Cà MauQuách Thanh Tuấn, 40 tuổi cùng đồng phạm thừa nhận đã sơn, sửa tàu cá Việt Nam thành tàu Malaysia để đưa sang nước bạn đánh bắt hải sản trái phép.

Ngày 30/9, TAND tỉnh Cà Mau xét xử lưu động, tuyên phạt Tuấn; Nguyễn Văn Công, 49 tuổi; Nguyễn Văn Phu, 46 tuổi; Dương Hoàng Giang, 55 tuổi, mức án lần lượt là 7, 6, 5 và 3 năm tù về tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự nhà nước về xuất nhập cảnh và khai thác thủy sản trên vùng biển, nên cần có hình phạt tương xứng.

'Biến' tàu Việt Nam thành nước ngoài để đánh bắt trái phép  第1张

Quách Thanh Tuấn (thứ 2, bên trái) và các đồng phạm bị xét xử lưu động sáng nay. Ảnh: An Minh

Tại tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Theo đó, đầu năm 2023, Tuấn móc nối với Salam (37 tuổi, sống tại Malaysia) hợp thức hóa hồ sơ cho tàu cá của mình thành tàu của Malaysia để đưa sang nước bạn đánh bắt hải sản. Salam báo chi phí 380 triệu đồng, yêu cầu Tuấn cung cấp thông tin kỹ thuật về tàu và tìm 5 người có hộ chiếu để đăng ký thuyền viên.

Đến tháng 6/2023, Tuấn được Salem thông báo đã hoàn tất giấy tờ đăng ký biến tàu Việt Nam thành tàu Malaysia và hướng dẫn sửa chữa tàu cho phù hợp với hồ sơ để không bị cơ quan chức năng nước bạn phát hiện.

Tuấn sau đó giao Nguyễn Văn Công làm thuyền trưởng và tìm 7 ngư phủ. Trong đó có 3 người không cần giấy tờ tùy thân, không cần làm thủ tục xuất cảnh là Bùi Văn An, Danh Vui, Nguyễn Hoàng Nhân; 4 người có hộ chiếu xuất cảnh bằng đường hàng không là Bùi Văn Nhàn, Lâm Văn Tâm, Nguyễn Thanh Tú Quyên, Trần Văn Dễ.

Cùng thời điểm này, Tuấn liên hệ với Dương Hoàng Giang để chạy tàu cá qua Malaysia giao cho Công với mức phí 10 triệu đồng.

Ngày 9/8/2023, Tuấn yêu cầu Công điện thoại cho 3 ngư phủ không có giấy tờ tùy thân, đưa họ xuống tàu đi sang Malaysia. Giang đã tháo thiết bị giám sát hành trình của tàu, gửi đò mang vào bờ, sau đó điều khiển tàu cá đến vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia. Tại đây, nhóm ngư phủ đã sơn lại cabin, đổi số hiệu tàu cá rồi di chuyển đến Cảng Đỏ của Malaysia đậu, chờ Công và 4 người khác.

Ngày 24/8/2023, Tuấn đưa Công và 4 người có giấy tờ tùy thân đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) để qua Malaysia. Nhận tàu xong, Công lái tàu đã được hợp thức hóa đi đánh bắt, còn Giang đi nhờ tàu về Việt Nam.

Đến giữa tháng 12/2023, 4 ngư phủ không làm nữa nên quá giang tàu vận tải về Việt Nam. Do thiếu người đánh bắt, Tuấn nhờ Nguyễn Văn Phu (làm nghề môi giới cho ngư phủ đi biển) tìm 5 người xuất cảnh trái phép sang Malaysia thay thế, ứng trước cho mỗi người 40 triệu đồng. Vài tháng sau, thêm 5 ngư phủ khác cũng được đưa ra tàu của Tuấn bằng cách này.

Ngày 8/7, lực lượng cảnh sát biển phát hiện tàu cá do Công làm thuyền trưởng từ vùng biển Malaysia về vùng biển Việt Nam, có 12 ngư phủ, không có thiết bị giám sát hành trình, chỉ có một bộ giấy tờ chữ nước ngoài nên tạm giữ. Vụ việc được chuyển cho Công an tỉnh Cà Mau điều tra.

Tổng cộng tàu cá do Công điều khiến đã vào Cảng Đỏ, Malaysia bán hải sản 21 lần, với tổng số tiền khoảng 27.631 RM (khoảng 100 triệu đồng); về vùng biển Việt Nam bán hải sản 4 lần được khoảng 3 tỷ. Mỗi lần tàu chạy đến khu vực chồng lấn với Việt Nam thì Công chỉ đạo ngư phủ sơn lại cabin và thay đổi số hiệu phương tiện để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng Việt Nam.

An Minh