Chiều 6/3, trên tuyến đường An Lạc (chạy dọc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) lác đác phương tiện giao thông nhưng không khí ở đây luôn mờ đục. Chúng tôi quan sát thấy một đám khói lớn từ khu đất rộng chừng gần 1ha, thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang bay lên, trắng xóa một vùng.
Tại đây 3 sinh viên mặc đồng phục đang dùng những cây củi đang cháy châm lửa để đốt vào các đám cỏ dại. Các sinh viên này giải thích: Vì cỏ mọc quá dày, trong khi lưỡi dao của máy cắt cỏ đang bị hỏng nên để kịp tiến độ cho đề tài khóa luận, những sinh viên này phải đốt, kể cả cỏ tươi để dọn vườn. Thi, một trong ba sinh viên cho biết, nhóm có biết việc đốt cỏ tươi sẽ gây khói, ô nhiễm nhưng mong mọi người thông cảm. “Chúng em đã đốt một tuần và sẽ dừng đốt. Nhiều nhóm sinh viên khác cũng đốt nhưng không ở gần khu dân cư nên không bị phản ánh”, Thi nói.
Bãi chất thải cháy nghi ngút khói
Gần trạm xử lý nước thải, thuộc khuôn viên Học viện, hai bãi rác lớn đang đỏ lửa. Rác được đốt gồm cây trồng, rác sinh hoạt, quần, áo cũ… Gần đó, tại Viện Nghiên cứu Rau quả (cũng thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cũng có một đám cháy lớn. Trong đám cháy là các phế phẩm từ quá trình trồng trọt.
Theo số liệu của ứng dụng Pam Air (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí tại Việt Nam - PV), trong ngày 5, 6, 7/3, ô nhiễm không khí tại Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) luôn duy trì ở mức “nguy hiểm”, có hại cho sức khỏe. Tại đây, chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) lên tới 404 đơn vị, cao nhất Hà Nội, được đánh dấu là mức tím đậm.
Cạnh sân bóng gần Viện Nghiên cứu Rau quả, bãi rác với đủ thứ vải vóc, rác thải sinh hoạt, túi nilong,… đang rực cháy. Thỉnh thoảng, lại có người dân xung quanh mang theo 3, 4 túi rác vứt vào đống lửa. Cũng chỉ trong bán kính chừng 1, 2 cây số quanh Học viện, trong các khu dân cư cũng có tình trạng đốt rác thải sinh hoạt.
Công trường mù mịt cát bụi
Ngày 7/3, chúng tôi tiếp tục khảo sát ở khu vực này. Nhóm sinh viên của Thi tại đường An Lạc đã ngưng đốt. Nhưng xa xa lại xuất hiện một cột khói lớn. Đi theo hướng cột khói đó, chúng tôi phát hiện một khu đốt rác thải vật liệu xây dựng nằm cách Học viện Nông nghiệp Việt Nam khoảng hơn 1 cây số về phía Đông. Bãi đốt rác rộng khoảng trăm mét vuông, với đủ các loại trạc thải, từ gạch, vữa, xi măng, bao tải… được chất cao hơn 2 mét. Khói theo gió bay thẳng ra quốc lộ, vào khu dân đô thị Ocean Park và những nhà dân lân cận.
Theo những người sinh sống ở đây, bãi rác này đã có từ lâu, bị đốt thường xuyên. Mỗi khi bãi rác bốc khói, cả khu gần đó phải sống trong bầu không khí ngột ngạt, ô nhiễm. Người dân cho hay, rác được đưa về từ những công trình xây dựng, đang được thi công xung quanh khu vực.
Theo khảo sát của PV, quanh khu vực gần Học viện Nông nghiệp Việt Nam có đến 3 công trình lớn đang được thi công. Nằm ở hai bên hông của tòa nhà trung tâm học viện là hai công trường luôn trong tình trạng khói bụi. Thỉnh thoảng, xe tải chở đất, phương tiện giao thông đi qua khiến cát, sỏi, vật liệu xây dựng… rơi vãi, bụi bay mù mịt. Ngay khi PV vừa đưa máy ghi lại cảnh xe chở đất ra vào công trình, một người đàn ông lái máy ủi liền xuống xe, ném đá về hướng phóng viên, không cho ghi hình; cho các xe tải lớn che chắn chiếc xe tải khác đang đổ đất.
Cạnh đó là đại công trường kè bờ sông Cầu Bây. Dự án có chiều dài hơn 7km, với tổng mức đầu tư gần 219 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội. Đoạn sông Cầu Bây chảy qua phố An Lạc luôn trong tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi thối. Máy xúc, cần cẩu, xe tải... hoạt động liên tục. Xe chở cát không che chắn, cát vương vãi dọc đường.
Bà Tạ Thị Yên, 79 tuổi, người dân thị trấn Trâu Quỳ cho biết, những ngày thời tiết ẩm, nồm khiến bà và những người dân xung quanh cảm thấy ngột ngạt, khó thở. Bà mong các cơ quan chức năng vào kiểm tra, xử lý các vi phạm.
Bác sĩ Vũ Quang Hiển, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lâm cho hay, tính đến cuối năm 2023, bệnh nhân vào điều trị về các bệnh liên quan đến hô hấp tại bệnh viện tăng 15% so với năm 2022. Bác sỹ Hiển cho biết, bệnh liên quan đến đường hô hấp xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng việc ô nhiễm tại Hà Nội nói chung, trên địa bàn huyện Gia Lâm nói riêng là rất đáng báo động. Bác sĩ Hiển khuyến cáo, người dân nên hạn chế ra ngoài, tối giản các hoạt động thể thao ngoài trời khi mức chỉ số AQI đang ở mức cao như hiện nay. Cùng với đó, cần trang bị khẩu trang chống bụi mịn, vệ sinh chân tay bằng xà bông,… để giảm thiểu được nguy hại đến với sức khỏe.
THÀNH ĐẠT Xem nhiềuBạn đọc
Cả trăm người đến hỗ trợ, 'giải cứu' chủ trang trại có 9.000 con gà chết ngạt
Bạn đọc
Cô gái trẻ bất ngờ khi CSGT liên hệ trao trả túi xách đánh rơi trên đường
Bạn đọc
Ấm lòng những 'chuyến xe 0 đồng Khánh Hòa' cho bệnh nhân nghèo
Bạn đọc
Kỳ lạ chuyện bán đất nghĩa trang trên giấy
Bạn đọc
Đăng thảo luận