Tranh luận trực tiếp Harris - Trump: Ai chiếm ưu thế?
(Dân trí) - Trong khi các nhà lập pháp Cộng hòa không ấn tượng về màn trình diễn của ông Trump thì các nghị sỹ Dân chủ lại đánh giá khá tốt màn thể hiện của bà Harris.
Bà Harris đã có màn "đấu khẩu" quyết liệt trong cuộc tranh luận ngày 10/9 (Ảnh: AFP).
Trước khi bước vào cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên vào tối ngày 10/9 giờ bờ Đông nước Mỹ tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia ở thành phố Philadelphia và có thể cũng là duy nhất giữa Phó Tổng thống Kamala Harris với cựu Tổng thống Donald Trump, cả 2 ứng viên đều có những cái khó riêng phải vượt qua nhằm giành được càng nhiều càng tốt lợi thế cho cuộc bỏ phiếu ngày 5/11 tới đây.
Với Phó Tổng thống Harris, bà phải làm sao chứng tỏ vượt qua được cái bóng của Tổng thống Joe Biden, và có khả năng nêu ra được các ưu tiên của riêng mình về các vấn đề người Mỹ quan tâm mà không "kênh" với các chính sách của chính quyền hiện nay. Còn với ông Trump, như một số chuyên gia về bầu cử tổng thống Mỹ nhận xét, đây là cơ hội cuối cùng để cựu Tổng thống thay đổi tình hình và thậm chí là quỹ đạo của chiến dịch tranh cử.
Trong bối cảnh hiện vẫn còn khoảng gần 30% cử tri Mỹ cho rằng, khác với nhận thức về ông Trump, họ chưa hiểu hết về bà Harris và chưa tỏ rõ thái độ ủng hộ ai trong 2 ứng viên này, do vậy, kết cục cuộc tranh luận có thể sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định cuối cùng của họ và kết cục của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.
Tại cuộc tranh luận, ngoài những công kích về cá nhân đối thủ như vẫn thường thấy, 2 ứng viên đã thể hiện lập trường, quan điểm đối chọi nhau về gần như là tất cả những vấn đề chính sách chủ yếu được người Mỹ quan tâm, trong đó bao gồm: Phát triển kinh tế và lạm phát; chủ đề phá thai, nhập cư và an ninh biên giới; chính sách đối ngoại và với Ukraine; xung đột Israel - Hamas; y tế - bảo hiểm sức khỏe; biến đổi khí hậu; và việc chuyển giao quyền lực hòa bình và sự kiện tòa nhà Quốc hội bị người biểu tình tấn công ngày 6/1/2021.
Những điểm nhấn trong cuộc tranh luận "nảy lửa" Harris - Trump
Kinh tế và Lạm phát: Phó Tổng thống Harris đề xuất một "nền kinh tế cơ hội" với các chính sách nhắm vào tầng lớp trung lưu, bao gồm giảm thuế 6.000 USD cho gia đình trẻ và khoản khấu trừ thuế 50.000 USD cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Bà Harris nhấn mạnh vào việc tạo ra 800.000 việc làm sản xuất mới và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Về chủ đề này, cựu Tổng thống Trump, ngược lại, tập trung vào việc cắt giảm thuế toàn diện và giảm quy định; hứa hẹn sẽ tạo ra "một trong những nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử". Ông Trump chỉ trích mạnh mẽ tình trạng lạm phát hiện tại, gọi đó là "kẻ phá hủy đất nước", và cáo buộc chính quyền Biden - Harris đã quản lý kém cỏi nền kinh tế.
Vấn đề Phá thai: Bà Harris kiên định ủng hộ việc khôi phục các biện pháp bảo vệ của Án lệ Roe v. Wade (có từ năm 1973 giúp hợp pháp hóa quyền phá thai trên toàn nước Mỹ) và chỉ trích mạnh mẽ vai trò của ông Trump trong việc lật đổ phán quyết này; nhấn mạnh quyền tự quyết của phụ nữ và chỉ ra những hậu quả tiêu cực của các lệnh cấm phá thai tại một số tiểu bang.
Trong khi đó, ông Trump tự hào về vai trò của mình trong việc hủy bỏ Roe v. Wade, cho rằng đây là quyết định đúng đắn để trả lại quyền quyết định cho các tiểu bang; phủ nhận ý định ủng hộ lệnh cấm phá thai toàn quốc, nhưng vẫn ủng hộ các biện pháp hạn chế phá thai.
