Người dân khắp nơi cầu cứu vì lũ lên nhanh, cung ứng thực phẩm ra sao?
(Dân trí) - Người dân nhiều tỉnh phía Bắc cầu cứu vì lũ dâng cao, cạn kiệt đồ ăn. Lãnh đạo Sở Công Thương Thái Nguyên cho biết sẽ tìm nhiều cách bổ sung thực phẩm, đồ dùng cần thiết cho người dân vùng ngập úng.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mực nước ở sông Cầu (Thái Nguyên) đang dâng cao rất nhanh. Tại Trạm thủy văn Gia Bẩy và Trạm thủy văn Chã, lũ đang tiếp tục có xu thế tăng.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, vào lúc 16h ngày 9/9 lũ trên sông Cầu tiếp tục lên chậm, tại Trạm thủy văn Gia Bẩy đỉnh lũ là 2860cm, cao hơn 46cm so với cơn lũ lịch sử năm 1959.
Người dân Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai cầu cứu trong đêm
Do ngập úng diễn ra nhanh chóng và bất ngờ, một số người dân sinh sống dọc theo hai bờ sông Cầu qua các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, TP Phổ Yên và TP Thái Nguyên... vẫn bị mắc kẹt. Trên các hội nhóm mạng xã hội, nhiều người dân cầu cứu cứu hộ vì nước ngập dâng cao, thiếu lương thực dự trữ, không có thuyền để thoát nạn.
Chiều ngày 9/9, chị Hoàng Phương (Thái Nguyên) cho biết do nước lũ dâng cao, gia đình chị gái ở phường Túc Duyên (TP Thái Nguyên) gồm 3 trẻ em và 4-5 người lớn đang ngồi trên mái nhà chờ người giúp. "Do ở phía trong, nước sâu và xiết nên không đội cứu hộ nào dám vào, hiện chỉ có thuyền máy mới vào được. Nhưng gọi hơn 10 số điện thoại nhưng không được" chị nói.
Tương tự, chị Ngọc Ánh, ở khu vực cuối xóm cầu Gia Bẩy (TP Thái Nguyên) cũng lên mạng tìm thuyền giúp gia đình 9 người đang bị mắc kẹt. "Nước khu vực này chảy xiết nên thuyền nhỏ không thể tiếp cận được. Nước đã ngập lên mái nhà nên gia đình tôi phải ở nhờ nhà hàng xóm bên cạnh", chị chia sẻ.
Nhiều người ở Thái Nguyên cầu cứu vì nước dâng cao (Ảnh chụp màn hình).
Do thiếu lương thực dự trữ, anh Phạm Dương, ở khu vực chùa Hang, Thái Nguyên cũng lên mạng nhờ người hỗ trợ đồ ăn và sạc dự phòng. "Do xung quanh đều ngập nặng nên chỉ có thuyền mới vào hỗ trợ được, cả khu hiện trong tình trạng mất điện, thiếu lương thực. Cả ngày nay tôi chỉ mới ăn được một gói mì", anh than.
Tại TP Yên Bái sáng 9/9, mực nước dâng cao cũng làm ngập nhiều nhà dân. Nhiều gia đình giáp bờ sông nước tràn vào nhà, ngập đến gần nóc. Chị Thu Trang (TP Yên Bái) cho biết tình hình lũ lụt tại địa phương rất căng thẳng.
"Người nhà cho biết bị cô lập hết xung quanh, cả thành phố ngập diện rộng. Mất điện, mất sóng, điện thoại không có pin không thể liên lạc. Gần như bị tê liệt", chị kể.
Chị Thảo Linh cũng đăng tin khắp nơi nhờ hỗ trợ người thân ở đường Thanh Niên, phường Hồng Hà, TP Yên Bái. "Người thân đang mắc kẹt ở tầng 2 trong khi nhà không còn lương thực, thực phẩm để duy trì, điện thoại hết pin. Cầu xin các đội cứu hộ đến cứu, mình hứa sẽ có hậu tạ", chị viết trên mạng xã hội.
Tại Lào Cai, đến hơn 23h ngày 9/9, trong các hội nhóm trên mạng xã hội vẫn liên tục xuất hiện nhiều bài đăng cầu cứu của người dân khu vực huyện Bảo Yên, Bát Xát... Đa số người dân cho biết nước lũ tiếp tục lên nhanh cần tìm cứu hộ ngay trong đêm.
Cung ứng hàng hóa ra sao?
Về tình hình cung ứng hàng hóa tại các địa phương bị cô lập bởi nước lũ, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên, cho biết hiện nay khu vực TP Thái Nguyên có một số điểm ngập úng.
