Đi cao tốc không làn khẩn cấp nếu chú ý giữ khoảng cách, sẽ không gặp phải xe máy, xe đi ngược chiều, giao lộ.
"Tôi có dịp trải nghiệm trên cao tốc Hà Nội - Vinh mới xây dựng xong, hai làn xe hẹp, không có làn dừng khẩn cấp mà thấy lo âu cả quãng đường. Kinh phí bỏ ra không ít, chỉ cần hai làn hẹp có một tai nạn nhỏ là tắc cả chục km vì không biết tránh lối nào.
Đặc biệt, dải chắn hai làn lại rỗng, dẫn tới tài xế lái xe bị xe chiều đối diện chiếu đèn chói mắt ban đêm, không nhìn thấy gì, rất nguy hiểm với tốc độ cao. Góp ý của tôi, mong là được xem xét để cải thiện những tuyến sau hoặc sửa đổi cho an toàn".
Độc giả chinh.hoang chia sẻ chia sẻ cảm giác lo lắng kéo dài suốt hành trình trên cao tốc hai làn xe như trên, sau bài viết Nỗi lo của tài xế đi trên cao tốc không làn khẩn cấp.
Theo đó, chạy xe trên cao tốc nhỏ hẹp không làn khẩn cấp, nhiều tài xế ôtô đường dài luôn trong trạng thái căng thẳng, hồi hộp do đối mặt rủi ro tai nạn. Những tuyến cao tốc kiểu này có thể kể đến như: Trung Lương - Mỹ Thuận, các đoạn cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Cam Lâm và Cam Lâm - Nha Trang.
Cùng cảm giác, độc giả Trong Nhan Le viết: "Tôi chạy cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ban đêm rất hồi hộp vì cảm giác muốn đụng vô con lươn ở giữa và hàng rào trong. Cảm giác đường khá nhỏ. Nhưng lên cao tốc TP HCM - Trung Lương có làn khẩn cấp là chạy yên tâm hẳn mặt dù vận tốc 100 km/h nhưng chạy khá khỏe".
"Tập trung cao độ khi lái xe là đương nhiên, nhưng tập trung đến nỗi quá căng thẳng, tôi lái xe từ TP HCM đi Phan Rang, có đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo tốc độ 90 km/h không làn khẩn cấp thấy hơi lo, vì lỡ không chú ý sợ có xe phía trước có sự cố là nguy hiểm. Buổi tối đi về lại thấy còn lo hơn, xe cộ máy móc cơ khí trục trặc là bình thường, bánh xe bể lốp thì quá thường xuyên. Biết rằng ngân sách còn eo hẹp, nên người dân phải cố gắng, đợi chờ đầu tư giai đoạn sau", độc giả hoangnguyenluan81.
Ngoài một số cao tốc nêu trên, cả nước đang có nhiều đoạn trên tuyến Bắc - Nam đưa vào khai thác với quy mô 2-4 làn xe, không có làn khẩn cấp như trục Cao Bồ (Nam Định) - Diễn Châu (Nghệ An), Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng)... Nhiều tuyến lưu lượng xe lớn hoặc qua địa hình phức tạp như dốc, cong nhưng mặt đường nhỏ hẹp đã xảy ra tai nạn nghiêm trọng dù vận hành chưa lâu.
Tuy nhiên, độc giả dunghuong1008 cho rằng dù cao tốc chỉ có hai làn nhưng vẫn an toàn hơn quốc lộ:
"Dù nhiều người chê bai nhưng riêng tôi, dù cao tốc chỉ có hai làn vẫn an toàn hơn đi quốc lộ rất nhiều vì không phải đi chung với xe máy và không có những điểm giao cắt đồng mức.
Tôi thường xuyên đi trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng hai làn, cũng đông xe, tôi thấy cũng đâu đến nỗi nào. Vấn đề thường thấy nhất là có rất nhiều tài xế chuyển làn thiếu quan sát và rất thiếu kinh nghiệm.
Vấn đề là ý thức giao thông của một số tài xế chưa cao. Đường quy định tốc độ tối đa 90 km/h chứ có phải quy định tốc độ tối thiểu 90 km/h đâu mà cứ phải chạy cho được chừng ấy?
