Hồi hộp như xem chung kết bóng đá
Một họa sĩ đã bình luận như vậy khi cuộc đấu giá bắt đầu. Họa sĩ Trần Lưu Mỹ từng nói: Tranh ế ở xưởng vẽ thì kệ, không quan tâm. Tranh đấu giá trên fanpage báo Tiền Phong, bao nhiêu người theo dõi thì quá căng thẳng. Họa sĩ Đỗ Thuý Hằng, phu nhân danh họa Đặng Xuân Hoà, nhắn tin hỏi phóng viên Tiền Phong: “Tôi không dám bấm vào link để theo dõi đấu giá. Tranh của tôi bán được chưa?”. Khi nhận được tin vui, Đỗ Thuý Hằng trải lòng: “Tôi đã nghĩ nếu tranh không bán được thì sẽ đóng góp ủng hộ đồng bào vùng lũ thông qua báo Tiền Phong”. Số tiền họa sĩ Đỗ Thuý Hằng định đóng góp nếu không bán được tranh ngang số tiền thu được từ đấu giá tác phẩm của chị: “Góc bình yên”, 40 triệu đồng.
Họa sĩ Phan Minh Châu gọi ngay cho phóng viên trong đêm khi cuộc đấu giá đang diễn ra: “Bạn ơi, tranh của tôi có người mua rồi. Vui lắm!”. Nữ họa sĩ thú nhận chị bị căng thẳng. Bình thường, Phan Minh Châu sống thong dong, mở triển lãm cá nhân chị vẫn hát hò vui vẻ, không quan tâm nhiều đến chuyện bán tranh. Nhưng Phan Minh Châu bị áp lực khi nhập cuộc đấu giá tranh trực tuyến vì mục đích thiện nguyện. Đây là lần đầu tiên, con dâu của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tham gia đấu giá tranh trực tuyến.
Sau cơn mưa chiều của họa sĩ Phạm Luận
Còn nhiều câu chuyện đằng sau bức tranh khiến người được giao nhiệm vụ kết nối với họa sĩ như tôi muốn rơi nước mắt. Điêu khắc gia nổi tiếng Phạm Văn Hạng hào phóng tặng tác phẩm trừu tượng kích thước lớn, mong muốn được chia sớt với đồng bào đang khổ đau vì thiên tai. May mắn tác phẩm này được nhà sưu tập Brian Nguyen ở thành phố Hồ Chí Minh đặt lệnh mua ngay: 60 triệu đồng. Điêu khắc gia vui mừng khôn xiết vì nguyện vọng được chung tay khắc phục hậu quả siêu bão Yagi đã thành. Ông bèn đổi vé máy bay ra Đà Nẵng để chờ đợi người mua tranh đến nhà ông nhận tác phẩm, chỉ khi trao xong tác phẩm ông mới thảnh thơi ra miền Trung rồi ra Bắc. Điêu khắc gia còn dặn dò người mua tranh: “Nhớ mang ảnh chụp tranh trên cuộc đấu giá trực tuyến đến nhà tôi so sánh với tác phẩm ở ngoài đời” . Tư cách, tự trọng của một nghệ sĩ không cho phép ông tặng một tác phẩm không xứng tầm cho một cuộc đấu giá tranh vì mục đích thiện nguyện. Ông dám cam kết chất lượng tác phẩm trên ảnh như ngoài đời.
Chiều vàng của họa sĩ Đào Hải Phong
Góc bình yên của họa sĩ Đỗ Thuý Hằng
Một trong những tác phẩm được nhiều nhà sưu tập mong muốn sở hữu chính là Sau cơn mưa chiều của họa sĩ Phạm Luận. Tranh Phạm Luận ăn khách vốn không có gì lạ nên gây sốt ở cuộc đấu giá này cũng không bất ngờ. Nhưng họa sĩ vẫn vui mừng và cảm động khi tác phẩm được đón nhận nhiệt tình. Ông gọi điện chia sẻ: “Tôi sẽ đi làm khung cho tranh để tặng nhà sưu tập một cách trang trọng”. Đấu giá tranh chỉ bán tranh, không bán khung nhưng Phạm Luận muốn “đứa con tinh thần” của mình hoàn hảo nhất khi ra khỏi xưởng vẽ của ông. Đó là một cách ông trân trọng chính nghề nghiệp của mình và trân trọng người đã yêu mến tác phẩm.
