Đây là điều bất thường vì Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) thường đưa tin về kết quả của các sự kiện lớn vào sáng sớm hôm sau.
Khách dùng ống nhòm để quan sát phía Triều Tiên ở khu phi quân sự (DMZ). Ảnh chụp tại Đài quan sát thống nhất Odusan của Hàn Quốc ở Paju hôm 15-10 - Ảnh: AFP
Sáng 16-10, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã giữ im lặng về vụ Bình Nhưỡng cho nổ tung các tuyến đường liên Triều nối với Hàn Quốc vào ngày hôm trước, theo Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc).
Triều Tiên đã cho nổ tung một phần các tuyến đường Gyeongui và Donghae ở phía bắc Đường phân định quân sự (MDL) hôm 15-10.
Báo Rodong Sinmun, tờ báo chính của Triều Tiên hướng tới độc giả trong nước, không đưa tin về việc phá hủy các tuyến đường xuyên biên giới từng được coi là biểu tượng của sự hợp tác liên Triều.
Hàn Quốc tuyên bố 'sẵn sàng' đáp trả Triều TiênĐỌC NGAY
Tính đến sáng 16-10, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng không đưa tin về vụ việc trên.
Đây là điều bất thường vì KCNA thường đưa tin về kết quả của các sự kiện lớn vào sáng sớm hôm sau. Được biết KCNA cung cấp thông tin hướng tới độc giả bên ngoài Triều Tiên và thường được truyền thông phương Tây dẫn lại.
Sự im lặng như vậy trái ngược với vụ Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc chung tại thành phố biên giới Kaesong vào tháng 6-2020. Thời điểm đó, KCNA đã nhanh chóng đưa tin vào ngày xảy ra vụ nổ, trong khi Rodong Sinmun đưa tin vào hôm sau.
Vụ cho nổ các tuyến đường liên Triều mới nhất diễn ra vài ngày sau khi quân đội Triều Tiên tuyên bố sẽ cắt đứt mọi tuyến đường bộ và đường sắt nối với Hàn Quốc, và xây dựng các công trình phòng thủ để "tách hoàn toàn" lãnh thổ Triều Tiên khỏi Hàn Quốc.
Tháng 12 năm ngoái, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã xác định lại quan hệ liên Triều là quan hệ giữa "hai quốc gia thù địch với nhau" và thừa nhận việc thống nhất không còn khả thi nữa.
Hồi tháng 1, ông Kim kêu gọi thực hiện các bước để cắt đứt hoàn toàn các tuyến đường sắt xuyên biên giới với "mức độ không thể phục hồi".
Việc Triều Tiên phá hủy các tuyến đường liên Triều không tạo ra nhiều khác biệt vì chúng đã không được sử dụng trong nhiều năm. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra giờ đây việc Triều Tiên phá hủy chúng sẽ gửi thông điệp rõ ràng tới Hàn Quốc rằng Bình Nhưỡng không còn sẵn sàng đàm phán với Seoul nữa.
Đăng thảo luận