Đường đông thì chạy chậm, lúc nào vắng thì chạy nhanh, quan trọng là phải giữ khoảng cách an toàn chứ cứ bám đuôi sát nhau 10-20 m thì nguy cơ tai nạn cao. Kiểu suy nghĩ giành đường, cúp đầu như chạy xe máy thì sớm muộn cũng xảy ra tai nạn mà thôi".
Độc giả John Tri bổ sung: "Ý thức của người tham gia giao thông quan trọng hơn cơ sở hạ tầng. Các vụ tai nạn đều xảy ra khi xe bị sự cố dừng ở làn đường lưu thông mà không có cảnh báo hoặc cảnh báo sơ sài.
Giờ bắt buộc các xe bị sự cố phải đặt biển cảnh báo sau xe cách 150m, biển cảnh báo phải có phản quang, và phải dọn dẹp sau khi sự cố được giải quyết xong. Điều này sẽ giảm thiểu những tai nạn".
Trước đó, lý giải nhiều cao tốc chưa được đầu tư quy mô hoàn chỉnh, Bộ Giao thông Vận tải cho biết trở ngại lớn nhất nguồn vốn. Để đạt mục tiêu tới năm 2030 cả nước có 5.000 km cao tốc cần tổng vốn khoảng 813.000 tỷ đồng, song đến năm 2020 mới bố trí được 395.000 tỷ đồng.
Ngân sách hạn hẹp, kêu gọi vốn tư nhân lại khó khăn nên 11 tuyến cao tốc triển khai giai đoạn 2017-2020 phải phân kỳ đầu tư, phù hợp nhu cầu cầu vận tải, dự báo lưu lượng xe. Khi có nguồn vốn, các tuyến tiếp tục được đầu tư mở rộng, hoàn thiện.
Độc giả Trong khi đó, Mỹ Dung đề xuất "cách tiếp cận khác":
"Đừng nên coi đường hai làn là cao tốc mà chỉ coi như một tuyến quốc lộ mới chia lửa với quốc lộ cũ. Tuyến quốc lộ chia lửa này không đi chung với xe hai bánh, không có nhà dân, không có hẻm, ngã ba, ngã tư, không có xe máy, xe đạp, người đi bộ, chó mèo chạy ngang qua, vậy thì có nhiều ưu điểm hơn quốc lộ.
Đồng thời cần áp dụng quy định tốc độ rõ ràng, ví dụ làn trái giới hạn 90 km/h, làn phải 50 km/h. Với xe tải, container thì tốc độ 50 km/h là hợp lý và an toàn, vì cần thời gian dừng xe khi có tình huống khẩn cấp.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức giữ khoảng cách an toàn giữa các phương tiện".
Cuối cùng, độc giả nickname nido.vietnam chia sẻ giải pháp giảm bớt nỗi lo lắng về việc di chuyển trên cao tốc vào ban đêm:
"Tôi thường di chuyển trên cao tốc buổi tối và lo nhất là tín hiệu đèn hậu hay khả năng nhận diện của mình đối với xe phía trước. Rất nhiều xe container hay xe tải lớn di chuyển chậm và đèn hậu thì rất yếu, khả năng nhận diện và phán đoán tốc độ của xe đi sau những trường hợp này là rất không chính xác, dễ dẫn đến tai nạn đâm từ phía sau, đặc biệt vào khoảng nửa đêm cho đến sáng sớm.
Tôi đi công tác bên Trung Quốc, quan sát thấy toàn bộ mặt sau của thùng xe tải hay container giao thông trên đường đều dán phản quang bốn cạnh, điều này giúp khả năng nhận diện xe đi trước về kích thước và tốc độ rất hiệu quả.
Ngay cả trường hợp một chiếc xe bị chết máy, mất nguồn, không bật đèn dừng khẩn cấp, và đậu sát lề không có làn khẩn cấp, khả năng bị tai nạn chắc chắn giảm đáng kể".
Hữu Nghị tổng hợp
Đăng thảo luận