Sinh viên một số lớp ở khoa Sư phạm Âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Trung ương "tố" phải đóng tiền "ôn thi tốt nghiệp"
Thời gian vừa qua, thông tin sinh viên lớp K8 Thanh nhạc, khoa Piano và Thanh nhạc cầu cứu vì Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương không dạy học nhưng vẫn "bắt" đóng tiền, được báo Dân Việt phản ánh thu hút dư luận quan tâm.
Mới đây, PV báo Dân Việt tiếp tục nhận được phản ánh của một số sinh viên khoa Sư phạm Âm nhạc của trường này như sau: "Theo quy định, khoa Sư phạm Âm nhạc (nằm trong nhóm ngành Sư phạm-PV) được nhà nước hỗ trợ hoàn toàn về kinh phí đào tạo. Nhưng học phần cuối, sinh viên các lớp của khoa này phải đóng tiền "để được ôn thi tốt nghiệp". Được biết, khoa Sư phạm Âm nhạc khóa 2020-2024 có tất cả 7 lớp.
Cũng theo phản ánh của sinh viên, các em phải đóng tiền mặt hoặc chuyển khoản cho lớp trưởng rồi lớp trưởng nộp tại văn phòng khoa và không có biên lai thu tiền.
Phan Thị Lý, sinh viên K15F khoa Sư phạm Âm nhạc, cho biết: "Trường thông báo chúng em phải học học phần mang tên "Hoạt động sư phạm âm nhạc tổng hợp" với số lượng là 7 tín chỉ. Tuy nhiên, học phần này trên trang tín chỉ không hiện thời gian học, phòng học và cũng không có giáo viên hướng dẫn".
Theo Phan Thị Lý: "Lịch học của học phần này không có trên trang tín chỉ nên sinh viên và giảng viên tự sắp xếp với nhau. Có những hôm không mượn được phòng học, chúng em phải học với giảng viên bằng phương thức học trực tuyến. Số buổi học ôn cũng chỉ gói gọn vỏn vẹn 3-4 buổi.
Học phần mang tên "Hoạt động sư phạm âm nhạc tổng hợp" nhưng lại không có thông tin về thời gian học. Ảnh: NVCC
"Với học phần này, mỗi sinh viên sẽ phải đóng 900.000 đồng để được ôn thi và đăng ký giáo viên hướng dẫn. Tuy nhiên, chúng em có một thắc mắc rằng, chúng em học ngành Sư phạm, là một ngành được nhà nước hỗ trợ hoàn toàn về kinh phí đào tạo nhưng tại sao phải đóng tiền học phần này mới được học, được ôn thi và mới có giáo viên hướng dẫn? Các học phần khác chúng em cũng được học, có giáo viên hướng dẫn nhưng không phải trả bất kỳ khoản học phí nào", Phan Thị Lý nói thêm và cho biết, nữ sinh này cũng như nhiều sinh viên khác thấy "bất thường là khi đóng tiền học thì đóng cho lớp trưởng tổng hợp để nộp giáo vụ Khoa chứ không phải đóng trên phòng Tài chính".
Theo phản ánh của sinh viên thì sinh viên phải đóng tiền ôn thi và không có biên lai thu tiền. Ảnh chụp màn hình sinh viên chuyển khoản cho lớp trưởng. Ảnh: SVCC
"Chúng em cũng không nhận được biên lai thu tiền. Vậy nhà nước có phải chi trả khoản này cho chúng em không? Học phần không xuất hiện trên trang tín chỉ, sinh viên không được học chính khóa nhưng vẫn đóng tiền ôn thi, có phải khoản này vô cùng bất hợp lý không? Một số bạn giống em băn khoăn về vấn đề này, tuy nhiên không ai dám ý kiến vì sợ ảnh hưởng đến việc thi tốt nghiệp", Phạm Thị Lý chia sẻ.