"Các lực lượng chức năng của tỉnh, TP Thái Nguyên, nhân dân đã và đang tiếp tục khắc phục, cố gắng bằng nhiều cách để bổ sung thực phẩm, đồ dùng cần thiết cho người dân ở các khu vực này", ông Hoàng nói.
Theo vị này, các địa phương đều đã có kế hoạch, phương án ứng phó trước và sau cơn bão số 3 theo phương châm "4 tại chỗ", chủ động lượng hàng hóa thiết yếu.
"Đồng thời lượng hàng hóa ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối đảm bảo đáp ứng nhu cầu thiết yếu, bổ sung thường xuyên từ các nhà cung cấp...", lãnh đạo Sở Công Thương Thái Nguyên nhấn mạnh.
Báo cáo thêm của Sở Công Thương tỉnh này cho thấy từ sáng ngày 9/9, hệ thống siêu thị ghi nhận sức mua tăng đột biến trở lại do mực nước sông cầu dâng cao gây ngập úng tại một số khu vực.
Một cửa hàng xăng dầu ở phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên ngập sâu (Ảnh: Phạm Hòa).
Đến 16h ngày 9/9 tại các siêu thị, cửa hàng tự chọn hàng hóa vẫn đảm bảo cung cấp cho người dân mặc dù lượng người mua hàng hóa phục vụ tích trữ lớn. Giá hàng hóa rau, củ, quả có tăng so với ngày thường, các mặt hàng khác giá ổn định.
Để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân, các siêu thị GO!, Lan Chi chủ động làm việc với nhà cung cấp, tăng gấp 2-3 lần nguồn cung ứng hàng hóa rau, củ, quả tươi sống… đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến. Cơ quan quản lý đánh giá các siêu thị GO!, Lan Chi, Winmart, Minh Cầu, Aloha… đều đảm bảo nguồn cung hàng hóa.
Tại Lào Cai, theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh này, mưa vẫn tiếp diễn, các khu vực chia cắt chủ yếu vùng cao nên các gia đình tự cung tự cấp, vì vậy không ảnh hưởng nhiều về lương thực thực phẩm.
Đến 10h sáng ngày 9/9, các chợ, siêu thị, cửa hàng tổng hợp, tiện ích, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, gas trên địa bàn tỉnh mở cửa phục vụ người dân bình thường.
Tại Yên Bái, cơ quan chức năng tỉnh này cho biết nước sông Hồng dâng lên, nên đến 15h ngày 9/9 đã có 7 cửa hàng xăng dầu bị ngập sâu 1-2m, phải tạm dừng 2 cửa hàng do mất điện. Do nước lên nhanh, không kịp chuyển hàng nên có một kho hàng công nghệ phẩm bị ngậm nước, ước thiệt hại trên 1 tỷ đồng.
Tại Quảng Ninh, Sở Công Thương tỉnh cho biết theo thông tin phản ánh một số địa phương sau bão tiếp tục chịu ảnh hưởng của lũ, có nguy cơ bị chia cắt như Bình Liêu, Tiên Yên.
Cụ thể, hiện nay huyện Bình Liêu mất điện, mất nước, khó khăn khi liên lạc. Mưa to kéo dài khiến nhiều tuyến đường, các chợ bị ngập nước. Hiện, chợ trung tâm vẫn hoạt động, phục vụ các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt các loại. Cửa hàng tạp hóa còn mở tuy nhiên số lượng không nhiều, các mặt hàng đồ khô, bánh ngọt, đồ ăn nhanh ít dần, chưa cung ứng được thêm.
Chợ trung tâm huyện Tiên Yên đang có nguy cơ ngập lụt do lũ khu vực Bình Liêu đang kéo về Tiên Yên. Các địa phương còn lại báo cáo hàng hóa thiết yếu đang đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, nếu thời gian mất điện, mất nước kéo dài khó khăn cục bộ cho công tác bảo quản thực phẩm tươi sống.
Đăng thảo luận
2024-11-12 16:44:02 · 来自36.57.52.172回复
2024-11-12 16:54:03 · 来自123.235.147.107回复
2024-11-12 17:04:09 · 来自121.77.210.221回复
2024-11-12 17:14:03 · 来自182.85.110.153回复
2024-11-12 17:24:01 · 来自182.84.86.127回复
2024-11-12 17:34:02 · 来自210.35.183.29回复
2024-11-12 17:44:03 · 来自182.86.43.4回复
2024-11-12 17:54:02 · 来自182.82.105.107回复
2024-11-12 18:04:02 · 来自171.10.181.182回复
2024-11-12 18:14:02 · 来自222.52.138.123回复
2024-11-12 18:24:02 · 来自106.82.205.215回复
2024-11-12 18:34:01 · 来自171.9.97.220回复
2024-11-12 18:44:02 · 来自123.235.80.59回复
2024-11-12 18:54:01 · 来自61.236.150.49回复