Đô thị hoá nhanh đặt ra nhiều nguy cơ!
Thưa ông, sau đợt bão và mưa lớn sau bão vừa qua, nhiều đô thị ở miền Bắc ngập lụt nghiêm trọng. Ông có thể phân tích nguyên nhân của tình trạng này?
Hiện nay, khí hậu toàn cầu biến đổi rất mạnh. Nhiệt độ nước biển tăng lên, dâng cao, cung cấp thêm năng lượng cho các trận bão, làm cho mưa bão thêm cực đoan. Diện tích và chất lượng rừng đang suy giảm càng khiến nhiệt độ Trái đất, nước biển tăng lên.
Các đô thị, siêu đô thị do con người xây dựng cũng góp phần làm cho khí hậu Trái đất biến đổi. Chúng ta có thể nhận thấy, nhiệt độ trung bình ở đô thị có thể chênh 1 - 2 độ với vùng nông thôn. Rồi chất thải sinh hoạt tăng lên, mật độ phương tiện giao thông dày đặc, bê tông hoá khắp nơi… Tất cả điều đó tạo nên trạng thái cực đoan của khí hậu. Bão lớn hơn, mưa lớn hơn, hạn hán cũng khốc liệt hơn.
Đối với các đô thị, tác động của mưa bão có thể gây ra ngập lụt. Điều này có phần do quy hoạch. Khi anh “cứng hoá” tất cả mặt đất, diện tích cây xanh, lòng sông bị thu hẹp, dẫn đến áp lực cho tiêu, thoát nước.
Trước đây, diện tích mặt đất có thể ngấm nước được khoảng 30%. Nhưng khi bê tông hoá rồi, toàn bộ lượng mưa xuống sẽ tạo thành dòng chảy. Hạ tầng ngay lập tức chưa thể đáp ứng được, trong khi mưa cực đoan diễn ra nhiều.
Nhà cửa ven sông Hồng ở gần chân cầu Long Biên ngập trong nước lũ. Ảnh: Trường Phong
Ví dụ như ở ĐBSCL, trong nghiên cứu vài năm gần đây, những trận mưa lớn đã tăng 9 - 17% tổng lượng mưa. Hệ thống tiêu thoát nước chưa nâng cấp, trong khi chúng ta liên tục mở rộng đô thị, thì hệ thống thoát nước không đáp ứng được.
Ở TPHCM, khi làm việc với thành phố, chúng tôi cũng nói, về vĩ mô, kênh mương của thành phố có thể đáp ứng được việc tiêu, thoát nước, nhưng còn nước có ra được kênh, mương hay không thì lại là chuyện khác. Cứ hình dung, cùng một căn phòng, nếu đô thị hoá một nửa, thì tiêu thoát nước cần đường ống đường kính 30cm. Nhưng khi chúng ta đô thị hoá cả căn phòng, trong khi đường ống vẫn thế, và kéo dài hơn, thì không thể đáp ứng được. Trong khi đó, lượng mưa lại tăng hơn.
Như ở thành phố Hà Nội, theo nghiên cứu, lượng mưa trung bình đã tăng lên rất nhiều. Chưa kể tác động tiêu cực của tăng bê tông hoá đô thị. Việc này đặt ra vấn đề cần xem xét về chiến lược quy hoạch đô thị, chúng ta cứng hoá đến đâu, cứng hoá những chỗ nào.
Tất nhiên, ở thành phố, bê tông hoá để tăng diện tích phục vụ người dân, như tăng diện tích đỗ xe, tuy nhiên, cần xem xét có phải cứng hoá nhiều không, hay là chỉ dùng gạch tự chèn như trước đây, để tăng hệ số thẩm thấu nước. Đô thị cũng cần nhiều cây xanh hơn, góp phần làm giảm nhiệt độ trung bình của đô thị… Tôi nghĩ rằng, cần rà soát, xem xét tổng thể quy hoạch đô thị, giao thông, tiêu thoát nước… để xử lý căn cơ vấn đề này.
An toàn thoát lũ là ưu tiên số 1
Như ông vừa nói, sau đợt bão lũ vừa qua, chúng ta có cần xem xét lại một số quy hoạch để chủ động ứng phó. Ví dụ như thành phố Hà Nội đã thông qua Quy hoạch sông Hồng trên địa bàn thành phố, thưa ông?
Nguyên tắc lớn nhất khi thực hiện quy hoạch liên quan đến một con sông là phải đảm bảo tiêu chí thoát lũ, bởi nó liên quan đến phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trước hết, trên hết, sau đó mới tính tới các yếu tố phát triển kinh tế - xã hội. Tiêu chí đó là không được bỏ.
Khi còn công tác tại Bộ NN&PTNT, theo tôi được biết, tiêu chuẩn thoát lũ của đồng bằng sông Hồng khi về đến Sơn Tây (TP Hà Nội) là 28.000 mét khối/giây, trong đó đổ vào sông Hồng là 20.000 mét khối/giây; sông Đuống là 8.000 mét khối/giây. Như vậy là cơ bản đảm bảo được.
