Theo khung kế hoạch, thời gian năm học 2023-2024 sẽ kết thúc trước ngày 31/5. Như vậy, hơn 20 triệu học sinh, sinh viên cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ nghỉ hè bắt đầu từ tháng 6. Đây là thời gian để học sinh được ra ngoài hoạt động, tham gia các môn thể thao để cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần sau một năm học.
Sinh viên tình nguyện trong khuôn khổ chương trình "Tiếp sức mùa thi" năm 2023.
Nghỉ hè cũng tạo cơ hội để học sinh tham gia các hoạt động tương tác xã hội, tương tác gia đình, tăng cường kỹ năng sống; vừa củng cố các mối quan hệ xã hội, vừa rèn luyện hành vi ứng xử và trí tuệ, cảm xúc trong những tình huống của cuộc sống. Đặc biệt, thời gian nghỉ hè sẽ tạo cơ hội cho các thành viên gia đình gần nhau, tương tác chất lượng hơn, cha mẹ chú ý nhiều hơn đến những điểm mạnh của con. Đây cũng là thời gian học sinh tránh thời tiết nắng nóng, ảnh hưởng sức khỏe, học tập.
Tuy nhiên, dịp nghỉ hè cũng là thời điểm mang đến nhiều lo lắng, băn khoăn cho các nhà trường, phụ huynh và trong xã hội về việc làm thế nào để tổ chức hoạt động hè ý nghĩa, phòng chống tai nạn thương tích cho các em. Thực tế, nhiều năm qua, tình trạng học sinh nghỉ hè "quên” kiến thức học tập do mải chơi; gặp tai nạn thương tích, bị đuối nước, thậm chí mắc phải tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật trong dịp hè đã xảy ra. Mặt khác, nhiều gia đình, nhất là tại khu vực thành phố hay gia đình công nhân các khu công nghiệp luôn gặp khó khăn trong việc quản lý trẻ trong dịp nghỉ hè.
Vì vậy, việc tổ chức tốt các hoạt động, bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên, tạo những không gian, sân chơi lành mạnh, bổ ích trong dịp hè là rất cần thiết. Thời gian qua, ngành giáo dục cũng triển khai nhiều giải pháp, phối hợp thực hiện nhằm tăng cường hiệu quả việc quản lý, chăm sóc học sinh, sinh viên dịp hè. Các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương tăng cường quản lý, tiếp nhận, bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương và tổ chức các hoạt động giáo dục, thể dục-thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh cho các em tại nơi cư trú.
Trong quá trình học sinh nghỉ hè, các trường thông qua điện thoại, email hoặc các trang mạng xã hội như zalo, facebook... thường xuyên tuyên truyền để các em không tắm tại ao, hồ, sông, suối, hố công trình, những nơi có biển cảnh báo nguy hiểm; thực hiện nghiêm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; giáo dục ý thức, hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông. Đồng thời, các trường phổ biến tới cha mẹ kế hoạch hoạt động của nhà trường; phối hợp với chính quyền, các tổ chức ở địa phương tạo sân chơi vui, khỏe, lành mạnh và bổ ích cho học sinh. Trường học thực hiện mở cổng trường sử dụng thư viện, phòng tin học, khu tập luyện thể thao, bể bơi, tổ chức các câu lạc bộ rèn kỹ năng sống; phòng, chống đuối nước, xâm hại trẻ em, phòng, chống bạo lực học đường… cho học sinh.
Mặc dù có nhiều giải pháp nhưng nếu chỉ riêng ngành giáo dục triển khai các hoạt động hè là chưa đủ. Vì vậy, các bậc cha, mẹ học sinh cần nêu cao trách nhiệm, phối hợp nhà trường, chính quyền, đoàn thể địa phương trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Bên cạnh đó, cần có sự chủ động phối hợp và vào cuộc tích cực của chính quyền, các đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong tổ chức các hoạt động hè vui tươi, lành mạnh, thu hút học sinh tham gia. Tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, chương trình tiếp sức mùa thi, vệ sinh môi trường, chăm sóc thiếu niên, nhi đồng và các hoạt động ý nghĩa khác bảo đảm đúng nội dung, mục đích và tuyệt đối an toàn nhằm giúp học sinh, sinh viên có kỳ nghỉ hè thật sự an toàn, ý nghĩa.
(Theo NDO)
Đăng thảo luận