Tờ đơn xin đăng ký hướng dẫn, ôn thi tốt nghiệp và hoạt động thi tốt nghiệp đợt 1 có nội dung sinh viên cam kết nộp lệ phí ôn thi theo Khoa đề ra. Ảnh: NVCC
Một sinh viên lớp K15B khoa Sư phạm Âm nhạc cũng cho biết: "Em được biết sinh viên ngành Sư phạm chúng em là đối tượng được miễn học phí nhưng chúng em phải nộp khoản tiền 900.000 đồng. Lớp trưởng có thông báo sẽ đại diện lớp làm tờ đơn xin đăng ký hướng dẫn, ôn thi tốt nghiệp và hoạt động thi tốt nghiệp đợt 1. Trong đó có nội dung "chúng em xin cam kết nộp lệ phí ôn thi theo Khoa đề ra".
Một sinh viên thuộc khoa Sư phạm Âm nhạc ở lớp khác (xin giấu tên-PV) cũng cho biết: "Lớp trưởng lập danh sách lớp và thông báo ai muốn đăng ký người hướng dẫn hoặc không có người hướng dẫn thì tích vào. Chúng em không biết phải đóng tiền và tâm lý muốn thi tốt nghiệp được tốt nhất nên hầu như ai cũng đăng ký. Sau đó lớp trưởng thông báo đóng 900.000 đồng nên chúng em chuyển khoản cho lớp trưởng để nộp cho giáo vụ Khoa.
Lúc đóng tiền em cũng thấy lăn tăn nhưng biết các bạn lớp khác đóng nên em đóng theo".
Xác nhận với PV báo Dân Việt, bạn Phạm Kiều Anh, lớp trưởng lớp K15F khoa Sư phạm Âm nhạc cho biết có đại diện lớp ký tờ đơn xin được "ôn thi tốt nghiệp": "Em nhận thông tin các lớp trưởng sẽ đại diện viết đơn gửi Khoa nên là lớp trưởng, em có phổ biến thông tin tới các bạn rồi làm đơn và nộp tiền. Bản thân là sinh viên cũng như các bạn nên em không thắc mắc nhiều và một phần cũng do truyền thống các khóa trước cũng đóng như vậy. Sau khi các bạn phản ánh thì em cũng lưu tâm hơn và thấy hoang mang không biết thế nào".
"Tôi từng nêu ý kiến trong cuộc họp nhưng không ai trả lời"
Liên quan đến việc sinh viên một số lớp ở khoa Sư phạm Âm nhạc của trường phải đóng 900.000 đồng để ôn thi tốt nghiệp, cô Nghiêm Thị Hồng Hà, giảng viên khoa Sư phạm Âm nhạc, đồng thời phụ trách giảng dạy môn kiến thức cơ sở ngành cho các chuyên ngành Piano, Thanh nhạc, Sư phạm Âm nhạc của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, cho hay: "Học kỳ vừa qua có sinh viên gặp tôi đã thắc mắc vì sao các em học ngành Sư phạm đã được nhà nước hỗ trợ kinh phí nhưng vẫn phải đóng tiền học. Sau khi nghe phản ánh tôi đã nêu ý kiến này trong cuộc họp với Khoa "có phải sinh viên phải đóng tiền không", "nhà trường có nắm được không"... nhưng không ai trả lời.
Theo quy định, học phần 7 tín chỉ này được nhà nước chi trả nên mặc định sinh viên không phải đóng tiền. Nhưng không hiểu thông tin từ đâu mà các em sinh viên hiểu là muốn học phải tự nguyện đóng 900.000 đồng. Các em không biết quyền lợi các em được học và không phải đóng tiền mới là đúng. Cứ cho các em làm đơn tự nguyện đóng tiền để được ôn thi, như vậy 7 tín chỉ kia các em không được học buổi nào?".
Cô Hà cũng cho hay: "Không chỉ sinh viên chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc đóng 900.000 đồng để ôn thi mà sinh viên chuyên ngành Thanh nhạc cũng có phản ánh về việc đóng tiền 5 triệu đồng nhưng không được học. Các em nêu ý kiến về các khoản thu của trường đều là những em đứng top đầu lớp, học tập chăm chỉ. Nhưng vì thắc mắc với trường nên không được thi tốt nghiệp thì thực sự bất công với các em".
Không học buổi nào và thi online cũng phải đóng phí ôn thi tốt nghiệp
Không chỉ riêng sinh viên khoa Sư phạm Âm nhạc tốt nghiệp năm 2024, sinh viên khoa Sư phạm Âm nhạc khóa trước phản ánh cũng có tình trạng tương tự.
