(NLĐO) - Bí mật bên trong của một hành tinh được cho là từng sống được như Trái Đất vừa được phơi bày bởi hai báu vật từ không gian.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà địa chất James Day của Viện Hải dương học Scripps (thuộc Đại học California ở San Diego - Mỹ) đã phân tích những "báu vật từ hành tinh khác" được khai quật ở Pháp năm 1815 và ở Ai Cập năm 1905.
Đó là các thiên thạch kỳ lạ Chsignite (từ Chtasky - Pháp) và Nakhlite (từ Nakhla - Ai Cập), gây chú ý cho giới khoa học từ hơn 100-200 năm trước, vào thời điểm chúng được tìm thấy.
Nhưng đến bây giờ, bí mật mà chúng ẩn giấu mới thực sự được các kỹ thuật hiện đại phơi bày: Kết cấu của lớp vỏ và lớp phủ Sao Hỏa.
Báu vật không gian từ Ai Cập - thiên thạch Nakhlite - Ảnh: UC SAN DIEGO
Hai tảng đá không gian này có thành phần khác nhau. Nakhlite là đá bazan, chứa các khoáng vật augite và olivin. Chsignite gần như hoàn toàn là olivin.
Ở Trái đất, bazan có nhiều ở lớp vỏ và olivin có nhiều ở lớp phủ.
Theo Science Alert, quá trình kiểm tra, so sánh kỳ công đã giúp các nhà nghiên cứu xác định chúng được hình thành trong cùng một ngọn núi lửa khoảng 1,3 tỉ năm trước.
Sự khác biệt của các tảng thiên thạch này là do một quá trình gọi là kết tinh phân đoạn, khi các điều kiện khác nhau làm cho magma lỏng cứng lại thành các cấu hình khác nhau.
Nakhlites là một phần của lớp vỏ Sao Hỏa, vốn đã bị biển đổi một ít khi tương tác với bầu khí quyển của hành tinh, trong khi Chsignites chôn vùi trong lớp phủ.
Kết cấu đặc sắc của thiên thạch Chsignite - Ảnh: UC SAN DIEGO
Điều thú vị là hai báu vật không gian này cho thấy hoạt động núi lửa trên Sao Hỏa vừa giống và khác với hoạt động núi lửa trên Trái đất.
Quá trình kết tinh phân đoạn dường như diễn ra theo cách tương tự, tạo thành đá chiếm ưu thế bazan ở lớp vỏ và đá chiếm ưu thế olivin ở lớp phủ, giống như hoạt động núi lửa ở Trái Đất.
Đăng thảo luận