Thực hiện Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ, thành phố Hà Nội đã triển khai xây dựng Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công là cơ quan hành chính (ngang sở) thuộc UBND TP. Ngày 04/10/2024, HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 35/NQ-HĐND thông qua Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công.
Đầu mối giải quyết thủ tục hành chính
Trụ sở điều hành chính của Trung tâm tại số 197 phố Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.
Việc hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa, trả kết quả thủ tục hành chính thực hiện phân tán tại 30 chi nhánh (là bộ phận 1 cửa của 30 quận, huyện, thị xã); bố trí linh hoạt các điểm tiếp nhận phù hợp với tình hình thực tế và mật độ dân cư; đẩy mạnh, hướng tới chủ yếu giao dịch trực tuyến, hình thành 1 Trung tâm Phục vụ Hành chính công trên không gian mạng.
Về chức năng, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trung tâm là đầu mối tổ chức cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận, số hóa, phối hợp giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Trung tâm tham mưu, tổ chức triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của UBND TP, Chủ tịch UBND TP.
Về nhiệm vụ, Trung tâm kiểm soát thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Cải cách thủ tục hành chính, nghiên cứu, thí điểm, triển khai, nhân rộng các các sáng kiến, cải tiến thực hiện thủ tục hành chính.
Trung tâm tổ chức thực hiện cung cấp thông tin, hỗ trợ, hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa, phối hợp giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; Tham mưu, triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp; Công tác quản trị nội bộ; Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND TP, Chủ tịch UBND TP giao hoặc theo quy định của pháp luật.
Những lợi ích mà người dân và doanh nghiệp được hưởng
Người dân, doanh nghiệp là đối tượng được thụ hưởng trước hết những lợi ích mà mô hình mới mang lại. Trong đó, tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển do việc phi tập trung ở cấp TP, phân tải về 30 chi nhánh và các điểm tiếp nhận; tối đa hóa phạm vi tiếp nhận thủ tục hành chính tại một địa điểm.
Hình thành cơ chế “phi tiếp xúc trực tiếp” giữa người dân, doanh nghiệp với công chức, cơ quan có thẩm giải quyết thủ tục hành chính, góp phần từng bước làm giảm phiền hà, tiêu cực, tham nhũng vặt; đồng thời, gia tăng tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình giữa các cơ quan.
Tăng cường khả năng, điều kiện tiếp cận dịch vụ; việc tổ chức hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại tất cả các chi nhánh, các điểm tiếp nhận sẽ góp phần tăng tỷ lệ giải quyết trực tuyến, giúp người dân tiếp cận dịch vụ 24/7.
Bảo đảm sự công bằng, đồng bộ, thống nhất trong trải nghiệm dịch vụ của người dân trên toàn địa bàn Thành phố, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các địa bàn khó khăn, qua đó giúp gia tăng sự hài lòng, niềm tin của người dân, doanh nghiệp với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tổ chức hoạt động theo 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (từ nay đến hết 31/3/2025), Trung tâm tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy; ưu tiên các giải pháp đột phá đầu tư phát triển công nghệ (trong đó tập trung vào hạ tầng số và nền tảng số), sử dụng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học.
Tùy vào điều kiện đáp ứng của cơ sở vật chất, hệ thống thông tin và hạ tầng số, Trung tâm Phục vụ Hành chính công nghiên cứu thí điểm thực hiện việc tiếp nhận thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành TP từ ngày 01/02/2025.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại 677 Bộ phận một cửa trên toàn Thành phố
Theo UBND TP Hà Nội, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội kế thừa, phát huy những kết quả, ưu điểm của việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại 677 Bộ phận một cửa trên toàn TP bảo đảm tinh gọn, thông suốt, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo hướng “phi tập trung ở cấp Thành phố”, lấy “cấp huyện làm trung tâm”, hướng về cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát huy tối đa phương án phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính.
Khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của mô hình bộ phận một cửa “truyền thống”, tháo gỡ các điểm “nghẽn” và giải quyết tình trạng “ách tắc” trong giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt ở lĩnh vực như: đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng,… có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh, chỉ số phát triển của TP.
Tiếp nhận thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính theo hướng đổi mới cách thức tiếp nhận thủ tục hành chính, chuyển từ phân chia Bộ phận Một cửa theo cấp, đơn vị hành chính sang mô hình theo khu vực, quản lý tập trung, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện tiếp nhận, trả kết quả đa ngành, đa lĩnh vực và không phụ thuộc vào địa giới hành chính; bảo đảm mỗi người dân đều có thể tiếp cận với các dịch vụ công được cung cấp trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5 km, tiếp nhận và giải quyết 24/7 (tính từ địa điểm của người dân và doanh nghiệp đến điểm thực hiện thủ tục hành chính).
Tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi, giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính, hỗ trợ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo UBND TP trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; bảo đảm đáp ứng các chỉ tiêu liên quan đến chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.
Nâng cao tính chuyên nghiệp, độc lập trong tiếp nhận, số hóa, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; bảo đảm linh hoạt trong bố trí cán bộ một cửa phù hợp với điều kiện, tình hình tiếp nhận, giải quyết thủtục hành chính của từng khu vực, tránh việc quá tải cục bộ; tạo điều kiện theo dõi, giám sát, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện thủ tục hành chính kịp thời, hiệu quả.
Nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính đạt tối thiểu 95%, trong đó 100% hồ sơ thủ tục hành chính được công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, giải quyết để tổ chức, cá nhân có thể theo dõi, giám sát, đánh giá; bảo đảm trải nghiệm dịch vụ giữa các Bộ phận Một cửa thống nhất, đồng bộ.
Đăng thảo luận