Vở cải lương sử Việt Truyền tích Cổ Loa xưa vừa phúc khảo tại Nhà hát Trần Hữu Trang. Các nghệ sĩ Võ Minh Lâm, Nguyễn Minh Trường, Bình Tinh… cũng đã lên sàn tập hai tuồng sử Việt khác.
Từ trái qua, nghệ sĩ Minh Trường, Bình Tinh và Võ Minh Lâm - Ảnh: NVCC
Võ Minh Lâm sẽ gặp gỡ khán giả trong vở Người mang 9 án tử. Còn Bình Tinh, Nguyễn Minh Trường xuất hiện trong vở sử Tây Sơn nữ tướng.
Dù mục đích là thi cử nhưng việc có đến ba vở sử Việt dàn dựng mới và sẽ công diễn là niềm vui của sân khấu cải lương TP.HCM.
Vở sử Việt hay để luyện nghề
Ba vở sử Việt trên sẽ tham gia Liên hoan cải lương toàn quốc cuối tháng 10 tại Cần Thơ.
Người mang 9 án tử (kịch bản: Phạm Văn Quý, chuyển thể: Võ Tử Uyên) là vở diễn mà diễn viên trẻ Hoàng Hải đầu tư và thử sức với nhân vật rất nặng là Tả quân Lê Văn Duyệt.
Soạn giả Hoàng Song Việt cho biết ông rất quan tâm đến các bạn trẻ có đam mê với sân khấu cải lương. Vì vậy khi làm vở diễn khó này Hoàng Hải đã nhờ ông và đạo diễn Hoa Hạ hỗ trợ.
"Thi cử tính sau. Trước mắt, các bạn có vai hay, vở "xịn" để rèn nghề. Nên khi Hải nhờ, chúng tôi sẵn lòng chung tay phụ giúp" - ông Việt tâm sự. Không chỉ ông Việt và đạo diễn Hoa Hạ, nghệ sĩ Võ Minh Lâm cũng miệt mài trên sàn tập giúp Hải với nhân vật vua Minh Mạng.
Ngoài ra, vở còn có sự tham gia của Bảo Trí, Thy Trang, Thy Phương, Trọng Hiếu, Sơn Minh… Vở sẽ diễn một suất có khán giả trước khi đến Cần Thơ dự liên hoan.
Nghệ sĩ Hoàng Hải với tạo hình nhân vật Tả quân Lê Văn Duyệt - Ảnh: NVCC
Sân khấu Sen Việt của đạo diễn Lê Nguyên Đạt cũng đang trên sàn tập vở Tây Sơn nữ tướng (tức Chói rạng sơn hà) của tác giả Nguyễn Sỹ Chức.
Vở trước đây từng được dựng trên sân khấu tuồng, dân ca bài chòi và đi thi đoạt giải vàng. Đây là lần đầu tiên Tây Sơn nữ tướng chuyển thể cải lương.
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt chia sẻ anh từng hợp tác với nghệ sĩ Bình Tinh ở Vương quyền, cô vào vai đào võ, ở Vương đạo Bình Tinh là một cô nương lưu lạc.
Với Tây Sơn nữ tướng khắc họa hình ảnh nữ tướng Bùi Thị Xuân, Nguyên Đạt cho rằng vai diễn này sẽ khai thác đúng nhất sở trường đào võ của Bình Tinh. Chuông vàng vọng cổ Nguyễn Minh Trường vai Trần Quang Diệu cũng hứa hẹn có những nét mới.
Vở còn tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ như Trọng Nhân vai vua Cảnh Thịnh, Bảo Ngọc vai nữ tướng Huỳnh Cúc… Ê kíp cho biết vở sẽ diễn hai suất ngày 5-10 và 2-11 rồi dự liên hoan.
Bạo gan bán vé vở tốt nghiệp
Truyền tích Cổ Loa xưa (tác giả: Nguyên Phương) là vở mà đạo diễn trẻ Dương Khôn sẽ thi tốt nghiệp lớp đạo diễn Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM vào tối 6-10 tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Dương Khôn cũng "bạo gan" ra sân khấu biểu diễn bán vé. Còn gần một tháng mới diễn nhưng vé bán ra đã được gần 70%.
Dương Khôn vốn là diễn viên múa, sau đó anh học đạo diễn. Khôn cho biết anh rất thích nhạc kịch, anh được thầy mình là đạo diễn Lê Nguyên Đạt khuyến khích làm cải lương.
Chuông vàng vọng cổ Nguyễn Thanh Toàn (phải, vai Trọng Thủy) và Hoài Thanh (vai Mị Châu) trong Truyền tích Cổ Loa xưa - Ảnh: LINH ĐOAN
Truyền tích Cổ Loa xưa là câu chuyện về Trọng Thủy - Mị Châu nhưng được thể hiện lồng ghép đối thoại giữa người hôm nay với người ngàn xưa.
Để làm một vở sử Việt hấp dẫn, Dương Khôn đã "chơi lớn" khi đầu tư gần 500 triệu đồng.
TIN LIÊN QUANSử Việt lên sân khấu cải lương tuổng cổ kịch, chờ bom tấn
Đoàn tuồng cổ Minh Tơ mong khơi lại cảm hứng về sử Việt
Diễn viên tham gia đa phần là nghệ sĩ chuyên nghiệp như Trọng Nghĩa, Hoài Thanh, chuông vàng vọng cổ Nguyễn Thanh Toàn, Hoàng Quốc Thanh, Lệ Trinh.
Trong vở, Dương Khôn phát huy sở trường với những màn múa rất được đầu tư. Nhất là cảnh Thục phán An Dương Vương đưa Mị Châu chạy trốn khỏi sự truy đuổi của quân Triệu Đà. Chiếc áo lông ngỗng được cách điệu trong bài múa tạo hình ảnh đẹp, ấn tượng.
Trước khi ra sân khấu có bán vé, có lẽ các nghệ sĩ sẽ tập ca diễn phối hợp với múa thật kỹ, nhịp nhàng hơn để đây trở thành màn diễn đắt giá của vở.
Được thầy Lê Nguyên Đạt động viên, Dương Khôn quyết định sau tốt nghiệp và đêm diễn ra mắt sẽ đưa vở Truyền tích Cổ Loa xưa tham gia liên hoan cải lương toàn quốc. Anh bảo: "Tôi là người yêu thích cải lương.
Lần đầu tiên dựng vở cải lương và "dám" thi thố ở một cuộc thi chuyên nghiệp, tôi không đặt nặng giải thưởng mà chỉ mong có thêm cơ hội được giao lưu, học hỏi, phát triển nghề".
Đăng thảo luận