CS Wind (Hàn Quốc) dự kiến rót 200 triệu USD để xây nhà máy sản xuất thiết bị điện gió trên diện tích 50 ha tại Long An.
Thông tin được công bố trong buổi ký thỏa thuận thuê đất giữa CS Wind Việt Nam - thuộc CS Wind và Đồng Tâm Group (DTG) sáng 10/9. Theo đó, nhà máy sẽ đặt tại Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An, thuộc Cụm Dự án Cảng Quốc tế Long An của DTG, chuyên sản xuất, lắp ráp các thiết bị tháp gió ngoài khơi, trên bờ và các sản phẩm điện gió như cọc đơn, các thiết bị chuyển tiếp để cung cấp cho thị trường toàn cầu.
Nhà máy có công suất hoạt động lên đến hàng chục nghìn đơn vị mỗi năm, cung ứng thiết bị siêu trường, siêu trọng từ 500 đến 4.000 tấn trên mỗi thiết bị. Toàn bộ sản phẩm giai đoạn đầu sẽ được chủ đầu tư xuất - nhập thông qua Cảng Quốc tế Long An, ước tính sản lượng 150.000-200.000 tấn mỗi năm.
Một cơ sở của CS Wind tại châu Âu. Ảnh công ty cung cấp
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đồng Tâm Group, cho biết đích thân Chủ tịch tập đoàn CS Wind Gim Seong-gon đã đến khảo sát địa điểm đầu tư năm 2023.
"Điều đó càng khẳng định sức hấp dẫn về điều kiện thu hút đầu tư của tỉnh Long An trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Chúng tôi cũng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư thứ cấp trong suốt quá trình triển khai dự án", ông Thắng nói.
Ngoài vị trí thuận lợi, năm 2023, Long An có Chỉ số năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh (PCI) đứng vị trí số 2 trên 63 tỉnh, thành.
CS Wind thành lập năm 1984, chuyên sản xuất tháp gió cho các máy phát điện gió. Năm 2003, họ thành lập công ty sản xuất tháp gió tại Việt Nam, là nhà máy cốt lõi tại Đông Nam Á để cung ứng cho thị trường châu Á, Nam Thái Bình Dương và Mỹ. Tập đoàn đang vận hành các cơ sở sản xuất tại 8 quốc gia, cung cấp hơn 13.000 tháp gió cho các nhà sản xuất tuabin gió hàng đầu thế giới như Vestas, Siemens-Gamesa, GE và Goldwind.
Riêng cơ sở tại Long An được cho là nhà máy có công suất sản xuất thiết bị điện gió lớn nhất thế giới tính đến thời điểm lập dự án, theo CS Wind và Đồng Tâm Group. Dự án được kỳ vọng đóng góp vào nỗ lực nội địa hóa chuỗi cung ứng điện gió của Việt Nam, cũng như góp phần phát triển năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo phân tích của Bloomberg New Energy Finance (BNEF), với việc chính phủ các nước trên thế giới đang tích cực thúc đẩy sự phát triển của năng lượng xanh, dự kiến tới năm 2050, năng lượng gió và mặt trời sẽ đáp ứng được 56% nhu cầu điện toàn cầu. Các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu đã đặt mục tiêu phát triển lưới điện không carbon và trung hòa carbon, phản ánh xu hướng toàn cầu hướng đến sự phát triển bền vững.
Viễn Thông
Đăng thảo luận