Nhập cư và An ninh Biên giới: Phó Tổng thống Harris bảo vệ cách tiếp cận của chính quyền Biden, nhấn mạnh sự cần thiết của một hệ thống nhập cư toàn diện, ủng hộ việc tăng cường an ninh biên giới kết hợp với con đường dẫn đến quyền công dân cho người nhập cư bất hợp pháp đã lâu năm ở Mỹ. Bà Harris cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề di cư bất hợp pháp từ Trung Mỹ vào.
Ngược lại, ông Trump đề xuất một cách tiếp cận cứng rắn hơn nhiều; hứa hẹn sẽ tiến hành một "chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử". Ông đề xuất sử dụng Vệ binh Quốc gia và thậm chí cả quân đội nếu cần thiết để thực thi các chính sách nhập cư. Ông Trump cũng nhấn mạnh kế hoạch xây dựng bức tường biên giới và thực hiện chính sách "Ở lại Mexico" đối với người xin tị nạn.
Chính sách đối ngoại và Ukraine: Phó Tổng thống Harris kiên định lập trường ủng hộ việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền và dân chủ của nước này. Không dừng lại ở đó, bà Harris chê ông Trump yếu thế trước Tổng thống Nga Putin và cho rằng nếu ông Trump còn tại vị, Nga đã có thể chiếm đóng Kiev. Bà Harris đặc biệt nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Mỹ trong liên minh NATO và tầm quan trọng của các đồng minh.
Ngược lại, cựu Tổng thống Trump hứa hẹn sẽ kết thúc cuộc chiến (ở Ukraine) nhanh chóng thông qua đàm phán; tự tin rằng ông "có thể giải quyết vấn đề trong vòng 24 giờ". Ông Trump cũng đã chỉ trích số tiền viện trợ lớn mà Mỹ đã gửi đến Ukraine và cho rằng châu Âu nên đóng góp nhiều hơn. Ngoài ra, cựu Tổng thống còn cảnh báo về nguy cơ cuộc chiến ở Ukraine hiện nay có thể leo thang thành Thế chiến thứ ba.
Xung đột Israel-Hamas: Bà Harris thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quyền tự vệ của Israel sau cuộc tấn công của Hamas vào nước này ngày 7/10, nhưng cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc về những thương vong dân sự ở Gaza và kêu gọi chấm dứt chiến tranh ngay lập tức thông qua một thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin. Ngoài ra, bà Harris nhấn mạnh sự cần thiết của một giải pháp hai nhà nước, đảm bảo an ninh cho cả Israel và Palestine.
Về vấn đề này, ông Trump chỉ trích gay gắt cách xử lý của chính quyền Biden, cho rằng cuộc xung đột sẽ không xảy ra nếu ông còn tại vị; nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp của mình với các nhà lãnh đạo trong khu vực và tuyên bố có thể giải quyết xung đột nhanh chóng. Ngoài ra, ông Trump cũng chỉ trích việc Iran có nhiều nguồn lực hơn để tài trợ cho các nhóm như Hamas và đổ lỗi cho chính sách của chính quyền Biden đối với Iran.
Y tế và Bảo hiểm Sức khỏe: Phó Tổng thống Harris hộ mạnh mẽ việc củng cố và mở rộng Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá cả Phải chăng (hay còn gọi là ACA - Obamacare); nhấn mạnh những thành tựu của chính quyền Dân chủ hiện nay trong việc giảm chi phí thuốc kê đơn và bảo vệ người có bệnh lý có sẵn. Ngoài ea, bà Harris cũng chỉ trích những nỗ lực trước đây của ông Trump nhằm bãi bỏ ACA.
Ông Trump một mặt tiếp tục chỉ trích Obamacare là "chăm sóc sức khỏe tồi tệ" nhưng thừa nhận không có kế hoạch thay thế hoàn chỉnh, rằng sẽ chỉ thay đổi ACA nếu có thể đưa ra một phương án tốt hơn và ít tốn kém hơn.
Biến đổi Khí hậu: Bà Harris công nhận biến đổi khí hậu là một mối đe dọa hiện hữu và nghiêm trọng; nhấn mạnh những khoản đầu tư lớn của chính quyền hiện tại vào năng lượng sạch, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm trong lĩnh vực sản xuất liên quan đến năng lượng xanh; và chỉ ra sự cân bằng giữa phát triển năng lượng sạch và duy trì sản xuất dầu khí trong nước.