Dù không được học và thi online nhưng sinh viên phải đóng hơn 4,9 triệu đồng cho 14 tín chỉ Chương trình biểu diễn nghệ thuật tốt nghiệp. Ảnh: NVCC
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, bạn Nguyễn Thu Hoài, lớp K5A Thanh nhạc và K12B khoa Sư phạm Âm nhạc, tốt nghiệp năm 2021, cho biết: "Em không biết quy định từ bao giờ nhưng như khóa chúng em, em cũng "phải đóng tiền" nếu muốn ra trường. Do em học 2 chuyên ngành nên khi tốt nghiệp phải đóng 900.000 đồng ở chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc và 4.956.000 đồng cho chuyên ngành Thanh nhạc. Mặc dù đóng tiền như vậy nhưng chúng em không được học buổi nào.
Năm chúng em tốt nghiệp đúng đợt dịch Covid-19 nên hoàn toàn không được học ở trường hay học online buổi nào. Ngay cả việc thi cũng theo hình thức online. Với khoa Sư phạm Âm nhạc, chúng em gọi video cho ban giám khảo để thi, còn với lớp Thanh nhạc thì quay lại video rồi gửi cho thầy cô chấm ".
Bạn Nguyễn Thu Hoài, lớp K5A Thanh nhạc và K12B Sư phạm Âm nhạc, gửi bài tốt nghiệp theo hình thức online vào năm 2021. Clip: NVCC
Bạn Hoài cũng chia sẻ thêm: "Mỗi lần chúng em muốn nêu ý kiến thì luôn được nhắc nhở là "Có muốn ra trường nhanh còn đi làm không". Một môi trường giáo dục tạo ra các thầy giáo, cô giáo tương lai nhưng lại hoãn thi chỉ vì sinh viên thắc mắc việc không học phải đóng tiền là không phù hợp".
Một sinh viên ở K12B khoa Sư phạm Âm nhạc khẳng định về việc nếu không đóng tiền sẽ không có trong danh sách thi: "Em hỏi văn phòng Khoa vì sao không có tên em trong danh sách thi tốt nghiệp, một cô trả lời "không đóng tiền nên không có trong danh sách". Sau đó em phải nộp tiền mặt trực tiếp cho cô và không có biên lai. Lúc đó em không nghĩ được tại sao phải nộp khoản này mà chỉ nghĩ làm sao đóng cho nhanh để được thi tốt nghiệp".
Được biết, ngày 21/8 vừa qua, sinh viên khóa K15 khoa Sư phạm Âm nhạc đã được nhận bằng tốt nghiệp. Trong khi đó, một số sinh viên lớp K8 khoa Thanh nhạc vẫn chưa được thi tốt nghiệp do thắc mắc về việc không được học nhưng vẫn phải đóng tiền.
Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương gửi công văn có nội dung xúc phạm, vu khống tác giả bài báo
Liên quan đến nội dung sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc phải đóng tiền để ôn thi tốt nghiệp dù là đối tượng được miễn học phí, ngày 29/8/2024, PV báo Dân Việt đã liên tục nhắn tin, gọi điện cho PGS.TS. Lê Vinh Hưng, Phó Hiệu trưởng phụ trách của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (hiện tại trường chưa có hiệu trưởng - PV) và ông Đỗ Anh Tuấn, phòng Truyền thông của Trường (người được phân công làm việc với báo chí - PV) nhưng không nhận được phản hồi.
Trước đó, vào cuối tháng 7/2024, khi nhận được phản ánh của một số sinh viên K8 khoa Thanh nhạc phải đóng tiền hơn 5 triệu đồng cho 14 tín chỉ, một số sinh viên thắc mắc thì bị trường hoãn thi, PV báo Dân Việt cũng đã nhiều lần nhắn tin, gọi điện liên lạc với đại diện nhà trường, tuy nhiên, phía nhà trường vẫn không sắp xếp lịch làm việc.
