Nỗi đau đáu tiếng đờn cổ của ba đã trở thành cảm hứng cho nhiều bức vẽ về cải lương đầy hoài niệm, đang trưng bày tại triển lãm cá nhân ‘Lặng lẽ một chặng đường’ của họa sĩ Cao Thị Được.

Họa sĩ Cao Thị Được đau đáu tiếng đờn cổ ngày nào của cha  第1张

Họa sĩ Cao Thị Được bên tại triển lãm Lặng lẽ một chặng đường - Ảnh: H.VY

Trưng bày từ nay đến 9-10 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, triển lãm Lặng lẽ một chặng đường nhận được nhiều tình cảm từ công chúng, đồng nghiệp và các thế hệ học trò của nữ họa sĩ.

Cùng với cải lương, nhiều câu chuyện đời thường thân thuộc và giàu cảm xúc cũng được gửi gắm qua hơn 100 bức sơn dầu đầy màu sắc, ghi dấu hành trình gần nửa thế kỷ đam mê hội họa của họa sĩ Cao Thị Được.

Nhật ký bằng tranh đậm màu ký ức

Bước vào triển lãm của cô Được là bước vào thế giới của những sắc màu rực rỡ như trong giấc mơ tuổi nhỏ, nhìn ngắm ký ức đời sống ngồn ngộn chảy trong từng bức vẽ.

Ở đó, tâm tình của một người mẹ, người vợ, người thầy, người con nhớ cha, người nữ họa sĩ say sưa với nghề… quyện chặt vào nhau, tạo nên những bức sơn dầu sống động và chân thực, vừa tương phản vừa hài hòa, vừa mãnh liệt vừa sâu lắng.

Những bức tranh mang đậm cá tính tác giả, một nữ họa sĩ U70 với phong thái tự do phóng khoáng, một giọng cười tươi giòn đầy sảng khoái và lối kể chuyện cởi mở, thân tình.

Họa sĩ Cao Thị Được đau đáu tiếng đờn cổ ngày nào của cha  第2张

Một bức tranh giàu cảm xúc đời thường của họa sĩ Cao Thị Được - Ảnh: H.VY

Sinh năm 1958 ở vùng quê hẻo lánh tỉnh Bến Tre, 4-5 tuổi cô đã mê vẽ. Đến 24 tuổi ra Mỹ Tho theo ngành sư phạm cô mới biết ở Sài Gòn có trường Mỹ thuật. Nhờ động viên từ cố họa sĩ Văn Đen, cô bỏ hết những gì đang có để đi học rồi trở thành họa sĩ, giảng viên kỳ cựu.

Có thể hình dung những thăng trầm của một cô gái tỉnh lẻ lên Sài Gòn học vẽ khi tuổi đã lớn, rồi lập gia đình, vừa dạy vẽ vừa tranh thủ giờ trưa chạy về nhà cho con bú, vừa nhín giờ khuya để thỏa đam mê… đến khi bạc tóc vẫn không ngừng vẽ.

Tác phẩm của cô Được, vì vậy, rất thực và rất đời. Bởi đó là tất cả những gì gắn liền với đời sống giàu trải nghiệm của chính cô. Không phô trương, chẳng khoe khoang, cứ lặng lẽ vẽ như viết nhật ký bằng tranh như thế.

Họa sĩ Cao Thị Được đau đáu tiếng đờn cổ ngày nào của cha  第3张

Tác phẩm Bóng thời gian của họa sĩ Cao Thị Được - Ảnh: H.VY

Từng ghi dấu ấn với mảng đề tài "sinh hoạt của dân tộc Chăm" suốt hơn 20 năm, đến 2008, dòng cảm xúc đưa cô quay về với hình bóng của ba, của má, của những kỷ niệm về một thời cải lương xưa và sông nước miền Tây.

Đây là tiếng đờn kìm của ba trong ánh đèn dầu giữa quê sông nước, đó là chân dung mẹ tảo tần nuôi chục đứa con, kia là nỗi nhớ ngôi đình cũ ngày xưa đào kép hay ghé hát tuồng cổ sân đình, và nhiều những chân dung phụ nữ, người bà người mẹ yêu thương hết mực vì con...

“Tranh của Cao Thị Được đậm tính tự sự về những câu chuyện đời thường, những điều thân thuộc trong cuộc sống, những nơi cô đã đi và gặp… tạo nên tính cách rất chân thực.

Hòa sắc trên tranh có độ tương phản mạnh, tươi tắn hài hòa, biểu đạt tính trang trí trong đường nét, mảng khối, chuyển động. Đây là nét riêng của họa sĩ. Tôi tin cô sẽ tiếp tục con đường của mình.” - họa sĩ Hứa Thanh Bình chia sẻ về người bạn lâu năm của mình.

Họa sĩ Cao Thị Được đau đáu tiếng đờn cổ ngày nào của cha  第4张

Họa sĩ Cao Thị Được bên chân dung hai con trai là nguồn động lực giúp cô làm được mọi thứ - Ảnh: H.VY

Một chặng đường lặng lẽ mà hạnh phúc

Vì sao là “lặng lẽ một chặng đường”? Vì bao năm nay, cô Được vẫn vẽ miệt mài, vẽ như là thở, vẽ cho riêng mình, lặng lẽ với những mảng màu, những nỗi niềm riêng.

Với cô, hạnh phúc được vẽ đền đáp hết thảy những thăng trầm gian nan trong đời.

"Tôi sử dụng tất cả thời gian có thể để cầm cọ, bước vào phòng vẽ như bước vào cõi thiền. Ở đó, tôi sống với chính mình, với những cảm xúc cần được giải bày. Tôi vẽ để thỏa mãn đam mê, để tìm về tâm thái an lạc.

Gần nửa thế kỷ, tôi đã vẽ lặng lẽ như thế, trong hạnh phúc." - Họa sĩ Cao Thị Được bộc bạch.

Cô cũng hạnh phúc vì lần triển lãm này đã gửi gắm được tình cảm về vùng đất phương Nam thời thơ ấu một cách đầy đủ nhất.

Ở đó có những vở cải lương xưa, có hình ảnh gia đình trong các buổi sinh hoạt đờn ca tài tử, có những phong cảnh Việt Nam mà cô đã đi vẽ ở khắp mọi miền, và cả những cảnh đẹp xứ người nơi cô có dịp đi giao lưu sáng tác...