Chậm trễ trong công tác triển khai
Nhằm thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; khắc phục tồn tại, bất cập tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Từ ngày 1/8/2024, 3 bộ luật quan trọng: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS chính thức có hiệu lực thi hành (sớm hơn 5 tháng so với dự kiến).
Một dự án nhà ở trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Phạm HùngTheo đánh giá, việc sớm đưa các bộ luật này vào cuộc sống là phù hợp với chủ trương của Đảng; khắc phục tồn tại hạn chế nhất là trong công tác định giá, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường BĐS, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư về hạ tầng, nhà ở...
Theo Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải, từ giữa tháng 8/2024, ngay sau khi các bộ luật có hiệu lực thi hành, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến để quán triệt, phổ biến các nội dung của Luật Nhà ở, Luật Kinh BĐS, các văn bản quy định chi tiết 2 luật này (gồm 5 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 2 Thông tư của Bộ Xây dựng) và các quy định của pháp luật đất đai có liên quan đến việc phát triển nhà ở, kinh doanh BĐS.
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành một số văn bản: Văn bản số 837/2024/BXD-QLN đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình HĐND cùng cấp ban hành văn bản quy định một số nội dung đã được giao trong Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023; Văn bản số 5047/2024/BXD-QLN đề nghị các địa phương khẩn trương ban hành mới hoặc rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS theo thẩm quyền và tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của 2 luật này.
Vào cuối tháng 9/2024, Bộ Xây dựng tiếp tục có Văn bản số 5455/2024/BXD-QLN đôn đốc các địa phương khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành 2 luật theo thẩm quyền. Trong đó, 10 nội dung thuộc thẩm quyền hướng dẫn của địa phương (1 nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND và 9 nội dung thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh).
“Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 10/2024 mới chỉ có 13 địa phương ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở, gồm: Lào Cai, Lai Châu, Bắc Ninh, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Định, Tây Ninh, Cà Mau; còn lại 50 địa phương chưa ban hành, trong đó có tới 40 địa phương đang xây dựng hoặc đang trình lấy ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp” – Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS Hoàng Hải thông tin.
Chung tay để sớm đưa luật vào cuộc sống
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù dưới áp lực rút ngắn thời gian có hiệu lực triển khai các bộ luật là 5 tháng so với dự kiến ban đầu. Nhưng các bộ, ngành đã rất chủ động, quyết tâm, tập trung mọi nguồn lực để khẩn trương xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành... để kịp thời ban hành và có hiệu lực đồng thời với luật tạo sự thống nhất, đồng bộ và căn cứ pháp lý cho việc triển khai thi hành được thuận lợi, phát huy hiệu quả tiến bộ của những chính sách mới.
“Tuy nhiên, tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật theo thẩm quyền của HĐND và UBND cấp tỉnh ở các địa phương vẫn còn rất chậm; nhiều địa phương công tác chuẩn bị điều kiện: tổ chức bộ máy, biên chế, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu... chưa được bảo đảm. Trong khi nhiều địa phương khác lại tỏ ra “lúng túng” đối với việc xây dựng và ban hành quy định chi tiết về Bảng giá đất phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn, để áp dụng cho đấu giá quyền sử dụng đất và xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024...” – Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho hay.
Số liệu báo cáo từ Bộ Xây dựng cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2023 cả nước có 3.363 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị được phê duyệt chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đáng nói, trong đó có tới trên 1.200 dự án bị vướng mắc về pháp lý và các thủ tục liên quan dẫn đến việc bị chậm triển khai. Sau khi Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ Công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thì đến nay đã có trên 800 dự án đã được tháo gỡ và đang tích cực tái khởi động.
Theo TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, các bộ luật sửa đổi, bổ sung với nhiều quy định mới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ cơ bản những khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS suốt hơn 10 năm qua. Đặc biệt, khi Chính phủ quyết tâm đề xuất với Quốc hội đưa các bộ luật mới vào thực thi sơm 5 tháng so với dự kiến nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ DN và người dân. Bởi những quy định mới khi được triển khai sẽ góp phần quan trọng vào việc hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai, thao túng thị trường, để góp phần lành mạnh hóa thị trường BĐS, bình ổn giá bán và giải quyết được nhu cầu thực về nhà ở cho những đối tượng yếu thế, thu nhập thấp trong xã hội...
“Hiện nay cộng đồng DN, nhà đầu tư và đông đảo Nhân dân đều rất mong đợi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS sớm được áp dụng vào thực tế để tạo thêm điều kiện và động lực phát triển của thị trường BĐS nói riêng và công tác quản lý đất đai nói chung. Những văn bản dưới luật (Nghị định, Thông tư) đã có, vì vậy các địa phương cần phải nhanh chóng hoàn thiện việc ban hành các văn bản thực hiện theo thẩm quyền; Chính phủ cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của mỗi địa phương trong việc thực hiện công việc này” – TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhìn nhận.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, diễn ra tại Hà Nội ngày 8/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng yêu cầu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các địa phương trong việc chậm ban hành các quyết định theo thẩm quyền. Đồng thời, đề xuất rõ những khó khăn, vướng mắc cần Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tháo gỡ, giải quyết;
Phía bộ, ngành, cơ quan, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải có trách nhiệm chung tay hướng dẫn các địa phương tháo gỡ, giải quyết. Mục tiêu cuối cùng là tăng tốc để hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS để đáp ứng yêu cầu hết sức cấp bách, cần thiết của cuộc sống nhằm tháo gỡ khó khăn, đưa ra những chính sách tốt hơn.
Việc các bộ luật sửa đổi, bổ sung (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS) có hiệu lực thi hành sớm hơn so với dự kiến, đã thể hiện sự “đột phá” trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về thể chế, để khẩn trương giải quyết những khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS, mà trước đó chưa từng có tiền lệ. Khi thị trường BĐS thoát khỏi khó khăn sẽ giúp cải thiện hoàn toàn môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng đến những mục tiêu lớn của đất nước và giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững. Vì vậy việc nhanh chóng ban hành các quy định chi tiết để triển khai thực thi luật mới là rất cấp thiết.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu
Đăng thảo luận