Ngược lại, ông Trump coi nhẹ mối đe dọa từ biến đổi khí hậu; tập trung vào vấn đề độc lập năng lượng, chỉ trích các sáng kiến năng lượng sạch là có hại cho nền kinh tế; hứa hẹn sẽ tăng cường sản xuất nhiên liệu hóa thạch và coi nhẹ mối đe dọa từ biến đổi khí hậu.
Chuyển giao quyền lực hòa bình và sự kiện 6/1/2021: Cựu Tổng thống Trump kiên quyết bảo vệ hành động của mình trong ngày 6/1/2021 và nhắc lại rằng ông đã kêu gọi người ủng hộ hành động "một cách hòa bình và yêu nước". Ông Trump chuyển hướng cuộc thảo luận bằng cách so sánh sự kiện này với tình trạng bạo lực do người nhập cư gây ra mà ông cáo buộc chính quyền hiện tại đã bỏ qua. Nhân đây, ông Trump đã tranh thủ đổ lỗi cho bà Nancy Pelosi về việc không cung cấp đủ an ninh tại Điện Capitol.
Còn bà Harris, người đã trực tiếp có mặt tại Điện Capitol vào ngày 6/1, mô tả chi tiết về những gì bà chứng kiến, bao gồm việc 140 nhân viên thực thi pháp luật bị thương và một số người thiệt mạng. Bà cáo buộc ông Trump đã kích động bạo lực không chỉ vào ngày 6/1 mà còn trong các sự kiện khác như ở Charlottesville…; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ nền dân chủ và pháp quyền, kêu gọi người Mỹ "không quay lại" thời kỳ hỗn loạn.
Cuộc tranh luận giữa 2 ứng viên Kamala Harris và Donald Trump kết thúc mà không có bất ngờ lớn nào xảy ra. Nội dung cuộc tranh luận đã phản ánh rõ nét sự phân cực trong nền chính trị Mỹ hiện nay.
Theo đánh giá chung, dù rất gay cấn và không khoan nhượng, khác với cuộc tranh luận Trump - Biden hồi tháng 6 vừa qua, Phó Tổng thống Harris được cho là đã thể hiện tốt hơn kỳ vọng, nhưng cả ông bà Harris và ông Trump đều chưa ai đánh bại hoàn toàn được ai. Tuy nhiên, cuộc tranh luận cũng đã giúp cung cấp thêm cho các cử tri, nhất là những người còn phân vân, cơ hội để đánh giá thêm về 2 ứng viên với 2 tầm nhìn đối lập về hướng đi trong 4 năm tới và tương lai đất nước.
Thực tế là ông Trump tuy chưa từ bỏ được tính nóng nảy cố hữu, nhưng vẫn chứng tỏ được sự minh mẫn và mạnh mẽ của mình, bất chấp tuổi cao như phía đối thủ công kích; còn bà Harris tuy rất ít tranh luận trực tiếp kiểu này nhưng cũng đã kiểm soát được khá tốt tình hình và thể hiện được bản lĩnh và sự cứng rắn cần có của một nhà lãnh đạo quốc gia.
Theo ghi nhận nhanh của Politico, phản ứng ban đầu của một số nghị sỹ 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa, trong khi các nhà lập pháp Cộng hòa chưa thật sự ấn tượng về màn trình diễn của ông Trump, thì các nghị sỹ Dân chủ lại đánh giá khá tốt màn thể hiện của bà Harris. Còn khảo sát nhanh của CNN đưa ra kết quả là 48% cử tri cho rằng bà Harris đã thể hiện tốt hơn, trong khi ông Trump được 46% đánh giá như vậy.
Với kết quả cuộc tranh luận có thể nói là "kẻ 8 lạng, người nửa cân" hôm qua, 2 ứng viên Kamala Harris và Donald Trump vẫn đang ở thế ganh đua nhau rất quyết liệt, sát nút. Như thế, việc ai tiếp cận và tranh thủ được tốt hơn số cử tri còn phân vân trong 8 tuần nước rút sắp tới, nhất là ở các bang "chiến trường" nhiều khả năng sẽ là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống rất đặc biệt và đầy kịch tính hiện nay.
Đăng thảo luận
2024-09-29 10:43:44 · 来自106.86.228.68回复
2024-09-29 10:53:42 · 来自171.15.119.118回复
2024-09-29 11:03:48 · 来自106.84.154.113回复
2024-09-29 11:13:44 · 来自123.233.209.191回复