Đây là lần đầu tiên kể từ khi Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào năm 1977, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam dự kỳ họp Đại hội đồng LHQ.
Đại sứ BÙI THẾ GIANG
Chỉ riêng việc này đã khẳng định Việt Nam ngày càng coi trọng ngoại giao đa phương mà trong đó LHQ, với tư cách tổ chức liên chính phủ lớn nhất hành tinh, đóng vai trò trung tâm.
Việc này còn đặc biệt có ý nghĩa khi có những nước chỉ quan tâm theo đuổi các lợi ích riêng của quốc gia mình mà quên, thậm chí bất chấp, luật pháp quốc tế và hợp tác đa phương cũng như vị trí, vai trò của LHQ.
Nhiều kỳ Đại hội Đảng gần đây đều khẳng định Việt Nam không chỉ "là bạn, là đối tác tin cậy" mà còn là "thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế". Trong điều kiện và khả năng của mình, Việt Nam đã có nhiều đóng góp chủ động và tích cực vào LHQ ở cả cấp độ trực tiếp giữa Việt Nam - LHQ cũng như ở cấp độ các hoạt động của LHQ tại các cơ quan chuyên môn, diễn đàn, khu vực và lĩnh vực khác nhau, trong đó sự tham gia của Việt Nam vào các hoạt động gìn giữ hòa bình là một nét nổi bật gần đây được quốc tế và LHQ đánh giá cao.
Tuy nhiên, sự đóng góp của Việt Nam không chỉ vào thời điểm hiện nay và không chỉ như vậy. Những chính sách và nỗ lực xóa đói, giảm nghèo thành công của Việt Nam trong nhiều năm qua không chỉ tác động trực tiếp tới người dân và xã hội Việt Nam mà còn tạo ra một mô hình, cách tiếp cận và phương pháp xóa đói, giảm nghèo đạt hiệu quả, được thế giới coi là một tấm gương cổ vũ tinh thần, đồng thời là tham chiếu rất quan trọng về chính sách và chiến lược trong kinh tế - xã hội cho nhiều quốc gia khác. Đây chính là đóng góp của Việt Nam cho thế giới và cho LHQ.
Tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh Đại hội Đảng lần thứ XIV tới đây sẽ "mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam". "Vươn mình" ở đây với ý nghĩa là chúng ta sẽ đi một bước xa hơn, mạnh hơn trong cả phát triển nội lực của đất nước và đóng góp cho quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới New York đúng dịp Việt Nam và Mỹ kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Trong bối cảnh đó, mặc dù chưa phải là chuyến thăm Mỹ chính thức, nhưng các cuộc gặp gỡ, trao đổi và tiếp xúc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với lãnh đạo và các đối tác Mỹ sẽ góp phần quan trọng khẳng định lại đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam, bao gồm ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng và các nước lớn. Trong đó có Mỹ - một nước lớn, một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, và đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.
Một trong những hoạt động song phương Việt - Mỹ đầu tiên trong chuyến đi này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là cuộc gặp lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Mỹ.
Ngoài việc luôn coi trọng quan hệ kinh tế - thương mại Việt - Mỹ nói chung, cuộc gặp này còn được đặt trong chủ trương lớn kiến tạo một "kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình" của đất nước, mà để hiện thực hóa được đương nhiên phải có đổi mới sáng tạo, phải có những công nghệ "đinh" như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Và các doanh nghiệp Mỹ chính là những doanh nghiệp đang đi đầu trong lĩnh vực này.
Cuộc gặp này còn một lần nữa khẳng định chủ trương đúng đắn, sức hấp dẫn và sự sẵn sàng của Việt Nam hợp tác sâu rộng hơn với cộng đồng doanh nghiệp của Mỹ nói riêng và của thế giới nói chung trong thời gian tới.
Đăng thảo luận