(NLĐO) - Cứ vào tiết lập Xuân, người dân Sông Cầu lại lên đỉnh Cù Mông hái chè Mã Dọ, thức chè có sắc hương giống hồng trà và thêm vị mặn mòi của biển…
Đỉnh Cù Mông. Ảnh: Trần Thanh Hưng
Theo Đại Nam nhất thống chí, dãy Cù Mông có núi Mã Vụ, có sinh sản trà, xưa gọi là "trà xanh Mã Vụ". Bản chữ Hán sách này chép "vụ" là sương mù. Các cụ ở Phú Yên thì gọi Mã Võ, vì nhìn từ xa núi giống con ngựa múa. Vũ cũng đọc là vụ. Vậy Mã Võ (Mã Vũ) hay Mã Vụ?
Theo truyền tụng, khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi qua đây, ông thấy một loại cây giống cây chè, bèn lệnh cho quân dừng ngựa (mã dọ, tiếng địa phương nghĩa là dừng ngựa). Rồi hái lá cây ấy nấu nước uống, cả đoàn quân đều khỏe hẳn rồi tiếp tục hành trình. Lên ngôi, vua nhớ chuyện cũ, lệnh cho quan tuần vũ Sông Cầu khuyên người dân nên uống thứ chè này, vì nó tốt cho sức khỏe. Cánh rừng chè ấy có tục danh là đồi chè vua Gia Long, thức chè ấy dân gọi là "chè đảnh" (chè đỉnh).
Giải thích theo hình dáng: gọi là chè mỏ vọ, vì khi phơi lá chè cong lại như mỏ cú vọ. Dân xứ Nẫu đọc mỏ vọ khó nên thành mỏ dọ (giống như vợ = dợ, vũ = dũ…).
Giải thích theo cách bảo quản: gọi là chè bó rọ. Chè sau khi hái về, bó thành bó như bó rọ, treo lên gác bếp, uống dần.
Vườn thực nghiệm chè Mã Dọ. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
Nhận thấy giá trị của giống chè này, năm 2020, tỉnh Phú Yên phê duyệt đề tài "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển cây chè Mã Dọ tại Sông Cầu", giao cho Trung tâm Khoa học nông nghiệp, sinh học La Hiêng thực hiện.
Qua khảo sát, Mã Dọ thuộc họ trà Camelliaceae, mọc nhiều ở đèo Cù Mông, độ cao từ 500-700 m so với mực nước biển.
Sau ba năm triển khai, nhóm thực hiện đã nhân giống thành công và đưa ra vườn trồng hàng trăm cây, đã bắt đầu thu hoạch và hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến.
(Bài dự thi cuộc thi "Cảm tưởng về cà phê – trà Việt" thuộc chương trình "Tôn vinh cà phê – trà Việt" lần 2, năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức).
Đăng thảo luận