Báo Dân Việt đã đăng tải 3 bài báo "Sinh viên kêu cứu: Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương yêu cầu đóng tiền nhưng không dạy mà còn gây khó?"; "Sinh viên ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương kêu cứu tiền học phí: Trường lý giải như vậy không chấp nhận được"; "Sinh viên cầu cứu vì Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương không dạy vẫn bắt đóng tiền: Giảng viên tiết lộ nội tình", lần lượt vào các ngày 1/8/2024, 2/8/2024, 9/8/2024.
Đến ngày 10/8/2024, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã gửi công văn số 1763/ĐHSPNTTW-QLCL&TT-PC tới Báo Nông thôn Ngày nay/Báo Điện tử Dân Việt có nội dung mang dấu hiệu xúc phạm đến uy tín của Cơ quan báo chí, danh dự, nhân phẩm của tác giả, tác phẩm báo chí theo Khoản 3 Điều 43 Luật Báo chí 2016.
Việc nhà trường cho rằng "tác giả có hay không nhận tiền của những giảng viên kia để viết bài" mang tính chất quy chụp, bởi không có căn cứ, tài liệu nào chứng minh việc này.
Báo Nông thôn Ngày nay/Báo Điện tử Dân Việt sẽ có báo cáo bằng văn bản vụ việc này đến các Cơ quan chức năng, Cơ quan chủ quản của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, đồng thời, sẽ tiếp tục theo dõi và đăng tải thông tin tiếp theo về những phản ánh của sinh viên, cho đến khi mọi việc được sáng tỏ.
Chiều ngày 29/8, PV Dân Việt đã liên lạc nhiều lần với PGS.TS. Lê Vinh Hưng, Phó Hiệu trưởng phụ trách của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương để trao đổi một số nội dung trong đơn tố cáo của sinh viên, nhưng không liên lạc được, ông Hưng không nghe máy. Tiếp theo, PV nhắn và gọi cho ông Đỗ Anh Tuấn, phòng Truyền thông của Trường (4 cuộc) nhưng không được, ông Anh Tuấn cũng không trả lời tin nhắn của PV.
Đến sáng ngày 30/8, PV trao đổi vụ việc và hẹn gặp phỏng vấn bà Đỗ Hương Giang, Trưởng khoa Thanh nhạc và Piano, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương thì bà Giang cho biết: "Việc này lãnh đạo nhà trường sẽ trực tiếp trả lời". Tiếp đó, PV trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng khoa Sư phạm Âm nhạc, bà Hằng nói: "Hiện tại đang bận, nếu có câu hỏi gì thì sang trường gặp, nhưng khi PV xin lịch thì bà Hằng báo lại đang có việc bận". PV tiếp tục nhắn tin và gọi điện nhiều lần (6 cuộc) cho ông Hưng, ông Tuấn để đặt lịch hẹn sang trường phỏng vấn, nhưng vẫn không liên lạc được với ai.
Ở cuộc gọi tiếp theo của PV thì ông Tuấn đã nghe máy và cho hay: Hiện tại, nhà trường đang làm việc với các cơ quan chức năng, nên trong thời gian này không cung cấp thông tin được, khi nào cơ quan chức năng có kết luận chính thức trường sẽ có thông báo sau.
Chính sách sinh viên Sư phạm không phải nộp học phí được quy định tại Khoản 3, Điều 77, Luật Giáo dục 1998 và Điều 89 của Luật Giáo dục 2005 như sau: "Học sinh, sinh viên ngành sư phạm, người theo học các khoá đào tạo nghiệp vụ sư phạm không phải đóng học phí, được ưu tiên trong việc xét cấp học bổng, trợ cấp xã hội".
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận
2024-12-21 09:54:16 · 来自210.28.131.246回复
2024-12-21 10:04:14 · 来自210.28.35.171回复
2024-12-21 10:14:14 · 来自106.94.248.88回复
2024-12-21 10:24:16 · 来自121.77.103.106回复
2024-12-21 10:34:15 · 来自106.85.184.86回复
2024-12-21 10:44:14 · 来自210.27.67.85回复
2024-12-21 10:54:18 · 来自36.56.209.108回复
2024-12-21 11:04:14 · 来自222.60.161.104回复
2024-12-21 11:14:17 · 来自123.232.180.104回复