Ngân hàng Nhà nước dự kiến cho phép các nhà băng được cơ cấu hạn trả nợ tối đa 1 năm với khách vay bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.

Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định về cơ cấu hạn trả nợ hỗ trợ khách hàng khó khăn do thiệt hại của bão số 3. Chính sách này áp dụng cho người đi vay tại 26 tỉnh, thành phố gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa.

Theo đó, các ngân hàng có quyền cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ gốc, lãi dựa trên đề nghị của khách hàng và khả năng tài chính của chính nhà băng. Chính sách này chỉ áp dụng với dư nợ gốc phát sinh trước 7/9 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi từ 7/9 đến hết năm 2025.

Việc xem xét cơ cấu hạn trả nợ được thực hiện trong 3 tháng đầu tiên kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực và thời gian cơ cấu hạn trả không quá 1 năm. Thời điểm trả nợ cuối cùng của khoản vay được cơ cấu tùy theo mức độ khó khăn của khách hàng nhưng không được muộn hơn 31/12/2026.

Chính sách hoãn, giãn nợ theo các lãnh đạo nhà băng là rất cần thiết để hỗ trợ khách hàng chịu thiệt hại bởi bão Yagi. Bởi nhiều khách hàng chưa có dòng tiền vì thiệt hại nặng sau bão, nếu không trả nợ đúng hạn sẽ bị tự động nhảy nhóm, rơi vào nợ xấu và không tiếp cận được vốn mới. Do đó, cơ chế cho phép ngân hàng hoãn, giãn nợ sẽ giúp nhiều khách hàng không rơi vào nợ xấu một cách tự động và có thêm thời gian phục hồi.

Thời gian qua, 32 ngân hàng cũng đã công bố giảm 0,5-2% lãi suất cho cá nhân và hộ kinh doanh vay vốn chịu thiệt hại vì bão Yagi với tổng giá trị 405.000 tỷ đồng.

Tại hội nghị mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, cho biết theo đánh giá của các nhà băng, đến ngày 25/9, dư nợ bị ảnh hưởng của bão số 3 tại tất cả tỉnh thành lên tới 165.000 tỷ đồng. Số khách hàng chịu ảnh hưởng là hơn 94.000.

Bão Yagi, mưa lũ và sạt lở tại các tỉnh, thành phía Bắc gây thiệt hại về người, tài sản. Tổn thất sau bão cho các địa phương lên tới hơn 81.500 tỷ đồng và năm nay GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản trước đó. Trong đó, Quảng Ninh thống kê thiệt hại 25.000 tỷ đồng; Hải Phòng 12.300 tỷ đồng.

Quỳnh Trang