tre của người dân hoặc kết nối họ với các đối tác tiêu thụ nhằm giảm chi phí vận chuyển, giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập.
Quanh năm, dẫu mưa hay nắng, bên dưới mỗi gốc tre là những búp măng xanh, đâm chồi khỏi mặt đất. Những mầm xanh này đang từng ngày góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, mang lại hiệu quả lâu dài giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Thanh niên Thừa Thiên-Huế đẩy mạnh chuyển đổi số, khởi nghiệp hướng kinh tế xanh, kinh tế số 10/09/2024 Phát động thi khởi nghiệp chuyển đổi xanh vùng ĐBSCL 30/03/2024 Nguyễn Thảo Xem nhiềuPhóng sự
Từ 'phù thủy' tóc đến ma thuật bonsai
Khoa học
Người bén duyên, nặng nghiệp với thú rừng
Phóng sự
Vào thủ phủ na xứ Lạng
Xã hội
Nỗi ám ảnh khôn nguôi ở Làng Nủ
Phóng sự
Đăng thảo luận