Một tháng qua, 44 hổ, một báo, ba sư tử chết tại Khu du lịch Vườn Xoài ở Đồng Nai và Mỹ Quỳnh tại Long An.
Những ngày gần đây, hổ nuôi tại Khu du lịch Vườn Xoài, TP Biên Hòa, biểu hiện mệt mỏi, yếu ớt rồi chết. Theo đại diện khu du lịch này, từ tháng 9 đến nay, có 17 hổ (từ vài tuần tuổi trở lên) và một con báo chết.
Khu du lịch đã lấy mẫu xét nghiệm và tiến hành khử khuẩn khu vực chuồng trại, đồng thời tách riêng khu vực nuôi hổ để theo dõi, tránh tình trạng lây lan. Chi cục Thú Y vùng VI kiểm tra lâm sàng và mổ khám ngẫu nhiên hai hổ chết. Bước đầu đơn vị này chẩn đoán hai hổ Bengal chết nghi do viêm phổi.
Hổ Bengal được nuôi ở Khu du lịch Vườn Xoài. Ảnh: Thái Hà
Ông Ngô Văn Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, cho biết hổ nuôi ở Khu du lịch Vườn Xoài có giấy phép. Hôm nay, lực lượng thú y xuống làm việc, kiểm tra khu du lịch, có phương án tiêu hủy số động vật chết.
Trong khi đó, theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Long An, từ tháng 8 đến 16/9, vườn thú Mỹ Quỳnh, huyện Đức Hòa, có 27 hổ và 3 sư tử chết (trong đó 3 con mua của Khu du lịch Vườn Xoài, không có giấy kiểm dịch động vật khi chuyển ra khỏi Đồng Nai). Ban đầu cơ quan chức năng nghi ngộ độc thức ăn, song sau đó xét nghiệm số hổ, sư tử chết, cho ra dương tính với virus H5N1.
Hổ nuôi ở vườn thú Mỹ Quỳnh, Long An. Ảnh: Hoàng Nam
Theo báo cáo của hai khu du lịch này với Viện Pasteur TP HCM, ở Vười Xoài có 30 nhân viên tiếp xúc với hổ, Mỹ Quỳnh là 3 người. Hiện, đơn vị này chưa ghi nhận những người tiếp xúc gần có triệu chứng viêm hô hấp.
Khu du lịch Vườn Xoài hiện nuôi gần 90 loài với hơn 3.000 động vật hoang dã quý hiếm, trong đó có những loài vô cùng quý hiếm như: hổ Bengal, sư tử trắng, gấu nâu, báo đen, hồng hạc, vẹt Nam Mỹ, tê giác, gấu trúc đỏ. Một số loài đã sinh con như: hổ Bengal, tê giác, hà mã, hươu cao cổ, gấu.
Vườn thú Mỹ Quỳnh nằm cách TP HCM 45 km, nuôi nhiều loại động vật quý hiếm theo hình thức bán hoang dã để du khách chiêm ngưỡng, tham quan.
Cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm từ cúm gia cầm như gà, vịt, chim và động vật hoang dã, lây cho người. Đây là chủng cúm độc lực cao, người bệnh thường diễn tiến nặng, tỷ lệ tử vong cao. Bệnh này hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine dự phòng. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H5N1 lây từ người sang người.
Trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm gia cầm trên động vật ở tất cả khu vực, chủ yếu là do chủng virus cúm A/H5N1. Campuchia từ cuối năm 2023 đến nay ghi nhận các ca cúm A/H5N1 trên người.
Ở trong nước, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương.
Phước Tuấn - Hoàng Nam
Đăng thảo luận