(NLĐO) - Số bệnh nhân sởi chuyển tuyến đến các bệnh viện chuyên khoa nhi ở TP HCM rất đông. Càng chuyển tuyến nhiều, nguy cơ lây nhiễm bệnh càng cao

Thông tin trên được TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Y tế về việc ứng phó bệnh sởi trên địa bàn ngày 29-8.

 Chuyển tuyến nhiều, TP HCM chật vật với bệnh sởi 第1张

Bộ Y tế giám sát công tác phòng ngừa bệnh sởi tại khu khám bệnh của Bệnh viện Nhi Đồng 1

Theo BS Minh, từ tháng 8 đến nay, số ca bệnh sởi tăng nhanh. Trong 8 tháng đầu năm 2024, bệnh viện tiếp nhận 368 ca nhập viện, trong đó 42 ca nặng (28% thở máy; 60% có bệnh nền). Bệnh nhân từ tuyến tỉnh chuyển lên chiếm 66%. Rất may, hiện chưa có ca tử vong.

Đáng chú ý, không có bệnh nhân nặng nào từ tuyến tỉnh chuyển lên tiêm ngừa vắc-xin sởi đủ 2 mũi.

 Chuyển tuyến nhiều, TP HCM chật vật với bệnh sởi 第2张

Bệnh nhi điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1

Để kiểm soát tình hình lây nhiễm chéo trong bệnh viện, theo BS Minh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã thành lập ban chỉ đạo chống dịch, lên phương án chi tiết từng tình huống để phát hiện ca sởi và xử trí nhuần nhuyễn; có dự trù nhân sự, thuốc, vật tư, trang thiết bị.

 Chuyển tuyến nhiều, TP HCM chật vật với bệnh sởi 第3张

Bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1

"Bệnh nhi có triệu chứng mắc sởi được sàng lọc tại khoa khám bệnh, có dấu hiệu nặng thì vào khu cách ly. Bệnh nhân không nặng thì vào phòng khám chuyên sởi của bệnh viện để theo dõi điều trị. Nếu bệnh nhân cần nhập viện sẽ được cách ly khu riêng. Khi mua thuốc, nhà thuốc cũng có cửa bán riêng cho bệnh nhi mắc sởi hoặc nghi mắc sởi. Mọi khâu đều có khu riêng biệt" - BS Minh dẫn chứng.