Tầm nhìn khác biệt của ông Biden - Trump "về vị thế của nước Mỹ"
(Dân trí) - Trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên, Tổng thống Joe Biden và đối thủ Donald Trump sẽ đưa ra những tầm nhìn khác nhau rõ ràng về vai trò của Mỹ trên thế giới, cả về phong cách lẫn thực chất.
Ông Trump và Biden trong cuộc tranh luận tổng thống tại Đại học Belmont ở Nashville trong cuộc bầu cử năm 2020 (Ảnh: AFP).
Vào ngày 27/6 giờ địa phương, hai ứng cử viên hàng đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng 2024 là đương kim Tổng thống Joe Biden, 81 tuổi và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, 78 tuổi, sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại thành phố Atlanta, bang Georgia.
Đây là sự kiện quan trọng vì nó giúp cả hai ứng viên thể hiện chính mình để từ đó có thể thuyết phục những cử tri còn do dự.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của cả hai ứng viên hiện vô cùng sít sao. Theo kết quả khảo sát được tổ chức Emerson College công bố hôm 21/6, ông Trump đang dẫn trước Tổng thống Biden ở 6/7 bang chiến trường, với tỷ lệ lần lượt là Arizona (47-43%), Georgia (45-41%), Michigan (46-45%), Nevada (46-43%), Pennsylvania (47-45%) và Wisconsin (47-44%).
Theo các chuyên gia, lần này, sự đối đầu hiếm hoi giữa hai đối thủ chính trị cho thấy sự tương phản rõ rệt giữa họ.
Cựu Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ tổng thống 2017-2021 đã cam kết sẽ đặt "Nước Mỹ trên hết", với quan điểm "Nước Mỹ là số 1" và thường theo chủ nghĩa biệt lập về thế giới, trong khi Tổng thống Biden nhậm chức vào năm 2021 với cam kết "Đưa nước Mỹ trở lại", tăng cường lại mối quan hệ với các đồng minh.
Có thể thấy, cả hai chính trị gia này có chung một số niềm tin cốt lõi: đều kiên quyết rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan, coi cuộc chiến dài nhất của Mỹ là không đáng với cái giá phải trả bằng xương máu và của cải của dân Mỹ. Nhưng cả hai đều chỉ trích nhau trong việc thực hiện điều đó và cho thấy rõ sự khác biệt mạnh mẽ trong tầm nhìn "về vị thế của nước Mỹ" trên trường quốc tế.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine
Tổng thống Biden đã dẫn đầu các nỗ lực quốc tế nhằm hỗ trợ Kiev sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Với sự thúc đẩy mạnh mẽ của Tổng thống Biden, quốc hội Mỹ đã phê duyệt 175 tỷ USD hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm hỗ trợ vũ khí và ngân sách. Ông Biden cũng đã có chuyến thăm bất ngờ tới Kiev vào năm ngoái và chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong khi đó, ông Trump đã bày tỏ nhiều hoài nghi về số tiền viện trợ cho Ukraine, nói rằng ông kỳ vọng Nga sẽ giành chiến thắng và những người ủng hộ ông tại quốc hội đã trì hoãn gói viện trợ quân sự cuối cùng cho Kiev trong nhiều tháng.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump cũng đã nói về việc sẽ nhanh chóng kết thúc chiến tranh Ukraine ngay khi đắc cử tổng thống. Trong ngày 25/6, theo các nguồn tin, 2 cố vấn chính của ông Trump đã trình bày với ông một kế hoạch chấm dứt chiến tranh ở Ukraine nếu ông đắc cử tổng thống Mỹ cuối năm nay, trong đó đề cập khả năng chỉ cung cấp thêm vũ khí nếu Kiev tham gia đàm phán hòa bình và thỏa hiệp về vấn đề biên giới của mình - một đề xuất bị Tổng thống Biden kiên quyết bác bỏ vì cho rằng "chỉ có người Ukraine mới là người quyết định tương lai của mình".
Khác với ông Biden, ông Trump đã luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Tổng thống Putin.
Khu vực Trung Đông
Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump là người ủng hộ mạnh mẽ Israel, thực hiện các bước đi mang tính bước ngoặt như chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, nơi Palestine cũng muốn trở thành thủ đô tương lai của họ.
Ông Trump cáo buộc người kế nhiệm Biden đã "bỏ rơi" Israel. Tuy nhiên, ông Biden từ lâu đã tự coi mình là "người bảo vệ Israel" và đã bị phe cánh tả trong đảng Dân chủ chỉ trích vì sự ủng hộ của ông với Tel Aviv, bao gồm cả vũ khí và quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhất là trong cuộc chiến ở Gaza.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã xung đột với Thủ tướng Benjamin Netanyahu về vấn đề thương vong của dân thường Palestine và đóng băng một chuyến hàng vũ khí bao gồm những quả bom nặng hơn 900kg viện trợ cho Israel.
Cựu Tổng thống Trump cũng chỉ trích Thủ tướng Netanyahu, đổ lỗi cho ông Netanyahu vì đã không ngăn chặn cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023 sau lần "bóng gió" về việc ông Netanyahu nhanh chóng công nhận chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử sóng gió năm 2020.
Trong vấn đề Iran, Tổng thống Biden cũng cáo buộc người tiền nhiệm Trump làm xấu đi chương trình hạt nhân của Iran bằng cách rút khỏi thỏa thuận được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Ông Trump phản bác rằng thỏa thuận hạt nhân này không đủ mạnh và ông Biden hầu như cũng đã từ bỏ nỗ lực khôi phục lại thỏa thuận này.
Các quốc gia khác
Cả ông Trump và Biden đều mô tả Trung Quốc là đối thủ lâu dài hàng đầu của Mỹ và đã nỗ lực đương đầu với vị thế ngày càng tăng của Bắc Kinh. Nhưng giọng điệu của cả hai lại khác nhau.
Ông Biden trong một số lĩnh vực đã có hành động cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, nhưng cũng nói về việc đảm bảo không làm bùng nổ xung đột và tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu.
Tổng thống Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh quan trọng với Chủ tịch Tập Cận Bình hồi năm 2023.
Trong khi đó, ông Trump đã tăng mạnh thuế quan từ Trung Quốc. Nhưng ông Trump cũng khẳng định ông Tập là một "người bạn tốt".
Cựu Tổng thống Trump cũng có mối quan hệ tốt với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Cả hai đã gặp nhau 3 lần.
Ông Trump chỉ trích các đồng minh phương Tây "đang hưởng lợi một cách không công bằng" từ Mỹ. Trong quá trình vận động tranh cử, ông đề nghị sẽ khuyến khích Nga "làm bất cứ điều gì họ muốn" nếu các đồng minh NATO không "thanh toán các hóa đơn của họ", ám chỉ đến chi tiêu quân sự cho liên minh này.
Còn với Tổng thống Biden, như lời Thứ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell đã nói: "Nếu bạn hỏi tôi "học thuyết Biden" là gì thì đó sẽ là tăng cường quan hệ đối tác với các đồng minh và bạn bè".
Theo CNA
Đăng thảo luận