Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các sở, ngành, doanh nghiệp…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường (ngồi giữa) chủ trì hội nghị. Ảnh: A.X
Tham gia góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai khẳng định: Luật Điện lực năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) đã tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động Điện lực và sử dụng điện. Tuy nhiên, trải qua 20 năm (2004-2024) quan hệ xã hội có nhiều thay đổi, nhiều vấn đề pháp lý mới phát sinh. Vì vậy, sửa đổi Luật Điện lực là tất yếu để phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Trước hội nghị này, EVNSPC và PC Đồng Nai đã có nhiều góp ý cho dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi); trong đó một số ý kiến đã được cấp trên tiếp thu, sửa đổi vào Dự thảo.
Tại Dự thảo mới để góp ý lần này, ngành Điện tiếp tục đóng góp 9 ý kiến, trong đó có nhiều ý kiến quan trọng liên quan đến các quy định về đầu tư dự án lưới điện trung, hạ áp; bảo đảm an toàn hành lang lưới điện; quy định về ngừng cung cấp điện đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định của pháp luật…
Đại diện Cty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tại hội nghị. Ảnh: A.XSở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết, nhiều nội dung góp ý của UBND tỉnh Đồng Nai cho các Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trước đây đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu. Tại Dự thảo mới, Sở Công Thương Đồng Nai tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, đầu tư phát triển lưới điện phân phối…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và ý kiến đóng góp của các đại biểu; đồng thời khẳng định, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu, tập hợp các ý kiến đóng góp tại hội nghị, để kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các Dự thảo Luật phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi khi các Luật được ban hành./.
Đăng thảo luận