Mục đồng của họa sĩ Từ Ninh
Cuộc đấu giá tranh trực tuyến vì mục đích thiện nguyện chỉ định dừng ở 18 tác giả và 21 tác phẩm nhưng sau cùng con số đã tăng lên 22 tác giả và 24 tác phẩm. Làm sao có thể từ chối những họa sĩ muốn chung tay khắc phục hậu quả siêu bão Yagi? Họa sĩ Từ Ninh, con trai của cố nhà văn Kim Lân, từng tặng tranh trong cuộc đấu giá tranh trực tuyến vì trẻ em trong đại dịch COVID - 19 do báo Tiền Phong tổ chức năm 2021. Bức tranh nhỏ của anh đấu giá thành công. Lần này, được giao nhiệm vụ kết nối các họa sĩ, tôi cũng muốn mời Từ Ninh tham gia. Nhưng đúng lúc ấy lại nghe tin chiếc thuyền trên sông được con gái anh mở quán cà phê bị siêu bão chạy qua Hà Nội đánh tả tơi. Tôi không muốn phiền anh khi anh còn đang bận khắc phục hậu quả siêu bão. Nhưng trước thềm đấu giá hai ngày, Từ Ninh gọi điện cho tôi và trách: “Sao cô không nói để tôi tham gia? Tiền tôi không có nhưng tôi có tranh”. Lập tức Từ Ninh chuyển hình ảnh của mấy tác phẩm hội họa cho tôi lựa chọn. Họa sĩ Nguyễn Thắng cũng gọi điện cho phóng viên, muốn được đóng góp vào chương trình thiện nguyện. Nhà anh cũng chịu tác động mạnh của siêu bão, điện mất, nước mất, mất liên lạc... Sau vài ngày sửa nhà vào một buổi tối, Nguyễn Thắng gửi tác phẩm cho tôi. Vốn theo dòng trừu tượng khá kén khách, để đạt hiệu quả cao trong cuộc đấu giá trực tuyến, Nguyễn Thắng đã gửi một bức tĩnh vật dễ cảm với giá mềm mại: 12 triệu đồng. Hầu hết giá của các tác phẩm tham gia đấu giá trực tuyến vì mục đích thiện nguyện trên báo Tiền Phong đều thấp hơn giá trên thị trường. Từ những tên tuổi “lão làng” như Phạm Văn Hạng, Đoàn Văn Nguyên… các tác giả đình đám như Phạm Luận, Phạm An Hải… đều chủ động hạ giá tác phẩm, để cuộc đấu giá diễn ra thuận lợi, cũng là một hình thức chia sẻ với khó khăn về tài chính của nhà sưu tập trong tình hình kinh tế hiện nay.
Sôi nổi, tưng bừng và tiếc nuối
Bảo tàng Quang San có ngàn bức tranh, cả những tác phẩm triệu đô đến những tác phẩm của các cây cọ trẻ nhưng vẫn tham gia đấu giá. Hội Long Vân 3 của Phan Minh Bạch được Bảo tàng Quang San đặt lệnh mua ngay. Bảo tàng mỹ thuật tư nhân nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh còn tham gia đấu giá tác phẩm Góc bình yên của họa sĩ Đỗ Thuý Hằng, tác phẩm Mẹ và con của nữ họa sĩ Kim Thái, tác phẩm Sen của họa sĩ Đỗ Đức. Chính sự tham gia của Bảo tàng Quang San khiến cuộc đấu giá trở nên hấp dẫn. Nhà sưu tập Đức Vinh (thành phố Hồ Chí Minh) đã đặt lệnh mua ngay tác phẩm Góc bình yên của họa sĩ Đỗ Thuý Hằng, chiến thắng Bảo tàng Quang San. Ngược lại, nhà sưu tập Tạ Tuyên (Hà Nội) than: “Vừa họp xong vào xem đấu giá đã thấy mình bị Bảo tàng Quang San đánh bay, tuột mất bức Hội Long Vân 3 tiếc quá!”.
