Các anh em họ nhà tôi lo sợ bị phạt nồng độ cồn nên nghĩ ra cách đi đám giỗ buổi tối để né.

Cuối tuần rồi tôi mới về quê ăn giỗ. Mấy năm trước, từ chiều ngày tiên thường, tôi đã thấy các anh em họ tụ tập lại, nhậu lai rai. Vậy mà lúc tôi từ Sài Gòn về đến quê đã hơn 17h, vẫn chưa có ai.

Lúc này, cô tôi mới nhờ ra tiệm tạp hóa lấy một can rượu 10 lít và một thùng bia về. Nhận ra tôi, bà chủ tiệm tạp hóa than dạo này các công ty bia chăm làm các giải thưởng như trúng tiền, trúng quà, kết quả được in dưới nắp chai (lon) nhưng bán vẫn chậm.

Rồi bà lấy dẫn chứng, như đám giỗ nhà tôi, những năm trước phải 5 két bia là ít. Mấy năm gần đây chỉ mua bia rượu lấy lệ vì hầu như không ai dám uống nhiều.

Chiều tối muộn, tôi vẫn chưa thấy ai đến, nên hỏi người nhà có mời không, hay là các anh em họ quên mất ngày giỗ ông bà? Mấy chị đàn bà trong nhà vẫn lúi húi nấu nướng.

Lúc 10h tối, các anh em họ nhà tôi mới đến đông đủ và bắt đầu lai rai. Lạ thật, đi đám giỗ lúc nửa đêm để an tâm dùng ít bia rượu cho đúng lễ. Những anh em này là dân làm ăn, không phải bợm nhậu. Nhưng lo sợ bị phạt, họ nghĩ ra cách đi đêm.

Những người ở xa hơn cũng uống bia rượu từ tối hôm trước, ngày hôm sau chánh giỗ chỉ ăn, không uống. Sau đó chờ đến đầu chiều mới dám chạy về nhà để "qua 12 tiếng đồng hồ, nồng độ cồn trong người bốc hơi hết".

Việc tuân thủ luật giao thông, đặc biệt là quy định về nồng độ cồn khi lái xe, là trách nhiệm của mỗi người dân. Những tôi thấy ở đây có một vấn đề. Đó là với những bợm nhậu, người nồng nặc mùi bia, khi bị phạt, nồng độ cồn kịch khung là điều hiển nhiên. Vấn đề là làm sao để phạt thật nặng, không bỏ sót.

Quang Minh