Bên cạnh việc tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Lệ Thuỷ còn tăng cường tuyên truyền các chính sách, mô hình hay, tạo đòn bẩy để đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo nhanh, bền vững.
Huyện Lệ Thủy, Quảng Bình là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều tập trung ở 3 xã Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy. Bà con sinh sống tại 24 thôn, bản, với 9.171 nhân khẩu, trong đó có hơn 1.000 hộ nghèo, 257 hộ cận nghèo.
Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, bên cạnh việc triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, huyện Lệ Thuỷ đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức để đồng bào dân tộc thiểu số phát huy tinh thần tự lực vươn lên.
Xác định rõ một trong những điều quan trọng nhất trong công tác giảm nghèo chính là phải thay đổi tư duy, xóa nghèo từ tư tưởng, công tác nâng cao năng lực, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo luôn được huyện quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng được chú trọng. Đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Lệ Thủy đã tranh thủ các nguồn lực tập trung đầu tư, xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, các cầu dân sinh, nhà văn hóa, trường học, qua đó, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, làm việc, sinh hoạt văn hóa, học tập, chữa bệnh cho nhân dân…
Trước đây muốn vào bản Bạch Đàn, xã Lâm Thuỷ phải đi bộ mất gần cả buổi sáng, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn vì không có đường, trường, trạm. Người già, trẻ con phần lớn không đọc thông, viết thạo. Cuối năm vừa qua đường vào bản đã được được bê tông thông thoáng, hoàn chỉnh, giờ vào bản Bạch Đàn chỉ mất tầm 15 phút.
Cầu Hà Lẹc, xã Kim Thủy đang được đầu tư xây dựng, mở hướng thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Ng. HảiTheo trưởng bản Hồ Văn Nhăng, từ khi có đường, dân bản đi lại rất thuận tiện, đặc biệt là con em đi học và người dân đi khám chữa bệnh, giao thương buôn bán...
“Cả bản có 59 hộ nhưng đã khai hoang đất và trồng được hơn 100ha sắn. Nay có đường bê tông, thương lái đi cả xe ô tô vào tận bản để thu mua sắn cho bà con…”, anh Nhăng nói.
Trong khi đó, bản Hà Lẹc nằm cách trung tâm xã Kim Thủy hơn 4km nhưng trước đây, để vào được bản phải rất vất vả vì đường giao thông cách trở, bản có 61 hộ với hơn 200 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Bru-Vân Kiều.
Tháng 4/2024, công trình cầu Hà Lẹc có chiều dài 57m và đường hai đầu cầu có chiều dài 113m với tổng vốn đầu tư 7 tỷ đồng được khởi công xây dựng đã mở ra “lối thoát” về hạ tầng thiết yếu không chỉ cho người dân bản Hà Lẹc mà còn có một cụm dân cư của bản An Bai với hơn 50 hộ dân.
Ông Đỗ Trung Quân, Bí thư Đảng ủy xã Kim Thủy cho biết, những công trình, dự án được đầu tư tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực, tạo nên một diện mạo mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tạo điều kiện giao thương thuận lợi, phát triển sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh trên vùng biên giới.
Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Lệ Thủy Võ Minh Hải, đến nay huyện đã đầu tư, xây dựng 37 công trình giao thông nông thôn, 12 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 công trình trường, lớp học, 3 công trình thủy lợi… với tổng vốn đầu tư trị giá 171 tỷ đồng.
Nhờ vậy, 100% xã có đường ô tô rải nhựa hoặc bê tông đến trung tâm; đường ô tô vào đến 100% thôn, bản, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên.
Hệ thống hạ tầng phục vụ nông nghiệp được đầu tư khá đồng bộ, từ đó bà con mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, tích cực đưa các loại giống mới có năng suất cao hơn vào sản xuất. Ngoài ra, bà con còn tận dụng các bãi ven khe, suối, cải tạo vườn để phát triển cây hoa màu, trồng các loại cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm tạo thành các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp cho thu nhập khá…
Đăng thảo luận