MỹVera Lau, 27 tuổi, đã làm việc tại ba công ty khác nhau trong vài năm, đi ngược lại tư duy gắn bó một nơi của thế hệ trước.
"Tôi không nghĩ lòng trung thành sẽ được đền đáp. Tất cả đều là giao dịch, bạn chỉ có giá trị khi họ thấy bạn có giá trị", Lau nói. "Nếu bạn cảm thấy không thể học hỏi và không kiếm được thêm tiền thì đã đến lúc phải ra đi".
Vera Lau cho rằng thị trường lao động đã rất khác so với thập niên 80 và 90, thế hệ luôn biết ơn vì có công việc và được trả lương.
Khảo sát của công ty giải pháp nhân sự WorkProud công bố hồi tháng 5 cho thấy 23% nhân viên từ 42 tuổi trở xuống bày tỏ mong muốn gắn bó lâu dài với công ty. Ở độ tuổi dưới 30, con số này giảm xuống còn 18%.
Rick Garlick, chuyên gia chính sách của WorkProud, cho rằng văn hóa trung thành với công ty, đặc biệt là ở những nhân viên trẻ tuổi, đã thay đổi. Báo cáo công ty quản lý tài sản và đầu tư Endowus and Intellect cho thấy 43% Gen Z ở Hong Kong và Singapore thường xuyên nghĩ đến nghỉ việc.
Chuyên gia nhận định lực lượng lao động trẻ ưu tiên các yếu tố như cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng như văn hóa công ty. Điều này khiến nhà tuyển dụng phải điều chỉnh chiến lược giữ chân họ.
Ngược lại, lòng trung thành cũng không được đền đáp với thị trường việc làm hiện tại, theo ông Jerome Zapata, giám đốc nhân sự quỹ đầu tư Kickstart Venture, trụ sở Philippines.
Những nhân viên nhảy việc thường được trả lương cao hơn bởi việc tăng lương theo năng lực luôn nằm trong giới hạn nhất định. Với thế hệ trước, trung thành với công ty, tổ chức có thể giúp người lao động được chăm sóc suốt đời nhưng hiện tại, chế độ phúc lợi hưu trí đã không đủ sống. Zapata nhận định nhảy việc có thể mang lại cho lợi thế đa dạng góc nhìn.
Tuy nhiên, sự kỳ thị nhảy việc vẫn tồn tại, đặc biệt là đối với lao động giữ vai trò lãnh đạo cấp cao.
Sumita Tandon, giám đốc nhân sự khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Linkedin, khuyên lao động nên cân nhắc ưu và nhược điểm nhảy việc. "Bạn có thể khám phá con đường mới, được tăng lương nhưng nếu làm quá thường xuyên, các công ty tiếp theo buộc phải thận trọng tuyển dụng", ông nói.
Zapata cho biết văn hóa doanh nghiệp đang được định nghĩa lại bởi Gen Z, nhưng người đang từ chối lòng trung thành. Lãnh đạo công ty muốn thu hút người giỏi phải cho họ nhiều phúc lợi, mức lương cạnh tranh và sự linh hoạt.
Nhưng Lau vẫn tin rằng sự biến mất của văn hóa trung thành đã khiến cô kiếm được nhiều tiền, giỏi, tự tin và có nhiều góc nhìn hơn.
"Nhưng tôi vẫn bị phán xét như nhiều Gen Z khác", cô nói. Sự chuyển giao văn hóa làm việc giữa các thế hệ là điều không thể tránh khỏi. Các công ty, nơi lãnh đạo là người thế hệ trước, vẫn đang chiếm đa số nhưng rồi họ sẽ nghỉ hưu và mọi thứ phải thay đổi.
Ngọc Ngân (Theo CNBC)
Đăng thảo luận
2024-10-16 18:54:02 · 来自182.90.196.162回复