Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu đặt ra là thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng 14 - 165%/năm, đạt mức tiêu thụ 1 - 1,1 triệu chiếc đến năm 2030.
Một dây chuyền sản xuất tại Nhà máy ô tô VinFast ở Hải Phòng - Ảnh: NAM TRẦN
Những năm qua sản lượng sản xuất, tiêu thụ ô tô chỉ ở quanh mức 300.000 đến hơn 400.000 xe mỗi năm.
Do đó việc tạo ra dung lượng thị trường đủ lớn là yếu tố cần thiết để thúc đẩy tiêu thụ ngành ô tô. Muốn vậy sản phẩm của ngành công nghiệp ô tô phải đáp ứng nhu cầu thị trường và có giá cả hợp lý.
Trong thực tế mỗi chiếc ô tô trước khi lăn bánh phải chịu các loại thuế và phí như: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), phí trước bạ, phí đăng ký, phí đăng kiểm, phí đường bộ và các loại phí bảo hiểm. Các chi phí từ thuế, phí này đang chiếm tỉ trọng lớn trong giá xe.
Thủ tướng: giảm 50% phí trước bạ ôtô, chưa đồng ý gia hạn nộp thuế thu nhập cá nhân
Miễn phí trước bạ, ôtô điện tại Việt Nam còn phải chịu những thuế phí nào khác?
Giảm chi phí giá xe cần có nhiều chính sách tổng hợp. Đó là chính quyền địa phương nơi có đại lý của các hãng ô tô cần hỗ trợ doanh nghiệp để giảm chi phí thuê đất, giảm thuế thu nhập cá nhân và các chi phí khác. Khi có hệ thống kinh doanh và dịch vụ phát triển, thị trường ô tô cũng sẽ được mở rộng.
Với ô tô dùng điện thuần túy (gọi tắt là ô tô điện - Pure electric vehicles) và ô tô Hybrid cắm sạc (Pluh-in Hybrid vehicles), cần miễn toàn bộ thuế TTĐB, thuế GTGT và lệ phí trước bạ nếu các mức thuế và phí này chưa được cắt giảm hết tại hạng mục tỉ lệ nội địa hóa trong nước.
Với các sản phẩm ô tô hoặc tổng thành (gồm động cơ, khung, buồng lái, thân xe...), phụ tùng ô tô xuất khẩu cần có chính sách để nhà sản xuất được hưởng một khoản hoàn trả từ Chính phủ, khoảng 5 - 10% giá FOB (Free On Board) tùy theo loại sản phẩm của mỗi đơn hàng xuất khẩu.
Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô cũng sẽ giúp giảm chi phí sản xuất ô tô. Do vậy cần thành lập và vận hành các cụm công nghiệp hỗ trợ ô tô đặt tại các địa phương đang có ưu thế.
Chẳng hạn cụm công nghiệp hỗ trợ tại Hải Phòng để phục vụ cho các doanh nghiệp như: VinFast, Ford... (Hải Dương), Jaecoo & Omoda và Lynk&Co & Geely (Thái Bình), Ô tô VAD, Ô tô Vinacomin (Quảng Ninh), Ô tô MAZ và Ô tô TMT (Hưng Yên).
Cụm sản xuất tại Vĩnh Phúc phục vụ cho Toyota, Honda, Daewoo, SRM (Bắc Ninh) và Hino (Hà Nội). Cụm sản xuất tại Ninh Bình phục vụ Hyundai Thành Công và VEAM (Thanh Hóa).
Cụm sản xuất tại Tam Kỳ (Quảng Nam) phục vụ cho THACO, TCIE (Đà Nẵng), Ô tô Kim Long và Haeco (Thừa Thiên Huế). Cụm sản xuất tại TP.HCM phục vụ Mercedes-Benz, Mitsubishi, SAMCO, Isuzu, Tracomeco, Suzuki...
Để phát triển các cụm công nghiệp hỗ trợ ô tô, trước hết cần xây dựng lộ trình cắt giảm thuế TTĐB, thuế GTGT và phí trước bạ theo tỉ lệ nội địa hóa (tính theo giá trị).
Chẳng hạn với ô tô có tỉ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên, các mức thuế này cần áp dụng 0% nhằm khuyến khích doanh nghiệp sử dụng linh kiện nội địa, góp phần thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ô tô sẽ phát triển.
Với tỉ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% trở nên, ô tô sản xuất - lắp ráp tại Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các nước thuộc các hiệp định thương mại tự do ATIGA, RCEP và CPTPP cũng sẽ tăng tính cạnh tranh, do được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%.
Bên cạnh đó cần có chính sách miễn phí chuyển giao công nghệ, miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT cho các trang thiết bị tại các nhà máy công nghiệp hỗ trợ ô tô. Các địa phương cũng nên có một gói các hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô đóng trên địa bàn.
Chẳng hạn miễn hoặc giảm tiền thuê đất trong 5 - 10 năm, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ hoặc cho thuê nhà giá rẻ cho cán bộ và công nhân làm việc; miễn hoặc giảm thuế TNDN và thuế thu nhập cá nhân cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô.
Về lâu dài, để phát triển ngành công nghiệp ô tô cần xây dựng một cơ quan quốc gia chuyên nghiên cứu và phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam.
Cơ quan này sẽ nghiên cứu, phát triển ngành ô tô theo từng giai đoạn, sản phẩm ô tô, linh kiện, phụ tùng phù hợp với thị trường; nghiên cứu, phát triển kỹ thuật - công nghệ trong công nghiệp hỗ trợ và lắp ráp ô tô. Từ đó đề xuất với Chính phủ về các chính sách để phát triển công nghiệp ô tô một cách bền vững dài hạn.
Đăng thảo luận