Phó giám đốc Khối nền tảng Trí tuệ nhân tạo Viettel AI Lê Đăng Ngọc nói về hệ sinh thái Viettel AI và công nghệ hàng đầu trong tham luận tại AI4VN 2024.
Viettel AI góp mặt tại AI4VN với phiên thảo luận "Ứng dụng AI trong tự động hóa thay thế các tác vụ truyền thống của con người", dưới sự trình bày của ông Lê Đăng Ngọc, Phó giám đốc Khối nền tảng Trí tuệ nhân tạo, Viettel AI.
Ông đưa tới sự kiện bức tranh hệ sinh thái của doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh vào 3 giải pháp được ứng dụng hiệu quả nhất hiện nay tại Viettel AI: giải pháp KYC tự động hóa xác minh danh tính khách hàng, OCR tự động hoá tác vụ xử lý giấy tờ hành chính và Cyberbot hỗ trợ giao tiếp và tương tác với khách hàng.
Ông Lê Đăng Ngọc, Phó giám đốc Khối nền tảng Trí tuệ nhân tạo, Viettel AI trong bài tham luận tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024. Ảnh: Giang Huy
Trong bài tham luận ông cho biết, Viettel AI hiện có hơn 300 nhân sự là những chuyên gia trình độ cao trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, 98% trình độ đại học trở lên, 13% là thạc sĩ, tiến sĩ và trên 80% có TOEIC 550 trở lên. "Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành công ty AI hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025, hướng đến mở rộng ra khu vực Châu Á vào năm 2035 với nền tảng đạt nhiều giải thưởng quốc tế nhờ công nghệ tiến bộ, đặc biệt trong việc giảm thiểu gian lận và cải thiện trải nghiệm khách hàng", ông Ngọc nói tại sự kiện, nhắc đến các giải thưởng như IT World Awards, Kaggle, AI City Challenge... mà Viettel nhận trong các năm gần đây.
Đại diện Viettel AI cho biết công nghệ eKYC của doanh nghiệp giúp tự động hóa quá trình xác thực danh tính khách hàng nhanh chóng và hiệu quả. eKYC (electronic Know Your Customer) là quy trình xác minh danh tính khách hàng điện tử nhằm thay thế cho phương thức xác minh thủ công truyền thống. Công nghệ này sử dụng các phương pháp kỹ thuật số để thu thập, xác thực và lưu trữ thông tin khách hàng.
Tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024, đại diện Viettel AI cho biết Công nghệ nhận diện khuôn mặt của doanh nghiệp lọt vào top 4 thế giới về nhận diện ở góc nghiêng, có độ chính xác và khả năng chống gian lận cao nhất.
Các chuyên gia và khách mời nghe phiên tham luận của đại diện Viettel AI tại sự kiện. Ảnh: Giang Huy
Với nền tảng trợ lý ảo tiếng Việt Viettel Cyberbot, công nghệ giúp nâng cao năng suất giao tiếp với khả năng xử lý 200 lần so với nhân viên thông thường và tỷ lệ hài lòng của khách hàng lên tới 96%, theo công bố của Viettel AI. Nền tảng này giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống tổng đài tự động qua Callbot và Chatbot, có thể ứng dụng đa ngành nghề để nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Cuối cùng là giải pháp OCR của Viettel AI - nhằm giúp tự động hóa việc xử lý hồ sơ, tiết kiệm thời gian, nâng cao độ chính xác, khả năng tự động nhập thông tin từ ảnh hoặc file scan trong kho dữ liệu.
"Ứng dụng giải pháp OCR của Viettel AI giúp giảm thời gian 50 lần so với thao tác thủ công, giảm 80% thời gian phê duyệt tài liệu, số hóa hàng triệu tài liệu trong kho dữ liệu chỉ trong vài ngày", Phó giám đốc Khối nền tảng Trí tuệ nhân tạo, Viettel AI cho biết. "Độ chính xác của công nghệ này đạt 99%, thời gian xử lý dưới 2 giây mỗi trang. Công nghệ này đã giúp nhiều tổ chức lớn ở Việt Nam nâng cao hiệu suất một cách vượt trội".
Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) 2024 diễn ra tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Hà Nội hôm 23/8, do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Báo VnExpress, Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) tổ chức với sự phối hợp của Câu lạc bộ Các Khoa - Viện - Trường Công nghệ thông tin -Truyền thông (FISU), bắt đầu từ năm 2018.
Sau 6 năm tổ chức, AI4VN trở thành diễn đàn quốc gia quan trọng, tập hợp nguồn lực thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, triển khai và ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Việt Nam giai đoạn 2020-2030.
Tuấn Vũ
Đăng thảo luận