Ngoài ra, chúng ta cũng có dự phòng thoát lũ sang sông Đáy, hiện nay có thể đảm bảo được 2.500 mét khối/giây. Trước đây, chúng ta cũng quy hoạch một số vùng chậm lũ, sau này do điều tiết được nước từ thượng nguồn, nên một số vùng không còn nằm trong quy hoạch.
GS.TS Đào Xuân Học – nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT“Quy hoạch sông Hồng, như tôi đã nói ở trên, hành lang thoát lũ phải đảm bảo không được vi phạm, để đáp ứng quy hoạch thoát lũ khoảng 28.000 mét khối/giây. Khu vực này không được động đến, đó là nguyên tắc. Còn khu vực ngoài hành lang thoát lũ, có thể tính toán, từ bờ sông đến khu vực nào, khoảng bao nhiêu mét thì có thể trồng hoa, có thể bố trí các hạng mục đáp ứng nhu cầu văn hoá, vui chơi giải trí của người dân”.
GS.TS Đào Xuân Học – nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
Quay lại với Quy hoạch sông Hồng, như tôi đã nói ở trên, hành lang thoát lũ phải đảm bảo không được vi phạm, để đáp ứng quy hoạch thoát lũ khoảng 28.000 mét khối/giây. Khu vực này không được động đến, đó là nguyên tắc.
Còn khu vực ngoài hành lang thoát lũ, có thể tính toán, từ bờ sông đến khu vực nào, khoảng bao nhiêu mét thì có thể trồng hoa, có thể bố trí các hạng mục đáp ứng nhu cầu văn hoá, vui chơi giải trí của người dân. Những khu này có thể không được xây dựng, những năm lũ lớn đương nhiên có thể bị ngập. Khu vực nào được xây dựng, người dân có thể ở, cụ thể bố trí ra sao cần phải tính toán, phối hợp với bên quản lý đê điều.
Nhưng cần xem bãi sông là một nguồn lực, đáp ứng được nhiều vấn đề về văn hoá, kinh tế - xã hội khi không có lũ lớn. Tham khảo kinh nghiệm của một số nước, họ di dân ở những khu vực sát sông, làm một “siêu đê” rộng vài trăm mét, trên thân đê cho người dân xây dựng nhà cửa, công trình, vừa đảm bảo đời sống người dân, không cần phải lo lũ lụt nữa…
Nghiên cứu vấn đề “tràn sự cố” hồ, đập
Vừa qua, cũng có những lo ngại liên quan đến hồ, đập phía thượng nguồn các dòng sông khi nước lũ về quá lớn. Theo ông, cần làm gì để chủ động ứng phó với tình huống này?
Sau đợt mưa lũ vừa qua, chúng ta có thể thấy, an toàn hồ, đập, đặc biệt là đập thuỷ điện là một vấn đề rất đáng lưu ý. Trường hợp hồ Thác Bà là một ví dụ điển hình. Đây là hồ điều tiết nhiều năm, tức là trong nhiều năm mới có một năm đầy hồ. Vậy mà vừa qua, lượng nước về nhiều gấp mấy lần so với năng lực xả của hồ.
Kinh nghiệm từ các nước, với những trường hợp tương tự, họ có quy định về “tràn sự cố” để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du phía dưới hồ. Liên quan đến bão, lũ, thiên tai, không được chủ quan, bởi đôi khi có sự cố không nói trước được. Cũng không ai có thể khẳng định các hồ đập phía thượng nguồn không bao giờ xảy ra sự cố.
Có ý kiến cho rằng, nếu nguy cơ cao thì có thể phá đập, nhưng không đơn giản thế. Không phải phá đập khoảng 1 mét là giữ được 1 mét. Đập nước như thế, chỉ cần lỗ rò rỉ bằng lỗ chuột thôi đã tàn phá công trình rất nhanh rồi. Đến lúc có dòng chảy, nó sẽ phá vỡ hết kết cấu, rất nguy hiểm. Hàng tỷ, hàng triệu mét khối nước đổ xuống hạ du là cả một vấn đề rất lớn. Quan trọng hơn, nó tạo thành cột nước, phá huỷ rất khủng khiếp.
Vì thế, bây giờ, ngay cả các tuyến đê, rồi các hồ đập rất cần có thiết kế về “tràn sự cố”. Khi lũ bất thường, chúng ta có thể cho tràn qua đó. Sau đợt lũ này, tôi nghĩ phải rà soát, nghiên cứu về vấn đề này. Các nước họ đều làm như vậy. Lúc đó, chỉ cần di dân, sau đó chủ động cho “tràn sự cố” để đảm bảo an toàn cho công trình, đảm bảo an toàn cho cả vùng hạ du.
Trân trọng cảm ơn ông!
Xem nhiềuXã hội
Điều động, bổ nhiệm, chuẩn y cán bộ ở công an 5 tỉnh thành
Xã hội
Đại tướng Phan Văn Giang: Có thể dùng phà chuyên dụng khi chưa thể lắp cầu phao Phong Châu
Xã hội
Sạt lở taluy cao hàng chục mét trên đèo Prenn Đà Lạt
Xã hội
Ban Bí thư Trung ương Đảng chuẩn y nhân sự 2 tỉnh
Nhịp sống phương Nam
Đăng thảo luận