(NLĐO) - Lễ giao thừa hay còn gọi là lễ Trừ tịch, tiễn đưa năm cũ, đón năm mới là truyền thống của người Việt. Dưới đây là nghi thức và bài khấn cúng giao thừa chi tiết
Theo tục lệ, lễ cúng giao thừa được cử hành vào đúng thời khắc kết thúc năm cũ, chuyển sang năm mới.
Mâm cúng giao thừa của người miền Nam và miền Bắc thường khác nhau. Nếu như người miền Nam thường cúng có bánh tét, mứt gừng thì người miền Bắc lại cúng xôi gấc, gà luộc, mâm quả, trà bánh.
Đúng thời điểm giao thừa, các gia đình thắp hương trời phật, ông bà tổ tiên để cùng đón năm mới an khang thịnh vượng.
Sách Lịch Trạch Cát Dụng Sự Năm 2024 do tác giả Nguyễn Trọng Tuệ biên soạn có lưu ý khi tế lễ ngoài trời thì nên bày mâm cúng về một trong các phương (Đông Nam) Thần tài hoặc (Đông Bắc) Hỷ thần để gặp nhiều may mắn
Dưới đây là nghi thức và bài khấn cúng giao thừa
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Kính lạy:
Đức Đương Lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật,
Hoàng Thiên Hậu Thổ Chư Vị Tôn Thần;
Ngài Cựu niên Trịnh Vương Hành khiển, Thạch Tinh hành binh chi thần, Liễu Tào phán quan;
Ngài Tân niên Sở Vương Hành khiển, Hỏa Tinh hành binh chi thần, Biểu Tào phán quan;
Ngài bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương,
Các ngài bản xứ Thần Linh Thổ Địa, ngài định phúc Táo Quân;
Các ngài địa chủ long mạch tôn thần và tất cả các Thần linh cai quản trong khu vực.
Nay là giờ phút giao thừa năm Quý Mão sang năm Giáp Thìn
Chúng con là:...
Ngụ tại:...
Phút thiêng liêng giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới, Tam Dương khai thái, vạn tượng canh tân. Nay Ngài Thái tuế chí đức Tôn Thần, trên vâng mệnh Thượng Đế, giám sát vạn dân; dưới bảo hộ sinh linh, tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về chầu cửa khuyết, lưu phúc, lưu ân. Quan mới xuống thay thế, thế đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc. Nhân buổi tân xuân, chúng con thành tâm sửa biện hương hoa vật phẩm nghi lễ cúng trần, dâng lên trước án. Cùng dâng Phật Thánh, dâng hiến tôn thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con thành khẩn kính mời:
Ngài Cựu niên Trịnh Vương Hành khiển, Thạch Tinh hành binh chi thần, Liễu Tào phán quan.
Ngài Tân niên Sở Vương Hành khiển, Hỏa Tinh hành binh chi thần, Biểu Tào phán quan.
Ngài bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương.
Ngài bản xứ thần linh Thổ Địa, ngài định phúc Táo Quân
Các ngài địa chủ long mạch tôn thần và tất cả các thần linh cai quản trong khu vực này.
Cúi xin Giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho chúng con: Minh niên khang thái, trú dạ cát tường. Độ cho chúng con mọi duyên thuận lợi, công việc hanh thông, nhân khang vật thịnh, người người được chữ bình an, tháng ngày được hưởng phần lợi lộc. Âm phù - Dương trợ, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm. Bốn mùa không hạn ách nào xâm phạm, tám tiết có điềm lành tiếp ứng.
Giải tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
TS Trần Long, Giảng viên khoa Văn hóa học, trường ĐH KHXH & NV TP HCM, cho biết theo phong tục cổ truyền, cúng tất niên sẽ được cúng ngày 30 Tết hoặc ngày cuối cùng của năm (nếu không có ngày 30). Tuy nhiên, ngày nay do yêu cầu công việc làm ăn, nhiều gia đình chọn ngày phù hợp để tổ chức tất niên, từ khoảng 23 tháng Chạp đến đêm giao thừa.(*)Thông tin mang tính chất tham khảo
Đăng thảo luận