Tự cảm của họa sĩ Phạm Văn Hạng
Nhà sưu tập Phùng Thị Thu Thủy ở thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp ủng hộ những cuộc đấu giá tranh trực tuyến vì mục đích thiện nguyện do báo Tiền Phong tổ chức. Bà chủ Gallery Peony & Iris đánh giá: Hoạt động đấu giá tranh trực tuyến chung tay đẩy lùi hậu quả siêu bão Yagi do báo Tiền Phong tổ chức rất kịp thời và ý nghĩa. Bà là một trong những nhà sưu tập đầu tiên mở hàng cho cuộc đấu giá tranh lần này. Kết thúc cuộc đấu giá nữ doanh nhân yêu hội họa Việt Nam sở hữu hai tác phẩm: Trên sông của nhà văn, họa sĩ Đặng Lưu San và Hoa của nhà báo, nhà văn, họa sĩ, nghệ sĩ thị giác Lê Anh Hoài.
Nhà sưu tập Nguyễn Thị Vân Hồng đã vượt qua nhiều nhà sưu tập khác để sở hữu bức Sau cơn mưa chiều của họa sĩ Phạm Luận. Chị Vân Hồng từng mua nhiều tác phẩm của họa sĩ Phạm Luận, có những tác phẩm hơn chục ngàn USD. Nhưng nhìn thấy Sau cơn mưa chiều chị mê ngay. Nhà sưu tập cũng muốn ủng hộ báo Tiền Phong trong một hoạt động nhân văn nên chị quyết tâm đặt lệnh khi cuộc đấu giá mở ra ở phút đầu tiên.
Nếu ví đấu giá tranh trực tuyến như trận đấu bóng đá thì bất ngờ xảy ra cũng là điều bình thường. Bất ngờ và tiếc nuối lại tạo nên hấp dẫn. Trong 9 tác phẩm chưa tìm được chủ qua 24 giờ đấu giá có thể gặp những tên tuổi của dòng trừu tượng như Trần Hải Minh hay Trần Lưu Mỹ. Còn có tác phẩm của Tào Linh, Hồng Quân, Giáng Vân, đều là những cái tên quen thuộc của làng văn nghệ. Người tặng bức tranh to nhất, giá bán cao nhất trong cuộc đấu giá, 110 triệu đồng, cũng không được suôn sẻ. Họa sĩ 8x Trần Lâm Bình chúc mừng thành công của cuộc đấu giá và ngậm ngùi: “Muốn đóng góp cho đồng bào vùng lũ mà lỡ mất cơ hội”. Lỡ mất cơ hội lần này song vẫn còn những cơ hội khác, bởi hoạt động thiện nguyện vì bà con vùng lũ vẫn đang tiếp tục. Chỉ mong các họa sĩ giữ mãi tấm lòng.
15 tác phẩm chiến thắng trong đấu giá tranh trực tuyến
Chiều vàng của họa sĩ Đào Hải Phong; Góc bình yên của họa sĩ Đỗ Thuý Hằng; Mẹ và con của họa sĩ Kim Thái; Sau cơn mưa chiều của họa sĩ Phạm Luận; Sen của họa sĩ Phan Minh Châu; Sen của họa sĩ Đỗ Đức; Trên sông của họa sĩ Đặng Lưu San; Tự cảm của điêu khắc gia, họa sĩ Phạm Văn Hạng; Hoa của họa sĩ Lê Anh Hoài; Hoa hồng vàng của họa sĩ Đoàn Văn Nguyên; Sen mùa hạ của họa sĩ Phạm An Hải; Hội Long Vân 3 của họa sĩ Phan Minh Bạch; Hoa của họa sĩ Trần Hồng Đức; Mục đồng của họa sĩ Từ Ninh; Hoa của họa sĩ Nguyễn Thắng.
Xem nhiềuVăn hóa
Nguyên nhân bà Xuân Hòa - chủ phòng trà Tiếng Xưa - đột ngột qua đời
Văn hóa
Biệt thự 100 tuổi trong phim 'Người đẹp Tây Đô' trước nguy cơ bị xóa sổ
Văn hóa
12 tỷ đồng để nâng cấp Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định
Văn hóa
Làm thiện nguyện chuyên nghiệp
Văn hóa
Đăng thảo luận