PV: Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế đề xuất một số người bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo có thể vượt thẳng tuyến trên khám bệnh không cần giấy chuyển viện mà vẫn được hưởng 100% quyền lợi BHYT. Bà có thể chia sẻ thể nào về điều này?
Bà Trần Thị Trang:
Theo quy định, bệnh hiểm nghèo, bệnh có BHYT cần sử dụng các kỹ thuật cao, hiện nay người dân khi muốn chuyển lên tuyến trên điều trị các bệnh này vẫn phải thực hiện theo trình tự là lấy giấy chuyển tuyến và giấy chuyển tuyến này có giá trị trong một năm. Có như vậy, người dân mới được hưởng quyền 100% quyền lợi BHYT.
Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần này, Bộ Y tế đã có những đề xuất nhằm giảm các thủ tục, bảo đảm quyền lợi của người dân (Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế. Ảnh Diệu LInh)
Tuy nhiên, có nhiều bệnh tuyến xã, tuyến huyện không điều trị được, chỉ tuyến trên mới điều trị được, việc xin chuyển tuyến chỉ thuần túy mang tính chất "thủ tục". Điều này gây phiền hà, bất cập cho người bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo.
Vì vậy, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần này, Bộ Y tế đã có những đề xuất nhằm giảm các thủ tục, bảo đảm quyền lợi của người dân. Theo đó, dự thảo bổ sung quy định với trường hợp người bệnh được xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao sẽ được đến trực tiếp cơ sở y tế tuyến trên mà không cần theo trình tự khám chữa bệnh BHYT, nhưng vẫn được hưởng BHYT mức cao nhất.
Đề xuất này chỉ dành cho những trường hợp bệnh đặc thù, bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật, thủ thuật phức tạp hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa, năng lực chuyên môn kỹ thuật cao hơn theo quy định của Bộ Y tế.
Theo ước tính danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo bao gồm 64 loại bệnh như: ung thư, phẫu thuật động mạch vành, đột quỵ, mất thính lực, bệnh Parkinson, bại liệt...
Quyền lợi BHYT 100% được hiểu chính xác là thế nào thưa bà?
Bà Trần Thị Trang:
Điều này có nghĩa là bệnh nhân sẽ được BHYT chi trả tối đa chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng mà không tính là vượt tuyến.
Theo đó, chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Luật BHYT hiện hành theo tỉ lệ thanh toán 80%, 95% và 100% đối với từng trường hợp cụ thể.
Bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo có thể lên thẳng tuyến trên điều trị, không cần giấy chuyển tuyến mà vẫn được hưởng quyền lợi BHYT 100%. (Khám bệnh tại Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh. Ảnh BVCC)
Còn các bệnh nhân vượt tuyến lên trung ương (không xin giấy chuyển tuyến), theo quy định chỉ được hưởng 40% quyền lợi nếu điều trị nội trú, còn điều trị ngoại trú, chỉ đến khám thì không được BHYT chi trả.
Theo đề xuất hiện nay, những bệnh nhân mắc bệnh về máu, tim mạch,… là những bệnh chỉ có cơ sở y tế chuyên môn tuyến cuối mới điều trị được, người bệnh không cần xin giấy chuyển tuyến theo trình tự mà vẫn được hưởng 100% quyền lợi. Nếu họ thuộc đối tượng được BHYT chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh thì sẽ được BHYT chi trả 100% mức 80% đó....
Khi đóng góp cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, một số ý kiến cũng đề nghị tăng mức chi trả và tăng danh mục thuốc cho bệnh nhân ung thư. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Bà Trần Thị Trang:
Hiện nay, trong danh mục thuốc BHYT chi trả có khoảng 76 thuốc điều trị ung thư, điều hoà miễn dịch... Những thuốc này đang chiếm khoảng 7.600 tỷ/năm cho chi phí điều trị. Đây là quyền lợi lớn đối với người bệnh.
Ở những lần thảo luận trước đó một số ý kiến đề xuất ưu tiên mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho sàng lọc chẩn đoán sớm 6 bệnh là ung thư cổ tử cung, ung thư vú, đái tháo đường, cao huyết áp, viêm gan C và viêm gan B.
Trong đó ưu tiên mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho sàng lọc chẩn đoán ung thư cổ tử cung và ung thư vú nhằm giảm bớt gánh nặng ung thư trong tương lai. Ngành y tế đã tiến hành đánh giá tác động với các bệnh này, cho thấy chi phí điều trị làm tăng chi của quỹ BHYT lên rất nhiều.
Tuy nhiên tại thời điểm này việc mở rộng phạm vi chi trả vẫn còn khó khăn bởi quỹ BHYT có hạn. Bộ Y tế đã thống nhất tiếp tục nghiên cứu, khi đảm bảo cân đối quỹ thì sẽ có đề xuất tiếp theo để người dân được hưởng lợi tốt nhất.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận