Thưa TS.BS. Phan Chí Thành, vì sao mà một cặp vợ chồng sắp cưới lại cần cùng nhau đến gặp bác sĩ, mặc dù cả hai cùng khỏe mạnh? Và thời điểm nào là thích hợp để họ thực hiện điều đó?
Chúng ta thường quen nghe khái niệm khám sức khỏe tiền hôn nhân, nghĩa là trước khi cặp đôi chuẩn bị bước lên xe hoa. Nhưng y học ngày nay quan niệm, cần khám sức khỏe sinh sản trước khi một cặp đôi bước vào hoạt động tình dục. Bởi vì với sự thay đổi của cuộc sống hiện đại, nhiều cặp bạn trẻ đã duy trì sống thử, đã có quan hệ thầm kín một thời gian dài trước khi bước vào hôn nhân thực sự. Hoạt động tình dục mang lại cho con người nhiều niềm vui, sự thăng hoa thế nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hại, ví dụ như khả năng mang thai, lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục… Và tất cả những điều đó chúng ta chỉ có thể ứng phó được thông qua việc thăm khám để hiểu đúng, hiểu đủ về cơ thể của chính chúng ta.
TS.BS. Phan Chí Thành- Chánh VP TT Đào tạo - Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Vâng, đó quả là một thông điệp khá mới mẻ và thực sự khoa học mà chúng tôi nghĩ là rất có ích với các bạn trẻ. Thế còn việc khám sức khỏe với một cặp vợ chồng sắp cưới sẽ đem đến cho họ những lợi ích gì, thưa bác sĩ?
Khi khám sức khỏe như vậy chúng ta có 3 mục tiêu chính. Thứ nhất là giúp cặp đôi sau khi lập gia đình, mong muốn có con sẽ có khả năng sinh ra những đứa con khỏe mạnh, tránh được những nguy cơ như thai bất thường, sảy thai, thai lưu. Việc thăm khám có tác dụng loại bỏ những yếu tố ảnh hưởng đến tương lai làm cha mẹ của các cặp vợ chồng trẻ.
Việc thứ hai là đảm bảo về sức khỏe nói chung của các cặp vợ chồng. Hiện nay qua thăm khám, chúng tôi gặp khá nhiều bạn trẻ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như viêm gan, HIV, lậu, Chalamydia… Nếu có bệnh cần điều trị sớm thì mới tránh được rủi ro cho cuộc sống bình yên của các bạn và mới đảm bảo được hạnh phúc của cuộc hôn nhân.
Yếu tố thứ ba cực kỳ quan trọng nhưng người ta ít nói đến, đó là cuộc sống thầm kín không đơn giản như nhiều bạn trẻ vẫn nghĩ. Chuyện ‘yêu” là bản năng nhưng thăng hoa không phải là món quà đương nhiên chúng ta sẽ được hưởng. Chúng tôi làm nghiên cứu thì thấy tỉ lệ rối loạn chức năng tình dục không thấp. Nam giới thì rối loạn cương dương, ám ảnh về kích thước cậu nhỏ. Các bạn gái không cảm thấy đạt cực khoái, không thấy thích thú khi yêu, thậm chí còn bị đau… Tỉ lệ này chiếm tới 15-20% những người tới thăm khám ở bệnh viện của chúng tôi. Nhiều người bị ám ảnh sau đêm tân hôn. Họ tâm sự: Quan hệ vợ chồng không giống như tưởng tượng, không lãng mạn như phim ảnh. Đời sống tình dục không vui. Thậm chí nhiều bạn nữ thốt lên: Em chả thấy vui gì cả, thôi thì cứ “nhắm mắt” chiều anh ấy.
Vì sao mà một cặp vợ chồng sắp cưới lại cần cùng nhau đến gặp bác sĩ, mặc dù cả hai cùng khỏe mạnh?Vậy khi đi kiểm tra ‘phụ tùng, máy móc’, cặp vợ chồng tương lai sẽ được khám những gì, thưa bác sĩ?
Nhiều người nghĩ đi khám sức khỏe tiền hôn nhân chỉ là câu chuyện khám chức năng cơ quan sinh sản. Nhưng thực tế là, muốn có con khỏe mạnh thì bố mẹ đều cần khỏe mạnh. Điều đầu tiên bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe chung của cả hai. Đánh giá chức năng gan, thận, mỡ máu, tiểu đường, tuyến giáp… Đó là khâu thăm khám sức khỏe tổng quát.
Tiếp đến là việc thăm khám cơ quan sinh sản. Với nam giới đó là khám lâm sàng bộ phận sinh dục, siêu âm tinh hoàn, xét nghiệm tinh dịch đồ, xét nghiệm dịch niệu đạo, kiểm tra nội tiết tố sinh dục, xét nghiệm chẩn đoán bệnh lây truyền qua đường tình dục… Với nữ là siêu âm phụ khoa, siêu âm tuyến vú, soi tươi dịch âm đạo, tư vấn biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả (với cặp đôi chưa có ý định có con ngay sau khi kết hôn).
Hiện nay chúng tôi gặp rất nhiều các nam thanh niên chất lượng tinh trùng suy giảm nhiều. Còn về phụ nữ thì có 3 tài sản sinh sản chính: hai buồng trứng, hai vòi trứng, tử cung… Tình trạng viêm nhiễm phụ khoa chúng tôi cũng gặp nhiều. Sau những thăm khám đó thì bác sĩ sẽ có tư vấn chuyên sâu với từng trường hợp cụ thể.
Qua thực tế thăm khám nhiều năm của mình, bác sĩ có tư vấn gì thêm với các bạn trẻ, các cặp đôi đang đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân?
Từ thực tế thăm khám của mình, tôi đã gặp một vài trường hợp suy buồng trứng sớm. Điển hình là bệnh nhân sinh năm 1997 mới lập gia đình được 3 năm mà đã suy hoàn toàn hai buồng trứng. Bạn gái đó từ khi dậy thì kinh nguyệt đã không đều nhưng cứ để tình trạng tiếp diễn trong nhiều năm. Thậm chí đến khi có chồng, không ‘dính’ bầu sau 2 năm nhưng vẫn không đi khám sớm. Hoặc là có nhiều trường hợp các bạn mới lập gia đình, chưa muốn có con ngay, cứ ‘dính’ bầu lại bỏ thai. Nhiều năm sau đi khám mới phát hiện nguyên nhân vô sinh là do bị dính trong buồng tử cung, hậu quả của phá thai. Tuổi trẻ các bạn thường nghĩ, con cái ‘muốn lúc nào cũng được’ nhưng thực tế không hẳn như vậy. Các bạn trẻ nhiều người còn rất chủ quan trong bảo vệ cơ quan sinh sản của mình. Tài sản sinh sản là hữu hạn, phải bảo vệ. Đó là điều mà chúng tôi đặc biệt lưu ý các bạn trẻ.
1001 lợi ích không thể bỏ qua của khám sức khỏe tiền hôn nhân 21/09/2018Sức khỏe
Sai lầm tai hại khiến trẻ gặp nguy hiểm vì sởi biến chứng
Sức khỏe
Đồng hành cùng người cao tuổi nâng cao sức khoẻ nhân ngày đột quỵ thế giới
Sức khỏe
Cao răng, 'sát thủ' trong… miệng
Sức khỏe
Khi chồng trốn… yêu
Sức khỏe
Đăng thảo luận