Nga cho biết việc đưa Taliban ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố sẽ mở đường cho hợp tác thực tế với lực lượng đang nắm quyền ở Afghanistan.
"Bộ Ngoại giao Nga và Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) đang làm việc với các cơ quan chính phủ khác để chính thức xóa Taliban khỏi danh sách khủng bố. Giới lãnh đạo Nga đã đưa ra quyết định này", Zamir Kabulov, đặc phái viên của Tổng thống Nga về Afghanistan, hôm 4/10 cho hay.
Động thái này cần được tiến hành bằng nhiều thủ tục pháp lý. "Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong tương lai gần nhất", ông Kabulov nói thêm.
Người đứng đầu FSB Aleksandr Bortnikov cho biết việc đưa Taliban khỏi danh sách khủng bố sẽ mở đường cho "hợp tác thực tế" với nhóm này, trong đó có cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức và ISIS-K, nhánh của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Afghanistan. ISIS-K tuyên bố đứng sau vụ khủng bố nhà hát ở ngoại ô Moskva hồi tháng 3 khiến 145 người thiệt mạng.
Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Afghanistan Zamir Kabulov tại Moskva năm 2022. Ảnh: AFP
Nga đưa Taliban vào danh sách khủng bố hồi năm 2003 vì cho rằng nhóm này liên quan cuộc nổi loạn của người Hồi giáo ở Bắc Caucasus và cướp một máy bay dân sự của Nga vào năm 1995.
Thái độ của Moskva đối với Taliban bắt đầu thay đổi sau khi phần lớn những nhóm nổi loạn ở Nga bị dẹp trừ. Sự thay đổi này càng được củng cố hơn khi IS trỗi dậy ở Iraq và Syria từ năm 2014.
Khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan hồi tháng 8/2021, Nga là một trong những nước đầu tiên liên lạc và dần xây dựng mối quan hệ với nhóm này. Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 7 cho biết Taliban đang nắm quyền kiểm soát thực tế ở Afghanistan, cũng có nghĩa là "đồng minh của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố".
"Chúng tôi đánh giá cao phát biểu tích cực của quan chức cấp cao Nga về vấn đề này và hy vọng sẽ sớm thấy những bước đi hiệu quả hơn", Amir Khan Muttaqi, quan chức phụ trách đối ngoại của Taliban, phát biểu tại Moskva.
Chưa quốc gia nào chính thức công nhận Taliban là lực lượng lãnh đạo hợp pháp của Afghanistan, dù Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã chấp nhận đại sứ của Taliban.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi tháng 6 cho biết Nga sẽ chỉ công nhận chính quyền Taliban khi họ đáp ứng một số điều kiện, như cam kết chống buôn bán ma túy và khủng bố, cũng như "tôn trọng quyền cơ bản của tất cả các dân tộc ở Afghanistan".
Ông Lavrov cho rằng Mỹ nên trả lại tài sản bị tịch thu cho Afghanistan và phương Tây phải chịu trách nhiệm tái thiết đất nước này sau xung đột. Ngoại trưởng Nga cũng kêu gọi tăng viện trợ nhân đạo cho Afghanistan và cho biết Moskva sẽ tiếp tục gửi thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tới quốc gia này.
Huyền Lê (Theo Reuters, RT)
Đăng thảo luận