Trung Quốc nổi lên không chỉ sản xuất mà phát triển thương mại điện tử cạnh tranh với nhiều nước.
Nhiều mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc được bán tại các chợ truyền thống - Ảnh: NGỌC AN
TS Nguyễn Văn Hội - viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) - cho rằng Việt Nam cần nhìn nhận đây là cơ hội để có chiến lược đầu tư, xây dựng chính sách bài bản, dài hơi tăng sức cạnh tranh.
"Thương mại điện tử xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc", ông Hội nói.
* Trung Quốc là công xưởng của thế giới sản xuất hàng hóa giá rẻ và cạnh tranh, chi phí vận chuyển thấp. Ví dụ như chi phí vận chuyển hàng từ Trung Quốc về Việt Nam chỉ 10.000 - 20.000 đồng. Nhìn vào sản xuất trong nước và các khâu phân phối hiện nay, ông có suy nghĩ điều gì?
- Phải nhìn nhận sản xuất, thương mại của chúng ta nhỏ lẻ, không liên kết còn chiếm tỉ trọng lớn trong tổng thể phát triển thương mại, đặc biệt là ở những khu vực kém phát triển hơn trong cả nước.
Điều này khiến hệ thống phân phối liên kết lỏng lẻo, nhiều tầng nấc trung gian thương mại làm tăng chi phí, thời gian lưu thông, tăng giá thành ảnh hưởng tiêu cực tới cung - cầu, giá cả thị trường, sản xuất và đời sống xã hội.
Giành giật mua hàng Trung Quốc trên các phiên livestream của người Việt
Tiểu thương than 'khó sống' vì bán lỗ vẫn không rẻ bằng hàng Trung Quốc
Quảng Tây muốn đẩy mạnh kết nối, đưa hàng hóa Việt Nam vào sâu nội địa Trung Quốc
Thương nhân trên thị trường nội địa tuy đông về số lượng với đủ mọi thành phần kinh tế nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống chưa cao.
Còn quá ít các doanh nghiệp có quy mô lớn với mô hình kinh doanh thương mại điện tử giữ vai trò định hướng và tổ chức lưu thông, liên kết với sản xuất tạo thành một hệ thống phân phối hiện đại, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng); nhất là đối với hàng thực phẩm thiết yếu, nên thị trường dễ bị biến động do tác động của tâm lý người tiêu dùng.
* Không chỉ kênh thương mại điện tử mà ở các chợ truyền thống, các sản phẩm hàng hóa vẫn chưa thực sự tạo sức cạnh tranh. Theo ông, nguyên nhân là gì và có lo ngại xu hướng chuyển dịch từ sản xuất sang thương mại nhiều hơn?
- Tôi cho rằng trong thách thức luôn nảy sinh cơ hội, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và thương mại điện tử xuyên biên giới. Chính điều này sẽ làm sản xuất hàng hóa của Việt Nam phải thay đổi để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
Nếu sản xuất hàng hóa được cơ cấu lại gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành chế biến, chế tạo sẽ tạo sự bứt phá và động lực mới cho các mặt hàng sản xuất, xuất khẩu.
Sức ép cạnh tranh từ hàng hóa Trung Quốc có thể sẽ thúc đẩy sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo quá trình quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm phân phối trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
* Được biết, Bộ Công Thương hiện đang chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xin ông chia sẻ về những định hướng chính sách này?
- Chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ngành bán lẻ, ứng phó tốt hơn trước sức ép cạnh tranh từ làn sóng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Có một số định hướng chiến lược tập trung như đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp tham gia hoạt động phân phối; khuyến khích đổi mới phương thức hoạt động phân phối theo hướng thương mại điện tử...
Trong đó, phát triển thương mại điện tử trở thành hình thức thương mại chủ đạo. Do đó cần hoàn thiện hạ tầng pháp lý khai thác có hiệu quả hơn xu hướng số hóa với sự phát triển của phương thức thanh toán điện tử và các công cụ thanh toán mới không dùng tiền mặt.
Mặt khác tăng cường phát triển công nghệ, kết nối hạ tầng, đầu tư cho công nghệ thông tin đảm bảo tính an toàn và thuận tiện cho người tiêu dùng trong quá trình tham gia giao dịch thương mại điện tử.
Hãy tận dụng kho hàng dọc biên giới
* Trung Quốc có những kho hàng rất lớn nằm sát biên giới, sau đó thâm nhập vào nội địa. Trong khi ở Việt Nam kênh chợ truyền thống ngày càng lép vế. Không chỉ kênh thương mại truyền thống mà sản xuất trong nước cũng bị đe dọa...
- Rõ ràng các trung tâm logistics, các chợ đầu mối và các kho hàng tại khu vực biên giới Trung Quốc giáp Việt Nam sẽ khiến hàng hóa Việt Nam gặp nhiều khó khăn cạnh tranh trên thị trường nội địa.
Tuy nhiên, các trung tâm logistics, các chợ đầu mối và các kho hàng này không chỉ phục vụ xuất khẩu mà còn phục vụ cho nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc. Do đó, tôi cho rằng đây lại là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa của Trung Quốc.
Nếu tận dụng tốt các trung tâm logistics, các chợ đầu mối và các kho hàng tại khu vực biên giới Trung Quốc giáp Việt Nam, hàng hóa sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có điều kiện phát triển.
Đăng thảo luận